ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 04:38:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phủ xanh đất trống, bờ vuông

Báo Cà Mau (CMO) Trong thời gian giãn cách xã hội, đi chợ cũng phải chia theo ngày, nhiều bạn bè tôi tâm tình, giờ ở quê là sướng nhất, quanh nhà có rau, có cá, khỏi phải lo tập trung đông người vẫn có bữa ăn đậm đà hương vị. Lại nói, mẹ tôi ở xứ tôm - lúa Thới Bình, mỗi lần nghe điện thoại cứ khoe mấy giồng đậu đũa trái đầy giàn, đám cải, rau muống lớn nhanh ăn không kịp… Miên man chuyện rau màu, mới thấy rằng những khoảnh đất quanh nhà hay bờ vuông nếu bị “bỏ quên” thì thật là lãng phí.

Mấy lần đi cùng đoàn của tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất ở các huyện, các đồng chí lãnh đạo thường nhấn mạnh, ngoài kinh tế từ con tôm, con cua, cây lúa, các địa phương cần lưu ý đến diện tích đất hoang, vườn tạp và bờ vuông, phải tuyên truyền hoặc thí điểm mô hình để người dân thấy rõ việc tận dụng đất bỏ trống trồng rau màu, vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa tăng thu nhập.

Tiên phong và quyết tâm khai thác tiềm năng đất đai, huyện Phú Tân đã có hẳn một nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết số 03-NQ/HU) phát động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tận dụng sân vườn, bờ liếp, bờ bao vuông tôm để trồng cây ăn trái, rau màu. Người dân hưởng ứng mạnh mẽ vì lợi ích mô hình mang lại.

Bà Ðỗ Thị Bé, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, chia sẻ: “Trên bờ vuông và quanh nhà tôi trồng đủ loại rau màu, khi thì bí, đậu đũa, dưa leo, bắp cải... Lúc đầu tôi nghĩ chỉ trồng để ăn khỏi phải mua, dần dần nhiều quá, tôi bán cho xóm giềng, rồi gần đây con tôi đăng lên Facebook bán rau củ nhà vườn, được nhiều người ủng hộ. Mỗi ngày đi làm dưới huyện cháu chở theo bán, có ngày được 300.000-500.000 đồng”.

Mô hình “lấy ngắn nuôi dài” này được gia đình bà Bé duy trì nhiều năm qua, thu nhập hàng ngày đủ trang trải đám tiệc, mua nhu yếu phẩm trong nhà, đợi đến vụ thu hoạch tôm, cua. Thấy ấp mình còn nhiều đất bỏ trống, bà Bé đề xuất với địa phương thành lập tổ hợp tác trồng rau màu, với 10 hộ tham gia. Không còn lạ lẫm khi giờ đây trên vùng đất mặn như huyện Phú Tân lại có những vườn cây trái sum suê, những tổ hợp tác rau màu phát triển hiệu quả.

Trồng rau màu trên sân vườn, bờ vuông chủ yếu lấy công làm lời, vốn đầu tư thấp, chỉ cần siêng năng, chịu khó là có thể phát triển kinh tế. Nhà ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước có 1 ha đất canh tác tôm - lúa. Từ ngày khởi nghiệp, ông Quốc tận dụng bờ vuông, quanh nhà trồng rau màu và duy trì cho đến ngày khấm khá như hiện nay.

Thành viên HTX nông nghiệp xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước thi đua trồng rau màu trên bờ vuông, nâng cao thu nhập.

Trồng màu có vất vả, song đó là cách làm “tích tiểu thành đại” của gia đình nông dân sản xuất giỏi này. Khi vận động bà con tham gia hợp tác xã nông nghiệp, ông Quốc đưa ra tiêu chí trồng rau màu để các thành viên cùng thực hiện. Từ kinh nghiệm đúc kết trong quá trình sản xuất, ông Quốc bộc bạch: “Bờ vuông nếu không trồng gì thì cỏ mọc nhiều, nhanh, phải tốn công làm cỏ, tốn tiền mua thuốc diệt cỏ, thay vì trồng rau màu để phục vụ bữa ăn hàng ngày hoặc bán trang trải sinh hoạt gia đình thì lợi đôi đường”.

Trải dài các vùng quê, trên những con đường xuyên xóm, ấp, hình ảnh cỏ dại, lau sậy dần biến mất, thay thế bằng tuyến đường hoa rực rỡ và cả đường… rau xanh mướt. Diện mạo nông thôn được tô điểm tươi mới từ sức lao động bền bỉ và bàn tay vun trồng của nhà nông.

