Trong chiến tranh, họ là những người mẹ, người chị dũng cảm, kiên cường, đối đầu với giặc không chút núng nao, khiếp sợ. Họ sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí mạng sống để đổi lấy độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Hoà bình lập lại, những người mẹ, người chị ấy lại xông xáo trên các mặt trận, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Trong chiến tranh, họ là những người mẹ, người chị dũng cảm, kiên cường, đối đầu với giặc không chút núng nao, khiếp sợ. Họ sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân, thậm chí mạng sống để đổi lấy độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Hoà bình lập lại, những người mẹ, người chị ấy lại xông xáo trên các mặt trận, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Đã bước qua tuổi 85 nhưng bà Nguyễn Thị Triều (tên thường gọi là Ba Hiếu) vẫn say mê lao động. Mỗi ngày, cứ tầm 4-5 giờ sáng bà đã dậy, tập thể dục, sau đó chăm đàn gà, đàn vịt. Hôm nào tới con nước là bà bơi xuồng đi dở lú bắt tôm. Quanh căn nhà rộng là vườn cây trái đủ loại do một tay bà trồng và chăm bón. Là người từng đi qua chiến tranh, hơn ai hết, bà hiểu được ý nghĩa của cuộc sống thanh bình hôm nay phải được đánh đổi bằng tuổi xuân của biết bao người, trong đó có cống hiến của bản thân và những đồng đội đã hy sinh, nên bà luôn trân trọng và nâng niu những gì mình có được.
Kiên cường trong kháng chiến
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, từ nhỏ bà đã tham gia công tác thiếu nhi ấp Tân Bửu, sau lấy chồng về ấp Rau Dừa. Năm 1958, chồng bà (lúc đó là Bí thư xã Hưng Mỹ) bị giặc bắt và tử hình. Nuốt căm thù vào lòng, bà quyết tâm thoát ly gia đình theo cách mạng. Bà trở thành người đi đầu trong nhiều cuộc đấu tranh trực diện chở tử thi ra thị xã Cà Mau đòi giặc bồi thường thiệt hại, đòi Mỹ - Diệm ngừng giết hại đồng bào vô tội. “Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, tôi cũng như nhiều bà con khác chỉ có căm thù chất nặng trong lòng, nên không hề khiếp sợ, dù bọn giặc có đàn áp, chúng tôi vẫn xông lên”, bà nói như sống lại không khí sục sôi của những ngày máu lửa.
Lao động giúp bà Nguyễn Thị Triều sống vui khoẻ. |
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà được Nhà nước cấp cho 2 công đất. Lúc này các con bà đều bận công tác nên bà một mình ra sức làm lụng, dành dụm mua thêm được 7 công. Đó là nơi bà đang sống hiện nay, khóm 2, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Nay bà vào tuổi xế chiều, các con đã thành đạt, cuộc sống ổn định, mong muốn rước mẹ về ở cùng để tiện bề chăm sóc nhưng bà vẫn không nỡ rời xa nơi này. Bà muốn được ngày ngày ra vào mảnh vườn nơi mình vun trồng từng gốc cây, thỉnh thoảng được gặp gỡ chị em, đồng đội, cùng ôn lại chuyện xưa, và nhất là được góp tiếng nói xây dựng chính quyền, đoàn thể địa phương.
Dù đã được miễn sinh hoạt chi bộ nhưng mỗi khi địa phương triển khai chủ trương của Đảng hay quán triệt nghị quyết mới, bà chưa từng bỏ một buổi nào. Bà vẫn dõi theo từng bước đi, sự chuyển mình của quê hương đất nước qua từng trang báo, từng bản tin thời sự trên đài.
Bà tâm sự: “Điều tôi vui mừng nhất là các con tôi đều noi gương gia đình đi theo cách mạng. 2 con gái đi bộ đội Trung đoàn 10, giờ đã nghỉ hưu. Con trai út thoát ly gia đình từ năm 13 tuổi, hiện đang công tác ở Trường Đảng tỉnh. Cả 3 đứa đều là đảng viên. Các cháu tôi tuy sống trong thời bình nhưng cũng thấu hiểu được sự hy sinh của cha anh nên cố gắng học hành, công tác. Tuổi già của tôi đâu còn gì vui hơn”.
Còn sức là còn cống hiến
Từ khi về hưu đến nay đã 15 năm, bà Trần Kim Thuận (tên thường gọi Bé Sáu) gắn bó với công tác phụ nữ ở địa phương, cố vấn cho phụ nữ khóm 2, thị trấn Cái Nước trong các phong trào. Phong trào phụ nữ khóm 2 được đánh giá mạnh hơn so với các đoàn thể khác. Hội Phụ nữ khóm 2 trở thành niềm tin và chỗ dựa của chị em phụ nữ trong khóm.
67 tuổi, sức khoẻ có phần giảm sút do di chứng chiến tranh nhưng bà Trần Kim Thuận luôn tâm niệm: còn sức đến đâu là còn cống hiến cho địa phương đến đó.
Bà Trần Kim Thuận trưởng thành từ công tác Đoàn và là một trong những “cánh tay đắc lực” của tổ chức Đoàn tại xã Đông Thới, huyện Cái Nước. Vốn thông minh, lanh lợi, bà được giao nhiều trọng trách và nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành xuất sắc. Nhất là phong trào “5 xung phong” vận động thanh niên đi tòng quân. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề nhưng có lúc bà vận động thành lập được cả trung đoàn đăng ký lên đường phục vụ chiến trường miền Đông.
