Biến đổi khí hậu, hạn mặn đang là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến Cà Mau. Vùng ngọt hoá Cà Mau đang từng bước có những giải pháp để thích ứng, biến “nguy” thành “cơ”, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Chủ động mọi tình huống
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua nắm bắt diễn biến thời tiết, khoảng 3-4 năm Cà Mau sẽ có 1 mùa hạn hán, mức độ ngày một khốc liệt hơn. Thực tế cho thấy, vùng ngọt hoá đã chịu nhiều thiệt hại vào các mùa hạn 2015-2016, 2019-2020; và mùa hạn năm nay, dù bước vào cao điểm khô hạn chưa lâu nhưng đã cho thấy diễn biến khó lường.
Ông Vũ khẳng định: “Làm tốt công tác dự báo, xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ sản xuất phù hợp là công việc mà các cấp, ngành, địa phương và bà con nông dân phải đặc biệt lưu tâm để đảm bảo năng suất, sản lượng, chất lượng và lợi nhuận của cả mùa vụ”.
Ðối với vùng ngọt hoá, nguồn nước ngọt tưới tiêu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả sản xuất. Tuỳ theo mức độ hạn hán từng năm, nguồn nước tưới cũng có những biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến lịch thời vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Với những năm được dự báo mưa dứt sớm, nắng nhiều, nguồn nước tưới khó khăn, việc lên lịch thời vụ phải càng chi tiết, cụ thể và có nhiều phương án sát với từng khu vực sản xuất”.
Vụ đông xuân 2023, xã Trần Hợi có khoảng 1.400 ha lúa và 200 ha màu dưới ruộng.
1.400 ha lúa với năng suất ước 6,6 tấn/ha của xã Trần Hợi đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Năng suất lúa của bà con được đảm bảo vì tuân thủ đúng lịch thời vụ sản xuất. (Ảnh: Thu hoạch lúa hộ Lâm Văn Vũ, ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).
“Hiện đang vào cao điểm thu hoạch lúa, màu của bà con. Năng suất lúa ước đạt 6,6 tấn/ha, vụ màu cũng đảm bảo năng suất bằng và cao hơn mọi năm. Hạn hán cũng ảnh hưởng một phần nhỏ diện tích sản xuất nhưng không đáng kể. Có thể khẳng định, mùa vụ đã thắng lợi đúng như kỳ vọng. Ðiều mừng là bà con đã rất ý thức tuân thủ lịch thời vụ, sản xuất theo đúng kế hoạch”, ông Ðoàn thông tin.
Ông Ðỗ Văn Sử, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, khẳng định: “Tuân thủ lịch thời vụ, chọn giống phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật và quy trình sản xuất mới, đồng thời có giải pháp sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước tưới là những vấn đề mà bà con xã Trần Hợi cần phải hết sức chú ý trong những mùa vụ tới, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến khó lường hiện nay”.
Mùa thu hoạch bí rợ đầy phấn khởi của gia đình ông Trần Văn Bắc, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Ruộng 4 ha bí rợ của gia đình ông Trần Văn Bắc (Ấp 5, xã Trần Hợi) bước vào vụ thu hoạch với niềm vui lớn.
“Ruộng bí nhà tôi thu hoạch khoảng 60 tấn, với giống Trang Nông 151, giá ổn định ở mức 10 ngàn đồng/kg, cao hơn năm trước, gia đình hết sức phấn khởi. Tôi rất ý thức tuân thủ lịch thời vụ, chủ động nguồn nước tưới, sản xuất đúng kế hoạch theo hướng dẫn của chính quyền và cán bộ xã Trần Hợi. Tôi đã 7 năm liền trồng bí, rất thấm thía việc sản xuất phải có bài bản, có nhiều phương án chủ động, nếu không là thất trắng. Mà cái thiệt đầu tiên là của chính người nông dân chớ ai vô đây”, ông Bắc bộc bạch.
Giá bí ổn định mức 10 ngàn đồng/kg, nông dân trồng bí ở Trần Hợi thêm phấn khởi.
