(CMO) Qua 2 đợt hạn hán cho thấy, sản xuất trên địa bàn tỉnh đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Không chỉ có mâu thuẫn giữa mặn - ngọt, tôm - lúa, tôm - tràm, mà mâu thuẫn giữa sản xuất và hạ tầng giao thông đang ngày một lớn hơn.
Hạn hán mùa khô năm 2019-2020 một lần nữa gây ra tình trạng sụp lún lộ giao thông nghiêm trọng, nhất là các tuyến giao thông nông thôn. Cụ thể, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý có 11 vị trí sụp lún, với tổng chiều dài 371 m, cùng nhiều vết rạn nứt. Riêng với lộ nông thôn xảy ra 1.352 điểm sụp lún, chiều dài 42.209 m. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trên địa bàn huyện Trần Văn Thời 24.117 m.
Cây lúa - lộ giao thông: xuất hiện mâu thuẫn
Nhìn vào bảng thống kê tình trạng sụp lún, dễ dàng nhận thấy hầu hết tập trung tại các xã sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, cụ thể là vùng sản xuất lúa 2 vụ. Thực tế này lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp lún như đã qua.
Nhận định thêm về tình trạng này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tình trạng sụp lún lộ giao thông tập trung trong vùng ngọt, chủ yếu nằm ven sông, rạch. Những nơi có sông rạch càng sâu, mực nước dưới sông càng hạ thấp, sụp lún càng nghiêm trọng.
Từ đó có thể lý giải nguyên nhân xảy ra hiện tượng sụp lún là do hạn hán kéo dài, nước dưới sông hạ thấp, cùng với đó là tình trạng người dân đồng loạt bơm nước vào đồng ruộng để phục vụ sản xuất, khiến nước trên các sông rạch đã thấp lại càng bị hạ thấp nhanh hơn. Cùng với đó là tình trạng khai thác đất, nạo vét… khiến sụp lún diễn ra rất nghiêm trọng, ông Sơn phân tích.
Thực tế cũng đã chứng minh phần nào nhận định nguyên nhân sụp lún là do chính sản xuất, cụ thể là cây lúa. Nhìn vào các xã xảy ra tình trạng sụp lún trên địa bàn huyện Trần Văn Thời càng thấy rõ hơn điều này. Trong số 9 xã xảy ra hiện tượng sụp lún lộ nông thôn, nghiêm trọng nhất là Khánh Hải, với chiều dài hơn 4.240 m.
Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh nhận định, có thể là do xã Khánh Hải sản xuất vụ lúa trễ nhất huyện, khi vào mùa khô, người dân phải trữ nước trên ruộng để cứu lúa. Từ đó, áp lực nước trên ruộng rất lớn trong khi dưới sông khô hạn dẫn đến sụp lún. “Khu vực nào người dân bơm nhiều nước thì nơi đó xảy ra sụp lún nhiều”, ông Minh cho biết.
Tình trạng khô hạn kéo dài là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường bị sụp lún. |
Như vậy, giữa cây lúa, cụ thể là thời vụ tổ chức sản xuất cây lúa đang xảy ra mâu thuẫn với hạ tầng giao thông nông thôn. Mâu thuẫn này xuất hiện một phần từ tác động của thời tiết, khí hậu, nhưng một phần không nhỏ là do cách thức tổ chức sản xuất hiện nay và do chính hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất còn hạn chế.
Hạ tầng thuỷ lợi vừa thiếu, vừa yếu
Mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng phải nói hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất hiện nay của tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu cả ở vùng sản xuất ngọt cho đến vùng sản xuất mặn, vùng lúa - tôm. Mùa khô vừa qua, tại vùng ngọt hoá có đến 18 cống ngăn mặn bị rò rỉ, xói đáy, nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Cụ thể là cống Trùm Thuật Nam và 17 cống còn lại nằm dọc trên tuyến Tắc Thủ - Sông Đốc. Để ngăn nước mặn vào nội đồng, Sở NN&PTNT phải tiến hành đắp đập tạm phía trong nội đồng.
Sự cố cống Trùm Thuật Nam bị rò rỉ, xói đáy dù đã được khắc phục, nhưng do nước mặn lấn sâu trên tuyến kênh Trùm Thuật và việc bơm rửa mặn còn hạn chế nên tác động không nhỏ đến sản xuất hiện nay ở khu vực này. Theo báo cáo của xã Khánh Hải, do mặn nên có đến 200 ha lúa hè thu của bà con bị thiệt hại và nhiều loại hình sản xuất khác bị ảnh hưởng.
Đánh giá về hệ thống thuỷ lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Nguyễn Long Hoai nhận định, quy hoạch sản xuất, đặc biệt là quy hoạch thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh; quy hoạch dẫn nước ngọt về bán đảo Cà Mau chưa được thực hiện… là những vấn đề làm ảnh hưởng đến sản xuất và quy hoạch sản xuất của tỉnh. Đặc biệt là vùng ngọt hoá chưa được xác định và đầu tư kịp thời để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vùng sản xuất lúa - tôm thì thuỷ lợi chưa khép kín, thiếu trạm bơm rửa mặn, thiếu cống ngăn mặn vào mùa khô nên sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, rủi ro rất cao.
Chưa được đầu tư hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh nên người dân vùng lúa - tôm bị động, họ gần như tuỳ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, khi thuận lợi thì mang về thu hoạch khá, như năm nào thời tiết khắc nghiệt, thiệt hại không nhỏ. Và vụ mùa 2019-2020 là một minh chứng, cụ thể vùng lúa - tôm bị thiệt hại hơn 16.000 ha. Trong khi đó, tại tỉnh Kiên Giang có nhiều huyện cũng sản xuất lúa - tôm nhưng không bị thiệt hại.
Qua tìm hiểu cho thấy sự khác nhau nằm ở việc Kiên Giang hạ tầng thuỷ lợi tốt hơn. Tuy nhiên, còn có một động thái tích cực khác là khi dự báo tình trạng hạn hán gay gắt đã có 120 cái đập được đắp trong vùng sản xuất lúa - tôm ngăn mặn. Như vậy, cách làm này đáng để Cà Mau rút kinh nghiệm.
Hạn chế về hạ tầng thuỷ lợi dẫn đến tình trạng dù thiếu nước ngọt nhưng lại sử dụng nước ngọt vô cùng lãng phí. Cụ thể, vào mùa mưa, nước nhiều, để tránh ngập úng, nhiều vùng phải tháo nước ra biển, nhưng chỉ cần đến mùa khô lại thiếu nước và không có nguồn cấp bổ sung./.
Bài 3: NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG
Nguyễn Phú