(CMO) Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng; kinh tế nông nghiệp của Cà Mau phát triển theo hướng thuận thiên, với nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên bức tranh kinh tế với nhiều gam màu tươi tắn.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã có sự chủ động gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, theo hướng thuận thiên, thích ứng với hạn mặn, tiến tới lộ trình phát triển bền vững. Liên kết khu vực ÐBSCL từng bước được thể hiện rõ nét và phát huy hiệu quả trong hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), giảm diện tích sản xuất lúa. Từ đó, một số vùng, tiểu vùng trồng lúa 1 vụ năng suất thấp được chuyển sang NTTS. Diện tích chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc kết hợp NTTS là 1.137 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi luân canh tôm - lúa lên đến gần 950 ha (chiếm 83,5% diện tích chuyển đổi). Lợi nhuận từ lúa - tôm đem lại cao hơn so với chuyên lúa. Trước đây các khu vực này thường xuyên bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp chuyên lúa 2 vụ của người dân gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả. Từ khi chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản, lợi nhuận của mô hình đạt khoảng 68 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 2 vụ trước đây. Trục nông nghiệp xoay chuyển rõ nét càng củng cố cho nhận định thế mạnh chủ lực của tỉnh là con tôm.
Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn như lúa - tôm được khuyến khích, mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi; các mô hình sản xuất được định hình lại theo từng vùng ngọt, mặn, lợ, đan xen giữa mùa vụ này với mùa vụ khác. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn được khuyến khích, mang lại hiệu quả cao như: lúa - tôm, rừng - tôm. Nhiều giống lúa chất lượng cao, giống chịu mặn năng suất cao được thử nghiệm cho kết quả khích lệ. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng lúa là 110.975 ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60%. Sự đa dạng hoá trong cơ cấu giống lúa thơm, lúa chất lượng cao giúp tỉnh Cà Mau gieo trồng thành công loại gạo ngon nhất, nhì thế giới: ST24, ST25. Từ thực tế sản xuất đã xuất hiện những mô hình “Lúa thơm - tôm sạch” trên cánh đồng chuyển đổi tôm - lúa. Cây lúa được chọn giống kỹ lưỡng, cho ra hạt gạo ngon nhất thế giới, gạo thơm có giá trị xuất khẩu cao. Con tôm dưới chân cây lúa cũng được nuôi theo mô hình tôm sạch, có chỉ dẫn địa lý.
Ðặc biệt, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng cao giá trị gia tăng: xuất hiện nhiều mô hình thâm canh lúa chất lượng cao, thâm canh, siêu thâm canh tôm phù hợp với từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả và thích ứng BÐKH. Diện tích tôm nuôi siêu thâm canh là 3.680 ha, năng suất nuôi đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ. Nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm 2-3 giai đoạn, với diện tích 15.000 ha, năng suất bình quân từ 500 - 600 kg/ha/năm. Diện tích thâm canh lúa chất lượng cao là 60.000 ha, năng suất dao động từ 5,8-6,5 tấn/ha.
Về phát triển sản xuất hàng hoá lớn gắn với hợp tác và liên kết, đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, lúa gạo) gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, với diện tích 31.050 ha. Tỉnh đang hỗ trợ phát triển sản xuất theo mô hình bao lợi nhuận với diện tích 1.000 ha, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
Nhờ đó, trong năm 2022, sản lượng NTTS 386 ngàn tấn, đạt 96,5% so với kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm 218.450 tấn, đạt 99,30% so với kế hoạch, tăng 6,41% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tỉnh đạt 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước.
Ða dạng hoá sinh kế, giảm nghèo bền vững
Việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên mang lại hiệu quả rõ nét, qua đó chuyển hoá được thách thức thành cơ hội cho phát triển. Dù hạn mặn ngày càng khắc nghiệt, xâm lấn sâu vào nội đồng nhưng diện tích lúa bị thiệt hại đã giảm, trong khi năng suất, chất lượng lúa ngày một tăng. Trước điều kiện dịch bệnh, bất ổn thị trường, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2022 vẫn đạt mức 3,9%.
Ðể phát triển nông nghiệp thích ứng với BÐKH, tỉnh đang tập trung nguồn lực phát triển thuỷ sản, đa dạng hoá sinh kế. |
Theo ông Vũ: “Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, chủ trương thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng; đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên, bước đầu đạt một số kết quả, góp phần giải quyết vấn đề BÐKH”.
Thực hiện đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gắn với thích ứng BÐKH trên các mô hình như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; NTTS; trồng rau màu; vụ lúa, vụ tôm trên cùng diện tích đất sản xuất, với 328 dự án cho gần 5 ngàn hộ dân tham gia thực hiện.
Phát triển nông nghiệp thích ứng với BÐKH
Bức tranh kinh tế nông nghiệp vẫn còn những vùng mờ nhạt. Ðặc biệt, hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đúng mức. Kinh phí đầu tư cho hệ thống thuỷ lợi chỉ khoảng 15% so với nhu cầu. Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng tranh thủ nhiều nguồn vốn nhưng chỉ đầu tư ưu tiên các công trình bức xúc. Tính đến nay, chưa có tiểu vùng nào được đầu tư khép kín độc lập hoàn chỉnh (ngoại trừ Tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc khu vực rừng tràm đã có đê bao từ trước; Tiểu vùng V, X Nam Cà Mau). Tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra, triều cường ảnh hưởng đến sản xuất. Hệ thống đê biển được xây dựng nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả phòng chống thiên tai chưa cao, thường xuyên phải nâng cấp. Hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức, tốc độ bồi lắng nhanh, không thể đáp ứng nhu cầu cấp thoát nước cho NTTS.
Ðể phát triển nông nghiệp thích ứng với BÐKH theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, tỉnh đang tập trung nguồn lực phát triển thuỷ sản, nhất là nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Xác định tôm sú là đối tượng chủ lực trong nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Riêng tôm thẻ chân trắng là đối tượng chủ lực trong nuôi thâm canh và siêu thâm canh.
Phát triển sản xuất lúa chất lượng cao (bao gồm diện tích lúa mùa, lúa tôm và các vùng sản xuất lúa cao sản phù hợp) tại các địa phương có đủ điều kiện về quy mô đất đai, ít bị tác động phèn mặn, hạ tầng giao thông thuỷ lợi khá tốt, trình độ thâm canh cao, sản xuất ổn định trong nhiều năm.
Ðịnh hướng chuyển sang luân canh lúa - tôm để thích nghi với BÐKH đối với diện tích sản xuất chuyên lúa đang nằm xen kẽ trong các vùng nuôi tôm, lúa - tôm, thường xuyên bị xâm nhập mặn, dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng./.
Trung Ðỉnh