Từ khi được thành lập đến nay, bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện U Minh cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn miễn phí cho người bệnh và thân nhân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chia sẻ gánh nặng trong quá trình điều trị bệnh của rất nhiều gia đình.
- “San sẻ yêu thương, đong đầy hạnh phúc”
- Những mái ấm nghĩa tình
- “Mọi người vui, mình cũng hạnh phúc”
- Tri ân những tấm lòng vàng
Bếp ăn được thành lập từ năm 2006, qua nhiều người phụ trách, cũng có thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19. Từ năm 2022, bà Ngô Lệ Thu, cán bộ hưu trí, quyết định về đây tập hợp và duy trì những bữa phát cơm miễn phí cho đến nay.
Bà Thu cho biết: “Nhận thấy người dân ở vùng sâu, vùng xa trong huyện, kinh tế khó khăn nên tôi cùng các chị em trong bếp ăn từ thiện phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia đóng góp. Ban đầu cũng chưa lan toả, nhưng dần dần được mọi người ủng hộ nên bếp ăn duy trì được đến nay”.
Hiện, bếp có 18 tình nguyện viên, chia làm 7 tổ xoay vòng nấu các bữa ăn trong tuần. Ðể phục vụ 100-120 suất ăn mỗi ngày, các tình nguyện viên phải đến từ rất sớm để chuẩn bị. Mỗi người một việc, chia nhau, từ nấu cơm, sơ chế rau củ, đến đứng bếp nấu nướng. Cứ thế, đến 5 giờ sáng là có thể phát những suất cơm, cháo nóng hổi, thơm ngon. Ðến khoảng 6 giờ, các tình nguyện viên dọn dẹp để trở về lo việc gia đình.
Tình nguyện viên bếp ăn từ thiện Trung tâm Y tế huyện U Minh cùng góp sức để trao các suất ăn miễn phí đến thân nhân, bệnh nhân khó khăn.
Chị Dương Thị Lập, tình nguyện viên, Ấp 4, xã Khánh Lâm, chia sẻ: “Lúc trước tôi nuôi người thân bị bệnh ở đây, thấy hoạt động của bếp ăn rất ý nghĩa nên tôi tham gia. Tôi cũng như các chị em khác, gắn bó với bếp ăn bởi sự đồng cảm với những bệnh nhân còn khó khăn. Giúp được mọi người, tôi thấy rất vui”.
Có những tình nguyện viên dù nhà xa, đường đi không thuận lợi và thường phải dậy từ 3 giờ sáng để đến bếp ăn cho kịp nhưng vẫn rất vui vẻ. Như chị Ðỗ Ngọc Diện, Ấp 8, xã Khánh Hoà, khoảng cách đi lại xa, song chị vẫn gắn bó với bếp ăn suốt mấy năm nay. Chị tâm sự: "Chính những lời cảm ơn, sự vui mừng của những người nhận cơm là nguồn động viên để tôi có thể theo suốt chặng đường tình nguyện đã qua. Không chỉ riêng tôi, mà các thành viên trong bếp ăn từ thiện đều rất vui khi giúp được những phần cơm, cháo cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh nghèo”.
Dù là suất ăn miễn phí, nhưng bếp ăn luôn đảm bảo nguồn thực phẩm tươi, mới và bảo quản an toàn vệ sinh thực phẩm. Với người bệnh cũng như người nuôi bệnh, những suất ăn này chính là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhất, giúp phần nào vơi bớt chi phí trong lúc ốm đau.
Ông Quách Việt Triều, Ấp 3, xã Khánh Lâm, nuôi vợ bệnh nằm viện gần 1 năm ở Trung tâm Y tế huyện U Minh. Ông Triều đã quá quen với bếp ăn từ thiện và hết sức thân tình với các tình nguyện viên nơi đây. Ông Triều bộc bạch: “Mấy chị thức khuya dậy sớm nấu những suất ăn tặng bà con, chúng tôi rất biết ơn. Nhờ những suất cơm, cháo của các chị đã giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn”.
Ngoài các tình nguyện viên trực tiếp tham gia nấu nướng phục vụ bữa ăn, còn có nhiều nhà hảo tâm luôn đồng hành. Mỗi khi thiếu gạo, gia vị... không chỉ cô Thu mà các tình nguyện viên khác cũng có thể “đánh tiếng” với các địa chỉ tin cậy nhờ hỗ trợ, từ Khánh Hội cho đến TP Cà Mau. Cô Thu kể, như sạp rau của chị Út, bé Gái bên chợ U Minh thường xuyên hỗ trợ rau củ quả, mà mỗi lần hỗ trợ đều chở sang tận nơi cho bếp ăn, để các cô đỡ phải đi chở; củi để nấu thì cũng là đi vận động các nơi.
Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, mọi kinh phí hoạt động, nguyên liệu phục vụ bếp ăn phải do kêu gọi mà có, nhưng các tình nguyện viên vẫn luôn nhiệt tình, cố gắng duy trì, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhất là những hộ khó khăn lại còn mang bệnh tật. Chính sự tận tâm, trách nhiệm và không vụ lợi của các tình nguyện viên trong bếp ăn đã tạo sức lan toả việc làm nhân ái, nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm./.
Quách Nguyên - Lâm Như