(CMO) Mục tiêu của đầu tư hệ thống thuỷ lợi là tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, mục tiêu này hiện vẫn chưa thể hiện rõ và bài toán kinh tế giữa suất đầu tư và hiệu quả kinh tế đang rất mịt mờ.
Thực tế, từ năm 2007 ở Tiểu vùng 5 Nam Cà Mau, Sở Thuỷ sản (nay là Sở NN&PTNT) đã xây dựng ô khép kín ở ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ và ấp Đường Cày, Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân sản xuất không hiệu quả. Công trình này khiến sự đi lại bằng đường thuỷ của người dân gặp khó khăn, trao đổi hàng hoá rất bất lợi nên người dân ở đây đề nghị không khép kín và nên tháo dỡ các cống đã có để dòng chảy lưu thông, thuận lợi cho sản xuất và kiến nghị với chính quyền địa phương không tiếp tục xây cống khép kín tiểu vùng theo quy hoạch.
Chưa đáp ứng sản xuất
Đầu tư công trình thuỷ lợi còn chắp vá nên nhiều vùng sản xuất thật sự chưa hiệu quả, nhất là trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm theo quy hoạch, năng suất thiếu ổn định và hiệu quả thấp. Cụ thể, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, thuộc Tiểu vùng 5, từ năm 2005-2013 gieo cấy 2.801 ha, thiệt hại 2.623 ha. Hay Tiểu vùng 2, địa bàn huyện Cái Nước, năm 2007 gieo cấy 2.038 ha, thiệt hại 333 ha, năm 2010 gieo cấy 352 ha, thiệt hại 300 ha; Huyện Trần Văn Thời năm 2013 gieo cấy 4.657 ha, thiệt hại 2.417 ha...
Hay như Tiểu vùng 17 và 18, Nam Cà Mau, địa bàn huyện Đầm Dơi. Từ sau khi chuyển dịch sản xuất, tiểu vùng đã chuyển hoàn toàn sang nuôi thuỷ sản với tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và hiện nay đang có một số hộ phát triển nuôi tôm công nghiệp. Tiểu vùng đã được lập dự án đầu tư xây dựng và được phê duyệt theo Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 24/3/2008 với mục tiêu kiểm soát mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới dừng lại ở mức độ nạo vét kênh mương và xây dựng được một số cống dọc sông Gành Hào. Từ thực tế trên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam cho biết, việc khép kín tiểu vùng này hiện người dân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có hộ kiến nghị tiếp tục đầu tư nhưng có hộ lại không.
Ngày 3/8 nước biển Tây dâng cao kỷ lục, uy hiếp nghiêm trọng đoạn đê ở xã Khánh Bình Tây. Ảnh: Khánh Phương |
Hay như khu vực từ Ấp 11 đến Ấp 17, xã Khánh An, huyện U Minh. Trong khu vực đã được đầu tư nạo vét hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh và trước đây ngành giao thông cũng đã đầu tư một số cống như T13, T15, T17, T19, tuy nhiên, qua thời gian các cống này đã xuống cấp, khẩu độ nhỏ, cao trình đáy cống không phù hợp..., không còn đáp ứng khả năng tiêu thoát nước trong khu vực. Từ đó, khu vực có khoảng 5.000 ha thường xuyên bị ngập úng. Ngoài ra, tuyến đường T21 (đường công vụ khí - điện - đạm) bị ngập trong mùa mưa làm nước từ khu vực phía Bắc tràn qua gây ngập úng cho khu vực phía Nam tuyến đường T21.
Đồng thời với đó, khả năng tiêu thoát nước của các cống dọc tuyến lộ xe Cà Mau - U Minh (T21, cống Nam Dương, cống Khai Hoang...) ra sông Cái Tàu bị hạn chế. Khi cần tiêu thoát nước chống úng thì nước phía ngoài sông Cái Tàu lại cao hơn phía trong các kênh nội đồng nên khả năng vận hành đóng mở cống chống úng không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, do địa hình chung của toàn khu vực có xu thế thấp dần từ Đông sang Tây, nên toàn bộ nguồn nước cần phải tiêu úng, xổ phèn đều tập trung đổ về hướng Tây thông qua các cống ven biển như: Sào Lưới, Ba Tỉnh, T25, T29, Kênh Xáng Mới... tiêu ra biển. Trong khi đó, phần lớn các cống hiện có phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ đều tiêu nước ngược về hướng Đông (khu vực ngập úng) thông qua kênh T19 và kênh T100 đổ vào các các kênh T21, T25, T27, T28. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập úng khu vực này.
Cống T29 được đầu tư đồng bộ để bảo vệ cho vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau. |
Nguy cơ ngập úng cao
Với hiện trạng thuỷ lợi hiện tại cùng với tác động ngày một rõ rệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đưa toàn bộ diện tích của tỉnh trước nguy cơ ngập cao, gia tăng độ mặn xâm nhập mặn vào nội đồng, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Theo kịch bản nước biển dâng ứng với năm 2040 là tăng thêm 25 cm thì phần diện tích bị ngập từ 1-1,2 m sẽ tăng thêm 22% trong mùa khô và lên đến 40% trong mùa mưa so với diện tích bị ngập 1-1,2 m hiện tại. Nhìn chung, vào năm 2040, mực nước trung bình cả năm của tỉnh là từ 1-1,2 m, tăng hơn 0,2 m so với hiện nay. Khi đó sẽ có hơn 4.693 km2 bị ngập từ 1-1,2 m trở lên, chiếm 85,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.
Kịch bản là vậy, nhưng theo ông Tô Quốc Nam, thực tế còn phức tạp hơn rất nhiều, nhất vào những tháng triều cao thời điểm cuối năm. Ông Nam dẫn chứng, năm 2018 mực nước đo được tại sông Gành Hào có thời điểm lên đến 2.40 cm so với bình quân 2.2 cm. Hay như gần đây nhất là vào ngày 3/8 nước khu vực biển Tây dâng cao đạt mốc kỷ lục, kể cả khi cơn bão số 5 năm 1997 vẫn chưa xảy ra tình trạng nước dâng cao như vậy.
Ngoài ra, nếu tình hình triều cường, nước biển dâng diễn ra đúng theo kịch bản thì riêng đối với hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông, nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 45.000 km kênh mương, trong đó chủ yếu là kênh nội đồng, kênh cấp I, II, khoảng 4.500 km đường giao thông sẽ bị ngập, đặc biệt khi có bão và triều cường thì con số này tăng đáng kể, khoảng 13.000 km bị ngập.
Như vậy, có thể thấy biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động nghiêm trọng đến nhiều thành phần kinh tế - xã hội chính của tỉnh. Đối với nông nghiệp, biến đổi khí hậu tác động đến sinh trưởng, tăng dịch bệnh, dịch hại, làm giảm năng suất cây trồng, thay đổi thời vụ gieo trồng, gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Với ngành thuỷ sản, nuôi tôm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sự thay đổi số lượng và chất lượng nước, đặc biệt là khu vực sản xuất ven biển. Với ngành lâm nghiệp, nước biển dâng sẽ đẩy nhanh tốc độ xói lở vùng ven biển và cửa sông, đồng thời làm cho các bãi triều bị ngập sâu hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngập mặn./.
Trung Đỉnh - Nguyễn Phú
Bài 4: CẢNH BÁO SỰ LÃNG PHÍ