ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-12-24 15:24:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Rau VietGAP Lý Văn Lâm cần thương hiệu

Báo Cà Mau (CMO) Đây là vùng đất chuyên canh rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP lớn ở TP. Cà Mau. Người trồng rau màu ở xã Lý Văn Lâm không ngừng nâng cao chất lượng thương hiệu rau sạch để đưa ra thị trường nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện nay rau màu ở xã Lý Văn Lâm vẫn chưa có thương hiệu, sản phẩm làm ra của người nông dân bán được với giá không cao.

Nhắc đến nghề trồng rau màu, hầu hết nông dân đều có cùng suy nghĩ là vất vả và cơ cực. Nhưng vì cuộc sống, lại không nghề nghiệp ổn định nên họ phải bám víu vào cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để đổi lấy chén cơm.

Nỗi lo dịch bệnh

Những tháng ngày mưa dầm, người trồng rau màu vùng chuyên canh ở xã Lý Văn Lâm luôn phải đối mặt với những rủi ro vì rau màu bị thối gốc do ngập nước hay mắc phải nhiều căn bệnh thường gặp như: lở cổ rễ, sâu tơ, vàng lá, bạch tạng, khô đầu lá, xoăn trùng ngọn… Vì vậy, trồng màu đối với nông dân cũng giống như một canh bạc và mức lợi nhuận mà họ thu về chưa cao như mong muốn.
 Khi đang loay hoay tìm hiểu về việc trồng màu của bà con nông dân địa phương, bất chợt cơn mưa nặng hạt tuôn xuống, tôi bước vội vào căn chòi lá bên đường để tránh trú. Tại đây, tôi bắt gặp hình ảnh thu hoạch rau màu của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tiếng, 54 tuổi, cùng vợ là bà Phan Thị Nương, 53 tuổi, ngụ ấp Ông Muộn khi đang lặt mớ rau muống ước khoảng 40 kg. Theo lời ông Tiếng, rau mắc bệnh gỉ trắng (dưới lá có đốm trắng) nên phải cắt vội. Ánh mắt đượm buồn, đôi tay mò mẫm lựa từng lá rau có lớp bột trắng xung quanh viền vàng để loại bỏ, bà Phan Thị Nương bày tỏ: “Để có những bó rau tươi ngon đem bán, vợ chồng tôi phải trải qua quá trình: lên liếp, cải tạo đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc… cho đến khi thu hoạch, rau phải từ trên 20 ngày tuổi”.

Trồng màu trong nhà lưới theo chuẩn VietGAP của nông dân xã Lý Văn Lâm.

Bà Nương cho biết thêm, trong quá trình rau phát triển, vợ chồng bà đã chăm sóc, tìm đủ mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất, quyết không để xảy ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng của những luống rau. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra trên rau màu không thể tránh khỏi, nhất là những tháng mưa dầm như hiện nay.

Theo bà Nương, giá rau màu có lúc này, lúc khác nhưng trung bình từ 7.000-8.000 đồng/kg. Khi hút hàng, rau tăng giá nên bán được khoảng 10.000 đồng/kg. “Có khi dội chợ, rau có giá vài ba ngàn nhưng không ai mua. Việc dùng các biện pháp để hạn chế rau màu xảy ra dịch bệnh luôn được người trồng màu chúng tôi áp dụng bằng phương pháp căng màng lưới để bảo vệ. Vì đây là mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên việc sử dụng thuốc trừ sâu được hạn chế đến mức thấp nhất”, bà Nương thông tin.

Được biết, rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc I và II, khi thật cần thiết có thể sử dụng nhóm III và IV, nên chọn các loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc hại. Kết thúc đợt phun thuốc hoá học trước khi thu hoạch ít nhất 5-10 ngày.

Vào mùa mưa, rau màu thường rất mẫn cảm với nhiệt độ và ẩm độ không khí. Nếu nhiệt độ và ẩm độ cao sẽ gây trở ngại cho việc phát triển của rau màu, do vậy năng suất không cao. Đặc biệt, độ ẩm, nhiệt độ cao chính là điều kiện thích hợp cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại cho cây trồng.

Cần có thương hiệu

Gắn bó với nghề trồng màu trên 15 năm, ông Hồ Văn Khởi, 65 tuổi, ngụ ấp Ông Muộn luôn tìm đủ mọi cách để chăm sóc cho cây rau màu xanh tốt, tăng năng suất mà không phải dùng nhiều thuốc. Ông Khởi bộc bạch: “Nghề trồng màu rất bấp bênh, dịch bệnh thường xảy ra. Giá bán thì không đảm bảo, ra đến chợ, rau sạch hay không sạch thì giá cũng như nhau, bởi đâu có nhãn mác gì để chứng minh rau mình là rau sạch”.

