(CMO) Cà Mau có diện tích nuôi tôm 280.000 ha, sản lượng đạt trung bình hàng năm trên 150.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Theo đó, Cà Mau cũng là địa phương có nhiều “kỹ sư chân đất”, họ là những nông dân thích tìm tòi và đã sáng tạo ra các dụng cụ, trang thiết bị bằng những ý tưởng mới phục vụ sản xuất, nhất là việc nuôi tôm, đem lại hiệu quả thiết thực.
Bửng cống tiện lợi
Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm quảng canh và tôm công nghiệp lớn nhất tỉnh, trong đó diện tích nuôi quảng canh truyền thống chiếm đa số. Tuy nhiên, nuôi tôm truyền thống phải phụ thuộc vào con nước thuỷ triều. Nước lớn bà con lấy vào, nước ròng xổ ra. Muốn vậy, phải làm cống.
Anh Trần Ngọc Trung Tân (xã Tạ An Khương Nam) đã nghĩ ra cách làm “bửng cống thông minh”. Anh cho biết, với cống xổ tôm, bửng cống rất quan trọng để điều tiết nước ra vào vuông tôm cho hợp lý. Ở hầu hết các địa phương nuôi tôm theo chế độ nhật triều đều thiết kế cống giống nhau, đó là cống làm bằng chất liệu xi-măng, bửng cống làm bằng ván chặn để giữ mực nước trong vuông nuôi. Loại bửng này có nhiều bất tiện, khi ngăn không cho nước ra vào, người nuôi phải canh thuỷ triều lên xuống để đóng, xả bửng. Ðóng bửng thì nhẹ nhàng, còn kéo bửng xả nước thì phải quay bửng rất nặng nề, bất tiện, nhất là với những người sức khoẻ yếu, lớn tuổi.
Bửng cống tiện lợi nuôi tôm truyền thống của anh Trần Ngọc Trung Tân. |
Mô hình “bửng cống tiện lợi” của anh Tân được làm bằng ván, kích thước tuỳ theo vuông nuôi lớn hay nhỏ, mực nước trong vuông nhiều hay ít mà điều chỉnh phù hợp. “Bửng cống tiện lợi” được thiết kế gồm phần khung và phần bửng. Phần khung dùng thanh cây dày khoảng 5-7 cm; phần trong khung, anh Tân làm con chặn để gắn bửng. Ðể cửa bửng không bị rỉ nước khi đóng cống, anh Tân chế tạo thêm miếng mica viền quanh phía trong con chặn rãnh. Bửng cống kết nối với khung bằng 4 bản lề; bửng dưới và bửng trên được buột chặt bằng 2 sợi dây kết nối với thanh quay bửng để không bị dòng nước cuốn trôi cũng như khi bật bửng và đóng bửng rất tiện lợi.
Ða số cống xổ tôm ở Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển có độ sâu từ 1-2 m nước trở lên, nên khi thiết kế bửng cống tiện lợi, anh Tân làm 2 hoặc 3 bửng rời: bửng dưới đáy là bửng liền, các bửng trên là bửng có khung cửa. Thường khi nước mới lớn từ sông cái chảy vào mang theo lượng bùn rất lớn, nhờ có tấm bửng liền đóng chặn phía dưới nên nước bùn không thể vào vuông. Ðến khi nước đầy, phù sa lắng xuống, cánh cửa bửng trên tự động cho nước chảy vào vuông. Khi nước rút đi thì bửng tự đóng lại để giữ mực nước trong vuông, đỡ mất thời gian canh nước.
Ông Phan Tấn Chẳn (ấp Tân Ðiền A, xã Tạ An Khương) là người đang sử dụng bửng cống tiện lợi trong phần vuông nhà lấy nước nuôi tôm, cá. Ông nói: “Mô hình “bửng cống tiện lợi” thật là tiện lợi. Trước kia, chuẩn bị lấy nước hay xổ nước, tôi phải quay bửng lên rất vất vả; nay làm cống tiện lợi, chỉ cần nước lên là cửa cống tự động mở ra cho nước vào vuông tôm, không còn phải tốn thời gian canh đóng mở cống như trước. Khi canh xổ tôm, có khi ngủ quên hay bận công việc thì lượng nước trong vuông xổ ra đến phần bửng dưới là dừng lại, không làm ảnh hưởng đến tôm, cua, cá trong vuông”.
