(CMO) Về Hải An, một ấp nhỏ nằm cạnh sông Đầm (thuộc xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), nghe chuyện xoá trắng hộ nghèo mà trong lòng khoan khoái. Ông Huỳnh Chí Công, cán bộ Trung tâm Văn hoá Thể thao - Học tập cộng đồng, nói như khoe: “Ở đây giờ lộ bê-tông đấu nối gần như hết xóm và người dân sống rất đoàn kết”.
Chúng tôi ghé nhà chị Trần Thị Nhẹ, hộ dân vừa làm đơn xin thoát nghèo. Chị Nhẹ bộc bạch: “Gia đình tôi không đất đai, nhưng nhờ hàng xóm thương tình cho miếng đất biền, chồng tôi là người dân tộc Khmer nên được Nhà nước cất cho căn nhà. Vợ chồng tôi làm thuê quanh năm mà đôi khi không lo được đầy đủ bữa ăn cho 2 đứa con. Năm 2013, chồng tôi qua đời, gia cảnh khốn khó lại càng thêm túng quẫn. Sau đó, tôi được Ban Nhân dân và Chi hội Phụ nữ ấp cho vay 5 triệu đồng để chăn nuôi (heo, vịt) và làm giá đỗ bán cho người dân trong xóm. Giờ đây, con gái lớn đã lập gia đình riêng, thằng út cũng trưởng thành, tự lao động nuôi thân.
Từng là nơi phức tạp ANTT
Nhớ lại thời điểm năm 2007 trở về trước, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư, Trưởng ấp Hải An, ngao ngán: “Đời sống người dân nơi đây chủ yếu là nuôi thuỷ sản, có hộ chăn nuôi thêm để cải thiện kinh tế gia đình, nhưng nạn mất tôm, cua, gà... xảy ra như cơm bữa. Đối tượng trộm cắp thường đi số đông (3 người trở lên) và phân công người đứng canh, người chài lưới bắt trộm thuỷ sản hoặc gia cầm. Trộm xong, bọn chúng lên vỏ nổ máy vọt nhanh, bà con có phát hiện cũng trở tay không kịp. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội (cờ bạc, đá gà...) xảy ra thường xuyên. Rồi chuyện xóm giềng bất hoà, anh em thân tộc tranh chấp đất đai... làm phai mờ nếp sống chân chất, mộc mạc vốn có ở vùng quê. Trong khi toàn ấp chỉ có khoảng 230 hộ dân”.
Những mét lộ đất đen cuối cùng ở xóm miền Trung (ấp Hải An) đang được bê-tông hoá. |
Trước tình hình trên, được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền xã, sự hỗ trợ của Công an huyện, ấp Hải An thành lập Ban hoà giải và 7 tổ Nhân dân tự quản (NDTQ), phân công người luân phiên canh gác và tuần tra các lối đi chính, khu vực nuôi thuỷ sản… suốt ngày đêm. Nếu thấy người lạ vào ấp là điện thoại cho tổ NDTQ bám sát, theo dõi. Đồng thời, quá trình tuần tra bắt trộm, thành viên các tổ NDTQ kết hợp tuyên truyền, vận động những người có máu mê cờ bạc nên từ bỏ mà chí thú lao động.
Thậm chí, kiên quyết lập biên bản, phạt tiền nếu bắt quả tang trường hợp tập trung cờ bạc và cảnh báo những người vi phạm, nếu còn tái phạm sẽ bị phạt tù. Sau vài vụ trộm cắp được ấp phát hiện, bắt giữ, giao công an xử lý, không ít đối tượng cờ bạc bị đưa ra kiểm điểm trước dân… Nạn trộm cắp và tệ nạn xã hội trên địa bàn Hải An được hạn chế từ sau năm 2009.
Đảm bảo ANTT, quyết tâm chuyển hoá địa bàn, Ban Nhân dân ấp Hải An tiếp tục xây dựng các mô hình, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Mặt khác, Ban hoà giải ấp luôn quan tâm và giải quyết mâu thuẫn trong dân một cách thấu tình đạt lý.