Bản thân bà luôn ước ao được cầm súng giết giặc nhưng vì nhiệm vụ được tổ chức phân công gây dựng phong trào Đoàn, bà đành gác lại khát khao cháy bỏng trong lòng. Không được trực tiếp cầm súng, bà tình nguyện tham gia nhiều cuộc đấu tranh trực diện cùng với bà con Nhân dân chống lại sự đàn áp của kẻ thù.
Bà kể: “Lần đầu tôi chở tử thi đi đấu tranh, bị giặc bắt giam hơn 7 tháng, tra tấn đủ trò chết đi sống lại. Không hiểu sao lúc đó tôi đủ sức chịu đựng những nhục hình dã man đó, có lẽ vì ước mơ hoà bình độc lập luôn cháy bỏng trong lòng. Trải qua thời gian bị giam cầm càng củng cố thêm tinh thần, củng cố thêm lòng tin với Đảng, với Bác Hồ trong tôi”.
Hoà bình lập lại, bà vừa tiếp tục công tác, vừa lao vào phát triển kinh tế, lo cho các con học hành và chăm sóc cho mẹ chồng tuổi cao sức yếu. Căn nhà khang trang ở khóm 2, thị trấn Cái Nước là kết quả của quá trình lao động vất vả của vợ chồng bà. Sau khi các con ăn học thành đạt, có việc làm ổn định, vợ chồng bà mới dành dụm xây căn nhà cho riêng mình. Cùng với những thành tích được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ… cuộc sống bà có được hôm nay cũng như sự tin yêu của bà con Nhân dân trong khóm là phần thưởng xứng đáng cho quãng đời còn lại của bà.
Mong cuộc sống ấm no cho đồng đội
Giữa cái nắng tháng Tư, trong căn nhà mái lá cạnh bờ sông thuộc xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, bà Dương Cẩm Mừng cặm cụi với đống hồ sơ thủ tục đề nghị cấp kỷ niệm chương cho những đồng đội từng bị địch bắt, tù đày trong chiến tranh. Bà cho biết, cả xã Tạ An Khương có 55 tù chính trị yêu nước, nhưng chỉ mới có 27 người được nhận kỷ niệm chương. Với vai trò Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước của xã, bà luôn trăn trở vì sự đóng góp của anh chị em đồng chí, đồng đội chưa được ghi nhận. Vì thế, bà tích cực hướng dẫn anh chị em hoàn thành hồ sơ báo công.
Bà Dương Cẩm Mừng tập hợp hồ sơ đề nghị tặng kỷ niệm chương cho đồng đội từng bị giặc bắt, tù đày. |
“Dù chế độ kèm theo mỗi kỷ niệm chương không lớn nhưng đây là vinh dự, là tự hào vì những đóng góp của mình được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Và để con, cháu chúng tôi có thể tự hào rằng, cuộc sống độc lập ấm no hôm nay mà chúng đang tận hưởng có đóng góp máu xương của ông bà mình, cha mẹ mình”, bà Mừng tâm sự.
Giọng ngậm ngùi, bà kể: "Ai đã từng đi qua chiến tranh, từng bị địch bắt, hành hạ tra tấn mới thấu hiểu nỗi đau đớn của người chiến sĩ cộng sản khi phải nén nỗi căm hờn, quyết tâm giữ tròn khí tiết, lý tưởng cách mạng". Năm 1968, 15 tuổi, bà đã đăng ký đi thanh niên xung phong, sau chuyển về công tác binh vận. Tháng 7/1970, trong một lần đi công tác, bà bị địch bắt, lúc đó trong người có 3 lá thư liên lạc. Bà tìm cách thủ tiêu 2 lá, còn 1 lá bằng giấy poluya vo tròn bằng ngón tay út để trong gói thuốc, vậy mà bọn chúng vẫn phát hiện được.
Nhưng khi chúng chưa kịp đọc, bà vội giật lấy bỏ vào miệng nhai. Chúng đánh mạnh vào miệng bà làm lá thư văng ra, đồng thời gãy hết hai hàm răng. Rồi những ngày sau đó chúng giải bà qua nhiều nơi và dùng đủ mọi cực hình tra tấn. Hơn 1 năm sống trong ngục tù của chế độ Mỹ - Diệm, người phụ nữ ấy vẫn một lòng kiên trung, nhất mực không khai báo tổ chức của mình.
Ra tù, bà tiếp tục tham gia công tác y tế, công tác phụ nữ, cộng tác viên dân số... Với bản tính năng động, nhiệt tình và chịu khó, nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành. Trước đây, công tác ấp, công tác hội không có lương, cộng thêm cuộc sống khó khăn, mỗi lần đi công tác bà phải đi bộ, có khi hàng cây số. Hiện tại, với vai trò Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, bà tích cực vận động anh chị em đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống, tích cực giúp đỡ đồng chí, đồng đội làm hồ sơ báo công để được hưởng chế độ chính sách. Bà còn phát động hội viên tù chính trị tham gia các tổ hùn vốn tạo điều kiện cho hội viên và gia đình phát triển kinh tế. Số tiền góp mỗi kỳ sinh hoạt (2 tháng/lần) chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng cũng đủ để hội viên mua được con heo hoặc tôm giống thả nuôi, cải thiện cuộc sống.
63 tuổi với nhiều vết tích chiến tranh còn hằn trên da thịt, đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, nhưng người phụ nữ ấy vẫn tất tả ngược xuôi, chăm lo cho đồng chí, đồng đội năm xưa bằng cả tấm lòng và trái tim đầy nhiệt huyết…
Bài và ảnh: Thuỳ Trâm