(CMO) Các công trình thuỷ lợi đã có mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tưới tiêu cho đất canh tác hiện có, khoảng 55% so với đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước thực trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang nuôi thuỷ sản, nhất là những năm gần đây công trình thuỷ lợi tại một số vùng, khu vực đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Sản xuất "da beo" khiến ranh giới mặn và ngọt đan xen nhau gây ra mâu thuẫn trong hình thức tổ chức sản xuất. Trong điều kiện hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh như hiện nay thì đây là nguyên nhân chính khiến diện tích ngọt hoá ngày một bị thu hẹp.
Thiếu đồng bộ
Từ khi hệ thống trên đê biển Tây đầu tư hoàn thiện thì tình trạng xâm nhiễm mặn vào nội đồng đã được hạn chế. |
Tuy hệ thống thuỷ lợi Tiểu vùng III Bắc Cà Mau được đầu tư khép kín nhưng chưa đồng bộ, từng lúc sản xuất của người dân gặp khó khăn. |
Cà Mau là tỉnh hiện chưa có nguồn nước ngọt cấp bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Trong khi hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn thiện nên việc lấy nước, dẫn mặn, thoát nước dư thừa còn rất hạn chế; Khẩu độ cống hiện còn nhỏ hơn nhiều so với mặt cắt kênh gây cản trở dòng chảy, giao thương hàng hoá, đi lại... Đó là những hạn chế mà có thể kể ra liên quan đến các công trình thuỷ lợi đã được đầu tư thời gian qua.
Các công trình xây dựng chưa đầy đủ, không đồng bộ giữa kênh, cống, đập, cầu và trạm bơm. Nhiều công trình chưa đảm đảo yêu cầu lấy nước không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất mới. Vẫn còn tồn tại dạng công trình tạm, như đập thời vụ, cống thời vụ... dạng công trình này tính an toàn không cao. Nhìn chung, khả năng ngăn mặn, tiêu úng xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống tràn và cung cấp nước mặn cho vùng chuyển đổi sang tôm - lúa hiệu quả thấp.
Là một trong những địa phương được quy hoạch hệ sinh thái ngọt, thuộc Tiểu vùng 3 Bắc Cà Mau đã được đầu tư khép kín. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) Trần Vững cho biết, trên thực tế sản xuất hơn 4 năm qua kể từ khi được khép kín do công suất các trạm bơm chưa đảm bảo nên khả năng tiêu úng khi mưa lớn cục bộ vẫn còn hạn chế. Nhiều lúc, nhiều nơi sản xuất của người dân bị thiệt hại do ngập úng. “Kể từ khi 9 cống trên địa bàn xã được hoàn thành năm 2014 đến nay thì hệ thống này chỉ vận hành được đúng một lần”, ông Vững cho biết thêm.
Hay như tại Tiểu vùng 2 Nam Cà Mau, thuộc các xã Thạnh Phú, Phú Hưng (huyện Cái Nước) và xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời) được đầu tư theo Quyết định số 09/QĐ-CTUB ngày 6/1/2003 của UBND tỉnh. Mục tiêu của dự án là tiến hành xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo từng vùng khép kín, đảm bảo cấp thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, kết hợp với xây dựng giao thông thuỷ, bộ, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy được quyết định đầu tư từ năm 2003, nhưng mãi đến năm 2007 mới bố trí vốn trái phiếu Chính phủ với tổng số vốn 110,176 tỷ đồng.
Dự án được quy hoạch trong vùng có diện tích 6.385 ha, với việc xây dựng 14 cống, nạo vét 21 kênh và hệ thống đê bao 30,7 km. Với quy hoạch tiểu vùng chưa thể kín nên đến năm 2013 chủ đầu tư (Sở NN&PTNT) bổ sung 16 cống, tăng vốn đầu tư lên 220 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy dự án được triển khai với tiến độ khá chậm. Theo Chủ tịch UBND xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) Hà Ngọc Sáu, trên địa bàn xã phải có 5 cống để khép kín tiểu vùng nhưng đến nay chỉ triển khai xây dựng 1 cống (cống Cái Rắn) lại đang dở dang. Chưa thể khép kín nên việc sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm càng ngày càng khó khăn. Tiêu biểu như trong vụ mùa năm 2018, trên địa bàn xã sản xuất được khoảng 200 ha lúa trên đất nuôi tôm nhưng chỉ thu hoạch được khoảng 50% diện tích.