“Chi bộ ấp có 20 đảng viên, chia đều ra phụ trách các tổ NDTQ. Hàng ngày, các đảng viên thường lân la trong dân để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tìm hiểu tâm tư cũng như những bất đồng trong dân để giải quyết kịp thời với phương châm “Nội bộ đóng cửa bảo nhau, không đem chuyện tranh chấp ra chính quyền, vì dù thắng hay thua, tình nghĩa xóm giềng cũng tan nát”. Nhờ vậy mà những xích mích, mâu thuẫn của người dân trên địa bàn ấp được xử lý êm thắm ngay từ khi mới nhen nhóm”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Đoàn kết thoát nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, “hạ nhiệt” được tình hình ANTT, Hải An lại băn khoăn vấn đề giảm nghèo, nhất là những hộ dân không đất sản xuất. Vì vậy, chi bộ vận động mỗi đảng viên góp 240.000 đồng/năm để gây quỹ. Bên cạnh đó, Ban Nhân dân ấp vận động các chi hội thành lập tổ hùn vốn để hỗ trợ nhau thoát nghèo…
“Ngoài các nguồn hỗ trợ của trên, Chi hội Phụ nữ vận động chị em ở các tổ hùn vốn gây quỹ với 50.000 đồng/tháng/hội viên. Mỗi quý tổ họp lại xét cho vay, những hộ nào cần tiền gấp được ưu tiên trước. Quy định cho vay cũng rất thoáng, không giới hạn thời gian trả, cứ trả vào thời điểm người vay thấy thuận lợi. Có hộ khó khăn quá thì cho luôn. Như hộ chị Nhẹ, tuy hiện tại gia đình chị đã thoát nghèo nhưng tổ cũng không nhận lại tiền chị đã vay trước kia”, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Nguyễn Hồng Tươi cho hay.
Không chỉ hỗ trợ về vốn mà bà con Hải An còn tương trợ nhau công cụ lao động. Những hộ dư dả góp tiền mua phương tiện như ghe xuồng, máy nổ, máy khoan đất… cho những hộ nghèo làm kế sinh nhai. Không ít hộ, tuy gia đình chưa thật sự khá giả nhưng cũng giúp người khác theo kiểu “lá lành đùm lá rách” bằng cách bán chịu con giống, tới mùa thu hoạch mới trả tiền... Nhờ sự tiếp sức như vậy mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Câu chuyện ông Tư Việt (Nguyễn Quốc Việt, cựu bí thư Chi bộ ấp Hải An) tặng xuồng máy cho ông Phạm Văn Tài là hộ nghèo do không đất đai, chỉ làm thuê kiếm sống, đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng giờ người dân Hải An vẫn nhắc mãi. Bởi khi có xuồng máy, ông Tài đi bỏ mối nước đá khắp xã. Từ đó, tích góp lợi nhuận rồi đổi nghề thu mua tôm, cua… và trở thành chủ vựa tôm.
“Phát huy được tinh thần đoàn kết trong xây dựng các phong trào quần chúng ở địa phương, cũng như tinh thần tương thân tương ái giúp nhau vượt khó, ấp Hải An được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Năm 2019, Hải An xoá trắng hộ nghèo và đến thời điểm này, ANTT ở địa phương được giữ ổn định”, ông Nguyễn Văn Hùng phấn khởi./.
“Trong 13 ấp trên địa bàn xã, Hải An là một điển hình trong việc phát huy văn hoá cộng đồng. Không chỉ chung sức chung lòng chuyển hoá địa bàn phức tạp về ANTT, người dân còn tương trợ nhau trong cuộc sống, nét đẹp vốn có của thôn quê. Từ những mô hình, cách làm hay của Hải An, xã sẽ phổ biến, nhân rộng ở các ấp”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân Phan Hoàng Nhơn khẳng định. |
Mỹ Pha