Ðúc rút những kinh nghiệm quý
Dù đã chủ động nhưng xã Trần Hợi cũng còn nhiều điều băn khoăn trước mùa hạn hán có mức độ khốc liệt như năm nay. Kỹ sư Nguyễn Xuân Lãm, phụ trách mảng khuyến nông xã Trần Hợi, chia sẻ: “Vụ lúa, vụ màu của bà con kết quả khả quan, nhiều kinh nghiệm đã được đúc rút, áp dụng cho những mùa vụ sản xuất tới”.
Theo ông Lãm, mưa dứt sớm, nắng nhiều, buộc bà con phải bơm nước tưới từ các sông rạch, dẫn đến tình trạng mực nước sông rạch cạn nhanh, cũng là nguyên nhân khiến cho việc sụp lở đất diễn biến thêm phức tạp. Một số hộ dân chưa tuân thủ lịch thời vụ, sản xuất tự phát dẫn đến chi phí cao, lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro.
Dù mùa hạn 2023-2024 mới bước vào cao điểm, nhưng xã Trần Hợi đang là điểm nóng về tình trạng sụt lún đất, gây nhiều thiệt hại về hạ tầng cơ sở và cả lợi nhuận cho nông dân khi trùng với vụ thu hoạch. Ông Duy Ngọc Nguyễn, Trưởng ấp Bình Minh 2, chia sẻ: “Sông rạch cạn nước, việc vận chuyển nông sản phụ thuộc hoàn toàn vào đường bộ. Giờ lộ làng bị sụt lún, một số tuyến giao thông tê liệt, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân đang thu hoạch lúa, màu”.
Mùa hạn năm nay diễn biến khốc liệt, làm khô kiệt nước kênh rạch nội đồng vùng ngọt hoá Trần Văn Thời dù chỉ mới bước vào cao điểm. (Trong ảnh: Kênh Quảng Hảo, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi đã kiệt nước, sắp trơ đáy).
Anh Lâm Văn Vũ, ấp Bình Minh 1, cho biết: “Giá lúa sụt hơn 1 ngàn đồng so với đầu mùa thu hoạch, trong khi công mướn máy gặt cao hơn, chi phí vận chuyển đội lên, nên lợi nhuận giảm nhiều”. Theo anh Vũ, một số thương lái thu mua lúa cộng thêm chi phí vận chuyển, thậm chí đánh trực tiếp vào giá lúa, trong khi đang chính vụ, không bán thì không được, nhưng bán thì tiếc đứt ruột.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, một số hộ dân vùng ngọt hoá vì giá lúa cao đã làm thêm lúa vụ 3.
“Một số hộ cầm cự bơm nước, một số hộ đã bỏ cuộc. Lúa vụ 3 rất rủi ro và phá vỡ kế hoạch, lịch thời vụ. Thiệt hại trực tiếp và nhiều nhất vẫn là của bà con nông dân”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin. Ngành nông nghiệp đang tính toán, tham mưu và đề xuất các kịch bản, giải pháp cả về trước mắt và lâu dài để đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, bảo vệ vùng ngọt hoá và tiếp tục cùng Nhân dân thích nghi, thích ứng và chiến thắng những thử thách ngày càng cam go, khốc liệt của thiên nhiên.
Ðưa màu xuống ruộng sau lúa vụ đông xuân là gợi ý tích cực, phù hợp với sản xuất vùng ngọt hoá trong mùa hạn hán. Câu chuyện của ông Trần Văn Bắc và nhiều bà con Ấp 5, xã Trần Hợi đã chứng minh câu nói của ông bà xưa “một công rẫy bằng bảy công ruộng”. Nguồn thu nhập từ lúa và đặc biệt là rẫy bí đã thực sự làm thay da đổi thịt đời sống người nông dân nơi đây. “Nhờ trồng bí mùa hạn mà bà con nông dân ở đây có thêm tích luỹ, vươn lên khá giả, nếu chỉ trông đợi vào cây lúa thì không ăn thua”, ông Bắc tâm tình./.
Phạm Hải Nguyên