Lú bắt tôm còi
Huyện Ðầm Dơi có trên 1.100 ha nuôi tôm siêu thâm canh với hơn 1.500 hộ nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, tỷ lệ tôm còi (tôm chậm lớn) cao, do đó, khi bán tôm bị mất giá từ 5.000-10.000 đồng/kg, tính ra từ 5-10 triệu đồng/tấn tôm. Ðể giảm thiểu thiệt hại trong thu hoạch, anh Lê Thanh Ðăng (Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi) đã nghĩ cách cải tiến, sáng chế ra “lú bắt tôm còi” trong ao nuôi, giúp bà con tăng thu nhập trong quá trình bán tôm thương phẩm.
Lú bắt tôm còi của anh Ðăng được thiết kế theo hình chữ nhật (0,8x1,4 m), đuôi lú dài 2 m; vật liệu khung làm bằng sắt, inox. Lưới phải được căng thẳng, mặt trước của lú dùng lưới tuỳ theo kích cỡ của tôm mà bịt lại. Hom lú thiết kế theo kiểu hình chữ V, mặt lưới của hom bịt lưới nhỏ hơn mặt trước để tôm không ra được; chóp nhọn của chữ V chừa khoảng cách 3 cm để tôm qua mặt trước của lú và chui vào hom chữ V xuống đuôi lú. Hai bên hông và mặt sau dùng lưới có lỗ nhỏ bịt kín lại, để tôm đi xuống hom lú và đổ ra ngoài. Lú được đặt sát với bạt ao tôm, có dây buộc ở trên và đặt ngược dòng nước chảy của quạt nước.
Lú bắt tôm còi của anh Lê Thanh Ðăng. |
Theo anh Ðăng, do tập tính của tôm đi ngược dòng nước và tôm nhỏ thường lội sát bờ ao nên lú bắt tôm còi do anh thiết kế đem lại hiệu quả hơn so với các loại lú khác chỉ bắt được trong ao nuôi tôm thâm canh (ao đất), do phải cặm cây cố định để đặt lú và chỉ bắt tôm còi từ chân bờ ao kéo ra giữa ao, không bắt được sát bờ ao. Lú bắt tôm còi của anh Ðăng chỉ cần buột dây, thả xuống vách bờ ao nên rất tiện lợi.
Ðánh giá về hiệu quả từ "lú bắt tôm còi" do anh Ðăng sáng chế, ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện đa số bà con nuôi tôm siêu thâm canh, tỷ lệ tôm chậm lớn trung bình trong ao nuôi hơn 15%, nên khi thu hoạch kích cỡ không đều. Ðể khắc phục tình trạng trên, người nuôi tôm thường dùng lú bắt tôm còi để lược dần số tôm nuôi bị còi, chậm lớn”.
Cũng theo ông Trường, không riêng ở Ðầm Dơi, bà con nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau thường gặp tình trạng tôm nuôi kích cỡ không đồng đều, làm giảm thu nhập. Từ ý tưởng sáng chế, "lú bắt tôm còi" của anh Ðăng sẽ giúp bà con nuôi tôm giảm thiểu tối đa tôm còi mà người nuôi tôm đang gặp phải.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi công nghiệp áp dụng mô hình này để góp phần hạn chế nhảy tỷ lệ tôm, từ đó có thể tăng thêm lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng/tấn. Nếu tính toàn huyện, lợi nhuận của người dân hơn 100 tỷ đồng trên tổng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh”, ông Trường dẫn chứng hiệu quả.
Bửng cống tiện lợi để lấy nước vào ao nuôi của anh Trung Tân, lú bắt tôm còi của anh Thanh Ðăng là những sáng chế rất thiết thực cho nghề nuôi tôm truyền thống cũng như tôm công nghiệp; vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp nông dân thuận lợi hơn trong quá trình nuôi tôm, làm tăng thêm năng suất và thu nhập./.
Huỳnh Lâm