Dừng tay chăm sóc vườn cải ven đường, bà Nguyễn Thị Gái, ở ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Khu đất này của Nhà nước, hồi trước cỏ sậy mọc um tùm, tôi thấy uổng quá nên ngỏ ý mượn trồng rau và được địa phương chấp thuận. Gia cảnh khó khăn nên tôi tranh thủ trồng trọt quanh năm, tuy giá cả có lúc không ổn định nhưng đâu lỗ lã gì, mình lấy công làm lời mà”.

Nhờ rẫy rau mà người phụ nữ 63 tuổi này có được cuộc sống ổn định, sửa sang nhà cửa đàng hoàng.

Cùng với chăn nuôi thì trồng rau màu được đánh giá là mô hình xoá nghèo hiệu quả và bền vững, được nhiều địa phương vận động thực hiện, đồng thời hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, mô hình này dễ thực hiện, ít vốn lại không kén mùa vụ, đất ít vẫn có thể áp dụng và nhanh mang lại thu nhập, chỉ cần chịu khó, chịu làm. Ðiều đáng nói là người dân ngày càng biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, cũng như nhu cầu thị trường để nâng cao mức sống.

Khoảng sân nhà được lấp đầy cây trái ở Ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Mới đây, Hội LHPN huyện Ðầm Dơi đã phát động trong hội viên, phụ nữ thực hiện mô hình “Vườn rau gia đình”, nhằm có nguồn rau sạch, an toàn cho bữa ăn hàng ngày, đảm bảo sức khoẻ, giúp cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi Lục Thuỳ Dương chia sẻ: “Là vùng chuyên tôm, cua, nên diện tích đất bờ vuông, quanh nhà còn bỏ trống nhiều, thời gian của chị em cũng rảnh rỗi. Chúng tôi tin rằng mô hình “vườn rau gia đình” sẽ được duy trì bền vững vì dễ thực hiện, gần gũi với bà con nông dân và mang lại nhiều lợi ích, góp phần ổn định cuộc sống hội viên”.

Trong khi nhiều lĩnh vực ngưng hoạt động do đại dịch Covid-19, thì những vườn cây trái, rau màu trên khắp các vùng quê Cà Mau vẫn xanh tươi sức sống, vừa cung cấp bữa ăn cho gia đình, vừa giúp bà con có thêm thu nhập. Những sản vật được tạo nên từ sức lao động cần mẫn ấy bỗng trở thành những phần quà vô giá được người quê gói ghém gửi trao đến các bếp ăn 0 đồng, các chốt kiểm dịch, điểm cách ly tập trung và cả tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Vật chất hoá tinh thần, trong từng mớ rau, con cá đong đầy tình thương của đất, của người Cà Mau thay cho tấm lòng sẻ chia, niềm tin cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, để xã hội sớm trở lại cuộc sống yên bình./.

 

Mộng Thường

 

Tạo điều kiện để đồng bào phát triển đời sống tốt hơn

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Trần Văn Thời dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho đồng bào giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp và làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc anh em.

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.

Sản xuất con giống - Phát triển nghề nuôi thuỷ sản

Giống thuỷ sản là đối tượng phục vụ nghề nuôi thuỷ sản, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, do môi trường nước ô nhiễm cùng với việc khai thác, đánh bắt theo cách huỷ diệt đã làm cho giống loài thuỷ sản ở môi trường tự nhiên gần như cạn kiệt.

Triển vọng nuôi cá tra thương phẩm

Hiện nay, nhiều hộ ở vùng ven TP Cà Mau thực hiện mô hình nuôi cá tra khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khác với quy mô công nghiệp như ở các tỉnh trong khu vực, mô hình nuôi cá tra ở đây khá đơn giản, ít tốn chi phí, được xem là hướng đi triển vọng cho nông dân.

Ðổi mới để nuôi tôm hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trong huyện đã đổi mới, sáng tạo và thành công với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có không ít mô hình là sáng kiến mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng.

Tạo động lực bứt phá cho ngành tôm

Ngành tôm - ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp tục giữ vai trò chủ lực đóng góp cho phát triển kinh tế tỉnh, đóng góp 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2024, ước đạt 7.476 tỷ đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, góp phần đưa Cà Mau vươn tầm trên bản đồ thuỷ sản Việt Nam và thế giới, ngành tôm còn tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm ngàn hộ dân, thúc đẩy mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.