(CMO) Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết trong vài năm gần đây, nhất là với các hiện tượng nắng nóng, khô hạn kéo dài, nước biển dâng cao và xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, biện pháp kỹ thuật phù hợp trong cải tạo đất “giải mặn, tích ngọt” khi gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm nhằm đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu được xem là yếu tố thành công của mô hình này hiện nay.
Sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm chiếm tỷ lệ khá lớn trong diện tích nuôi tôm nước lợ ở một số huyện, thành phố trong tỉnh (khoảng trên 40 ngàn héc-ta) và được coi là loại hình canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững, đặc biệt là sản xuất theo hướng sản phẩm an toàn.
Nông dân xã Tân Lộc thu hoạch lúa từ mô hình lúa - tôm. |
Với các hộ gia đình có điều kiện hơn, có thể thiết kế thêm ao ương tôm giống để thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Các ao này sẽ giúp người nuôi tôm chủ động hơn trong việc ương dưỡng tôm giống theo độ mặn thích hợp, hạn chế việc lấy nước mặn sớm vào đồng ruộng, quản lý được số lượng và chất lượng tôm thả nuôi để tăng năng suất và sản lượng, từ đó, góp phần tăng thu nhập tích luỹ cho người nuôi. Cũng có thể tận dụng ao này trong mùa mưa để nuôi các đối tượng thuỷ sản nước ngọt, hoặc dùng tích chứa nước ngọt tại chỗ để chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng trong trường hợp xảy ra nắng hạn cục bộ, thiếu nước ngọt.
Do người dân thường nuôi tôm vào mùa nắng, sang mùa mưa lại trồng lúa hoặc xen canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm nên cần thực hiện biện pháp kỹ thuật phù hợp với các vụ canh tác vào các mùa khác nhau. Áp dụng theo quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, tôm nhanh lớn và tạo thuận lợi cho việc chăm sóc tôm nuôi, chủ động trong khâu cải tạo, rửa mặn, tích ngọt đồng ruộng để kịp mùa vụ trồng lúa.
Vào thời điểm độ mặn giảm, nên ương tôm giống trước khi thả vào vuông nuôi trong ao ương (nếu có) hoặc chọn mua tôm giống đã qua ương của các cơ sở ương tôm (từ bể ương bạt, ao ương, hầm đất…) để có tôm giống đạt kích cỡ lớn, hạn chế hao hụt khi thả nuôi, tôm nhanh lớn, kịp thu hoạch và tiến hành rửa mặn đồng ruộng chuẩn bị cho vụ lúa vào mùa mưa.
Đối với cây lúa, khâu kỹ thuật quan trọng nhất là rửa mặn, giải mặn, tích ngọt cho ruộng lúa sau vụ nuôi tôm. Khi có những trận mưa lớn và tập trung đầu mùa, nên tranh thủ tận dụng để tháo rửa mặn, tích trữ nước ngọt cho đồng ruộng. Đảm bảo theo khuyến cáo độ mặn tốt nhất của ruộng trước khi xuống giống là thấp hơn 2‰.
Theo đó, phải chọn giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng, các giống lúa mùa của địa phương, giống lúa trung hoặc ngắn ngày. Trong quá trình chăm sóc và quản lý phải giữ ổn định mực nước trong ruộng phù hợp với sự phát triển của cây lúa. Khi nắng hạn cục bộ xảy ra, cần giữ mức nước cao trong ruộng và tích trữ tối đa nước ngọt ở những nơi có thể tích ngọt được như ao chứa và ao lắng, ao ương tôm giống hoặc ao nuôi tôm bán thâm canh…
Ngoài ra, nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào ruộng, bà con canh tác theo mô hình sản xuất lúa - tôm có thể tính toán thời gian ương tôm giống trước trong ao ương vào lúc lúa chín hoặc chuẩn bị thu hoạch lúa để khi lấy nước mặn vào là có ngay tôm giống cỡ lớn để thả nuôi hoặc có thể tận dụng mương vườn, bờ liếp để gieo mạ sẵn, khi cải tạo và rửa mặn cho ruộng xong là có ngay mạ để cấy. Việc ương tôm giống trước trong ao ương và gieo mạ sẵn sẽ giúp kéo dài thời gian nuôi tôm trong ruộng cũng như thời gian trồng lúa.
Sản xuất lúa - tôm ở tỉnh Cà Mau là phương thức canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nước trời. Do đó, hoạt động sản xuất riêng lẻ của các nông hộ sẽ có những trở ngại trong khâu cấp nước, chứa nước và xả nước, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế xâm nhập mặn và kiểm soát mức nước trong ruộng. Vì vậy, các địa phương cùng người dân cần tổ chức lại sản xuất theo hướng cộng đồng, liên kết sản xuất để việc quản lý được tốt hơn, đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả canh tác, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con và góp phần phát triển bền vững cho những vùng đất được chuyển đổi./.
Hoàng Diệu - Minh Chòi