Xác định công tác đối thoại tại nơi làm việc đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động tổ chức các buổi đối thoại định kỳ, tạo cơ hội để lắng nghe và giải quyết các ý kiến của người lao động (NLÐ) về tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc và chế độ, chính sách.
- Điểm sáng trong chăm lo đời sống người lao động
- Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện áp dụng từ ngày 1/1/2025
- Tạo điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân
- Thủ tướng chủ trì phiên họp về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Theo đó, công đoàn cơ sở (CÐCS) đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp (DN) để xây dựng nội dung và giám sát việc thực hiện đối thoại theo đúng quy định của pháp luật. Các buổi đối thoại không chỉ dừng lại ở việc giải quyết mâu thuẫn mà còn giúp nâng cao sự hiểu biết và đồng thuận giữa hai bên, từ đó tăng năng suất lao động và sự gắn kết trong DN.
Trong năm 2024, có 136/168 CÐCS DN ngoài khu vực Nhà nước đã xây dựng và ban hành quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Ðối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca theo mức quy định tại Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/1/2022 của Ban Chấp hành Tổng LÐLÐ Việt Nam về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, ở 13/9 DN, đạt 144,4% chỉ tiêu Tổng LÐLÐ.
Ðối thoại, thương lượng được xem là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. (Ảnh chụp tại Công ty Thuỷ sản Năm Căn).
Ông Võ Quốc Tín, Phó chủ tịch LÐLÐ tỉnh, cho biết, trên cơ sở triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, LÐLÐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn ngoài khu vực Nhà nước chủ động phối hợp với ban giám đốc tổ chức đối thoại định kỳ trên cơ sở tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của NLÐ có liên quan đến các chế độ phúc lợi, việc làm, thu nhập, nâng giá trị bữa ăn ca...
Cụ thể, CÐCS thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLÐ để chủ động và kịp thời đề xuất chủ DN tổ chức các buổi đối thoại nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh; công đoàn cùng với DN xây dựng nội dung đối thoại phù hợp, tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLÐ như: tiền lương, chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động. Trong các buổi đối thoại, công đoàn đóng vai trò đại diện thương lượng, trình bày ý kiến và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLÐ. Sau các buổi đối thoại, công đoàn giám sát việc thực hiện các cam kết đã thoả thuận, đồng thời báo cáo lên cấp trên nếu phát hiện vi phạm. Trên cơ sở đó, ban giám đốc công ty xem xét, điều chỉnh một số chế độ, chính sách giúp NLÐ được hưởng các chế độ, chính sách được tốt hơn. Qua đó, vai trò CÐCS được nâng lên, không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN mà còn nâng cao vị thế của NLÐ trong DN.
Theo ông Võ Quốc Tín, dù có nhiều kết quả tích cực, song với góc nhìn tổng thể, công tác đối thoại giữa NLÐ và người sử dụng lao động tại nơi làm việc vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một số DN tổ chức đối thoại chỉ mang tính hình thức, chủ yếu để đối phó, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của buổi đối thoại. Cả hai bên tham gia, đặc biệt là đại diện NLÐ, đôi khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thương lượng để giải quyết vấn đề.
Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và an toàn lao động là những nội dung được hướng đến trong các cuộc đối thoại thời gian qua. (Ảnh chụp tại Xưởng cơ khí Ðặng Lợi, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).
Bên cạnh đó, nhiều buổi đối thoại chưa tập trung vào các vấn đề trọng yếu, như cải thiện phúc lợi, tiền lương và điều kiện làm việc, mà chỉ dừng lại ở các vấn đề mang tính hành chính. Một số CÐCS chưa phát huy được vai trò chủ động hoặc còn hạn chế về năng lực để tham gia sâu vào quá trình đối thoại.
Những hạn chế nói trên cần được khắc phục triệt để và sớm nhất để hoạt động đối thoại thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp và xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN.
Ông Võ Quốc Tín cho biết, LÐLÐ tỉnh xác định rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng đối thoại và thương lượng tập thể để đảm bảo quyền lợi cho NLÐ. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đối thoại và thương lượng cho cán bộ công đoàn, giúp họ tự tin và thực hiện hiệu quả hơn trong vai trò đại diện đoàn viên, NLÐ. Hướng dẫn và hỗ trợ CÐCS trong việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung và triển khai đối thoại tại nơi làm việc, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả NLÐ và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của đối thoại và thương lượng tập thể.
Cùng với đó, với chức năng, quyền hạn được giao, LÐLÐ tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối thoại tại các DN. Ðối với những trường hợp vi phạm, sẽ có biện pháp xử lý thật nghiêm để bảo vệ quyền lợi NLÐ. Ðồng thời, tôn vinh và nhân rộng các mô hình DN điển hình trong việc thực hiện tốt công tác đối thoại và thương lượng tập thể, tạo động lực cho các DN khác học hỏi.
“Những nhiệm vụ, giải pháp này sẽ góp phần không chỉ nâng cao chất lượng đối thoại mà còn giúp tạo dựng môi trường lao động hài hoà, ổn định trong DN, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLÐ, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các DN trên địa bàn tỉnh”, ông Võ Quốc Tín chia sẻ./.
Văn Ðum