Nghề trồng màu của nông dân ấp Ông Muộn luôn xen lẫn những chuyện vui buồn. Họ vui vì được mùa, được giá, nhưng lại buồn vì thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng những luống rau vốn được xem là chén cơm của họ. Nghề trồng màu được xem là nghề truyền thống của nông dân xã Lý Văn Lâm, nhưng từ nhiều năm nay, diện tích đất trồng màu của địa phương này dần bị thu hẹp. Nông dân không còn mặn mà với nghề vốn gắn bó với người dân nơi đây. Bởi, dù có mở rộng thêm diện tích, cố gắng chăm sóc thì những luống rau màu vẫn xảy ra dịch bệnh do thiếu kỹ thuật trong trồng trọt và giá bán không cao.

Ông Phan Văn Hận, Phó trưởng ấp Ông Muộn, cho biết: “Nghề trồng màu hiện nay của ấp thưa dần, nhiều hộ đã bỏ nghề để đi làm công nhân ở xí nghiệp. Mong ngành chức năng có những chính sách hỗ trợ cần thiết để khôi phục mô hình trồng màu của địa phương phát triển mạnh như những năm trước đây”.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Thời gian qua, địa phương hỗ trợ cho bà con nông dân trên địa bàn xã về kỹ thuật trồng trọt, màng lưới, hạt giống, phân bón…, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

“Hiện xã Lý Văn Lâm đã xây dựng được hợp tác xã trồng màu rất hiệu quả. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu rau sạch để đưa rau màu theo chuẩn VietGAP ở xã Lý Văn Lâm tiếp tục vươn xa, đảm bảo thu nhập tương xứng cho người nông dân”, ông Nhàn nói./.

Trần Quốc Khải

Liên kết hữu ích

Giảm sức người, tăng hiệu quả

Những năm qua, các công ty, xí nghiệp và nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất ở nhiều lĩnh vực, nhằm giải phóng sức lao động ở công việc nặng nhọc, ảnh hưởng sức khoẻ. Ðây cũng là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Tâm huyết với nghề làm bánh phồng

Có hơn 20 năm gắn bó với công việc chế biến và kinh doanh bánh phồng tôm, hộ bà Dương Thị Quyết (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình chế biến, để đưa nhiều sản phẩm chất lượng đến với khách hàng.

Giải pháp tài chính hay “bẫy nợ” tiềm ẩn?

Thẻ tín dụng hiện nay trở thành công cụ tài chính phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự gia tăng sử dụng thẻ tín dụng cũng kéo theo những mối nguy không thể xem nhẹ.

Mùa gặt thuê trên đất lúa – tôm

Thời điểm này, các cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, đang vào mùa chín rộ, người dân tranh thủ thuê nhân công gặt lúa. Ðây là dịp để những người gặt lúa thuê bắt đầu công việc mưu sinh theo thời vụ, có thêm thu nhập.

Khô cá bổi vào vụ Tết

Thời điểm này, tại làng nghề làm khô cá bổi ở ấp Ðá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nhộn nhịp không khí sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Vốn tín dụng chính sách cho vùng dân tộc thiểu số

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã và đang chung tay thực hiện hiệu quả Nghị định số 28/2022/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) (Chương trình). Về vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có trao đổi cụ thể cùng ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh.

Thay đổi tư duy sản xuất

Huyện Năm Căn có thế mạnh nuôi thuỷ sản, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn nuôi tôm quảng canh truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; cùng với đó, loại hình nuôi này đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nên năng suất không cao. Nhằm từng bước thay đổi phương thức sản xuất cho người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, UBND xã Ðất Mới tổ chức lớp học hiện trường ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi tôm sú quảng cảnh cải tiến (QCCT).

Hiệu quả từ gỡ khó cho đối tượng nộp thuế

Năm 2024, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tỉnh giao cho TP Cà Mau là 530 tỷ đồng. Tính đến ngày 8/12, tổng thu NSNN trên địa bàn thành phố được 518,018 tỷ đồng, đạt 97,74% dự toán tỉnh giao; có 3/7 nguồn thu và 13/16 đơn vị xã, phường đạt dự toán pháp lệnh năm 2024.

Tiềm năng phát triển bất động sản vùng ven

Trong vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản (BÐS) tại các khu vực ngoại thành đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và người dân. Từ những khu vực từng được xem là ít giá trị, nay vùng ven đô dần nổi lên như một “vùng đất hứa” nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, các dự án quy hoạch đô thị và sự dịch chuyển dân cư. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là không ít thách thức cần giải quyết để biến tiềm năng thành hiện thực.

Cách nào giữ được cây tràm?

Mỗi khi có chuyến về huyện U Minh công tác, lòng tôi chợt bồi hồi mỗi khi xe lăn bánh trên những cung đường quen thuộc, bởi không còn cảm nhận được mùi hương quen thuộc của bông tràm - giống cây đặc trưng của vùng đất U Minh. Giờ đây, chiếm ưu thế ở xứ này là cây keo lai, bởi cho giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường. Diện tích trồng tràm vì thế dần bị thu hẹp, cây tràm sẽ về đâu đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.