Ông Sáu còn cho biết thêm, theo quy hoạch hiện tại Tiểu vùng 2 và Tiểu vùng 3 cùng một trục đê là kênh thuỷ lợi. Trong khi đó tiểu vùng này chuyên tôm và đang phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp, do đó, khi tiến hành xổ nước sẽ ảnh hưởng đến Tiểu vùng 2 và ngược lại.
Thiếu vốn đầu tư lại dàn trải, từ đó các công trình thiếu đồng bộ là nguyên nhân khiến các công trình thuỷ lợi được đầu tư đã qua chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Lúng túng trong quy hoạch sử dụng đất
Hiện nay trên toàn tỉnh Cà Mau việc phân vùng sử dụng đất còn rất lúng túng, theo quy hoạch thì vùng Bắc Cà Mau là vùng ngọt trồng lúa, tuy nhiên, hiện tại trong vùng này vẫn có một số hộ nuôi tôm và tôm - lúa. Từ đó hình thành nên những cụm nhỏ từ vài héc-ta đến vài trăm héc-ta nuôi tôm trong vùng ngọt, góp phần làm mặn ngày một lấn sâu vào nội đồng, gây nhiễm mặn cũng như ảnh hưởng tâm lý chuyển đổi của các hộ lân cận.
Ô thuỷ lợi 300 ha vùng sản xuất lúa 2 vụ ở Ấp 1 và Ấp 6, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) là một trong số đó. Dự án được triển khai thực hiện đầu tư tại Quyết định số 1787/QĐ-UBND ngày 5/12/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh phân khai kinh phí đầu tư các hạng mục gồm 3 cống thời vụ, cải tiến 1 bọng, nạo vét 1.175 m kênh, 1 trạm bơm (2 máy tổng công suất 5.000 m3/giờ) và trạm biến áp, đường dây với tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2016 hệ thống công trình đưa vào vận hành, khai thác. Kể từ đó không còn tình trạng ngập úng kéo dài, gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng nông sản như những năm chưa đầu tư, đáp ứng được mục tiêu dự án đặt ra phục vụ cho sản xuất lúa 2 vụ. Tuy nhiên, một vài năm gần đây phát sinh một phần diện tích bà con đã tự phát chuyển dịch sản xuất theo mô hình lúa - tôm, từ đó sản xuất trong vùng dự án xảy ra mâu thuẫn giữa mặn và ngọt nên đã nảy sinh nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Cụ thể, khi bơm phục vụ tiêu thoát nước cho lúa thì phải đóng các cửa cống gây khó khăn cho việc lấy nước vùng mặn, giao thông đi lại; Sau khi bơm xong phải mở các cống ra để phục vụ giao thông đi lại, trao đổi nước thì lại gây ra tình trạng không đảm bảo nhiệm vụ ngăn mặn cho trà lúa vụ 2...
Hay, khu vực ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) vẫn còn một số hộ tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm. Dù rằng mục đích sử dụng đất theo quy hoạch khu vực này vẫn là đất rừng sản xuất (rừng sinh thái ngọt kết hợp sản xuất theo quy định). Do là vùng đất nhiễm phèn nặng nên có khoảng 34 hộ trồng lúa kém hiệu quả, từ đó các hộ dân tại khu vực này đưa nước mặn vào nuôi tôm, năm 2012 chỉ có 3 hộ, đến năm 2016 tăng lên 11 hộ và họ vẫn giữ đến nay.
Việc quy hoạch sử dụng đất trong địa bàn tỉnh đã có, nhưng việc thực hiện theo quy hoạch hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng đưa nước mặn vào vùng hệ sinh thái ngọt. Tình trạng này xuất phát từ tập quán canh tác người dân, phần do hệ thống thuỷ lợi chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, dẫn đến tình hình sử dụng đất trong tỉnh rất phức tạp, tự phát./.
Trung Đỉnh - Nguyễn Phú
Bài 3: HIỆU QUẢ CÒN MỊT MỜ