(CMO) “Cà Mau là quê hương của cây đước, cây tràm”, đó là ấn tượng của nhiều người Việt Nam khi đặt chân đến vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Với hơn 254 km bờ biển bao quanh những cánh rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, cuộc sống của người dân Cà Mau hàng trăm năm qua đã gắn liền với rừng, với biển.
Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, rừng là nơi nuôi dưỡng, chở che quân và dân Cà Mau vượt qua những gian lao, nguy hiểm để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong kháng chiến chống Mỹ, các khu rừng đước, rừng tràm đã trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của khu vực miền Tây Nam Bộ.
Một đơn vị thuộc Cục Hậu cần Quân khu 9, gồm 29 nữ, do chị Tư Bích chỉ huy. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đơn vị này còn tự lực trong đời sống, đảm đang cả những công việc nặng nhọc. (Ảnh chụp tại Rạch Nai, Cái Tàu, 27/10/1970). Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Những ngôi nhà sàn được nguỵ trang kín đáo, len lỏi trong những cánh rừng trở thành nơi ở, nơi làm việc của các chiến sĩ cách mạng và đông đảo người dân đi theo cách mạng. Ngoài ra, còn có các bộ phận được thành lập và hoạt động ngay giữa những cánh rừng để phục vụ kháng chiến như các xưởng quân giới, kho chứa vũ khí, đạn dược, kho lương thực, trường học, trạm y tế… Tất cả tạo nên một mô hình Nhân dân kháng chiến hết sức độc đáo, đó là “làng rừng”.
Các “làng rừng” ở Cà Mau hình thành trong những năm 1958-1960 được ghi nhận trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Minh Hải (1930-1975): “Căn cứ địa cách mạng xây dựng ở vùng rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn ngày càng có đông đồng bào, bởi vì Nhân dân không sống nổi trước những hành động kềm kẹp, tàn bạo và các cuộc ruồng càn, vây ráp, khủng bố, đốt phá, bắn giết của địch. Họ rủ nhau rời bỏ khu kềm kẹp của địch và nơi vườn cũ gần đồn bót giặc, đi vào rừng sâu sinh sống, từ đó hình thành những xóm làng ngay trong rừng mang tên “làng rừng” cũng là căn cứ cách mạng quan trọng trong thời kỳ này.
Số lượng người sinh sống tại các “làng rừng” có lúc lên đến hàng chục ngàn dân được hình thành từ khu vực rừng tràm U Minh kéo dài xuống rừng đước ở phía Nam. Khu vực U Minh và Trần Văn Thời có các làng rừng Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi; Thới Bình có làng rừng Biển Bạch, Trí Phải; Phú Tân có làng rừng Tân Hưng Tây, Cái Cám, Phú Mỹ, Mũi Ông Lục (Đầm Thị Tường); Đầm Dơi có làng rừng Tân Tiến, Tân Thuận (cơ sở Lý Tự Trọng, Huỳnh Ngọc Điệp); Ngọc Hiển có làng rừng Đồng Ong Nghệ, Đất Mũi, Viên An…
Một góc rừng U Minh Hạ hôm nay. Ảnh: MINH TẤN |
Tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động của các “làng rừng” hết sức chặt chẽ, mỗi “làng rừng” đều thành lập đội du kích có từ 40-60 người làm nhiệm vụ canh gác, kiểm soát an ninh. Tổ chức Đảng cũng được thành lập, lúc này có 3 loại chi bộ: Chi bộ “làng rừng” gồm các đảng viên trực tiếp lãnh đạo “làng rừng”; Chi bộ lực lượng vũ trang gồm các đảng viên hoạt động trong lực lượng vũ trang, trực tiếp chiến đấu; Chi bộ bí mật gồm các đảng viên còn giữ thế hợp pháp với địch. Dân cư sống trong “làng rừng” được bố trí theo xóm, ấp tham gia lao động sản xuất và học tập văn hoá, sinh hoạt văn nghệ, vui chơi giải trí.
Một số “làng rừng” tổ chức “trường học dã chiến” để dạy học cho cả trẻ em và người lớn, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít. Buổi tối, cư dân trong “làng rừng” tập hợp bên nhau nghe phổ biến tin tức và chủ trương của Đảng, hoặc xem múa hát, biểu diễn văn nghệ, võ thuật. Ngày Tết thì cùng nhau gói bánh tét, bánh ít, làm bánh phồng chuẩn bị đón giao thừa, nghe thư chúc Tết của Bác Hồ.
Trải qua gần 60 năm, do được xây dựng bằng cây lá địa phương, hơn nữa, từ sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, bà con sống trong các “làng rừng” trở về quê cũ làm ăn sinh sống và tiếp tục lao động sản xuất phục vụ kháng chiến, một số nơi còn giữ lại để làm công binh xưởng chế tạo vũ khí, hoặc nơi huấn luyện quân sự, hoặc trở thành kho chứa vũ khí… cho đến ngày giải phóng. Hiện trạng của các “làng rừng” ngày nay hầu như không còn dấu vết nào nữa.
Mô hình “làng rừng” ở Cà Mau chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá - nhân văn sâu sắc, cần được nghiên cứu phục dựng lại trên cơ sở các tư liệu, chứng cứ lịch sử. Đây là công việc hết sức hệ trọng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hơn nữa, việc phục dựng những “làng rừng” ở Cà Mau còn là cơ hội để phát triển du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau cho bạn bè các địa phương trong nước và quốc tế.
Những tháng cuối năm 2017, Ban Quản lý Di tích tỉnh Cà Mau đang gấp rút hoàn thành hồ sơ khoa học để tham mưu trình Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận “Làng rừng Cà Mau” là di tích lịch sử quốc gia. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phục dựng, tái tạo các làng rừng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phục vụ phát triển du lịch ở địa phương.
Văn Quynh