(CMO) Xã Khánh Bình Tây Bắc có đường bờ biển dài hơn 10 km, với 2 cửa biển, Sào Lưới và Ba Tỉnh, hơn 500 phương tiện đánh bắt, chủ yếu khai thác gần bờ. Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Trần Thanh Đoàn cho biết, ngư dân ở xã đã trải qua nhiều cơn bão, ai ai cũng hiểu rõ sự bất thường của thời tiết. Qua những lần tuyên truyền bằng loa phát thanh, hay những cuộc họp dân, người dân đã trang bị những phương tiện cứu hộ trên biển như áo phao, dây...
Tàu thuyền mắc cạn
Đến cửa biển Sào Lưới cũng đã quá giờ trưa, nhưng trời vẫn mưa, nhìn về phía cầu vàm Sào Lưới, một số xuồng lú (lú bát quái) của bà con tranh thủ về xóm biển. Ai cũng tất bật di chuyển vào bờ khi bão đến. Riêng một số tàu có công suất trên 90CV vẫn neo đậu (cách xa Hòn Chuối vài ki-lô-mét) ngoài biển để tránh trú bão, ngư dân đợi đến khi trời yên thì vào bờ, ghe nào mới mới ra biển thì ráng nán lại vài hôm để đánh bắt (bù lại chi phí xăng dầu mỗi lần ra biển), nếu có dông gió lập tức vào bờ.
Tàu thuyền ở cửa biển Sào Lưới về nơi neo đậu an toàn khi dông, bão. |
Xóm biển Sào Lưới có hơn 100 phương tiện đánh bắt lớn nhỏ, chủ yếu làm nghề bẫy ốc mực, ghe lưới, ghe mực mé... Khác với các xóm biển khác, dân ở đây chủ yếu là cố cựu, gốc gác từ xưa đến giờ.
Ông Huỳnh Phi Hùng (Sáu Hùng), ấp Sào Lưới A, được xem là người uy tín ở xóm biển vì ông có thâm niên đi biển lâu nhất. Ông Sáu có 4 chiếc ghe công suất trên 90CV, được trang đầy đủ các thiết bị như giám sát hành trình, hộp đen.., chủ yếu làm nghề bẫy ốc mực, vươn khơi hàng chục hải lý. Ghe lớn, đánh bắt được nhiều, làm ăn dư dả, vậy mà ông vẫn than: “Mấy năm nay cửa vàm cứ bồi lấp dài hơn 100 m, mùa mưa bão này thì càng thêm, có khi gãy chân vịt, ghe đập vào bờ kè làm thủng ghe...”.
Cũng vì cửa biển Sào Lưới bồi lấp, mỗi năm ngư dân ở đây phải thuê nạo vét cửa biển. Mỗi năm 2 lần như vậy, mỗi người có ghe lớn phải hùn 2-3 triệu đồng. Chi phí sên vét mỗi lần khoảng 50 triệu đồng.
Ông Lê Quang Trung, ấp Sào Lưới A, tặc lưỡi: “Mỗi lần ra biển phải coi con nước, đợi nước lớn mới dám đi. Khi ra biển đến khi trở về cũng phải canh con nước, thấy nước bắt đầu ròng là tranh thủ rút liền. Nhiều lúc không kịp, tới đầu vàm thì mắc cạn. Lúc đó anh em ghe lớn hiểu nhau chạy ra biển lấy dây kéo vào vàm. Ghe lớn, ghe nhỏ cùng nhau tương trợ đến khi kéo vào được thì thôi”.
“Mùa chướng thì đỡ, còn mùa Nam sóng gió nhiều, ghe di chuyển khó khăn hơn. Với lại kè hai bên cũng nhỏ, khi di chuyển phải nối đuôi và nhường nhau mới ra vào vàm được. Vào vàm phải vào ban ngày, ban đêm neo đậu lại. Hổm rày mưa bão, nước lên hơn 1 m làm ngập bờ kè, vào vàm không khéo có khi vướng kè. Mong muốn làm sao hỗ trợ ngư dân nạo vét cửa biển, chứ mùa mưa bão này, gió vài trận là đầu vàm lại bồi lấp”, ông Trung trần tình.
Đương đầu với sóng
Ông Sáu Hùng cho biết: "Mình đi biển cũng phải làm chủ thời tiết. Mưa nào rồi cũng tạnh, bão nào rồi cũng qua”. Cứ như vậy ngư dân bám biển, coi biển là ngôi nhà thứ 2 của mình.
Ông Trần Thanh Đoàn thông tin, xã cũng đã xây dựng các phương án vận hành cơ chế phòng, chống thiên tai. Mỗi năm vào cuối tháng 8 là tiến hành họp dân ở các cửa biển để tập huấn, đặc biệt là cách ứng phó các cơn bão. Hàng tháng, các ấp tuyên truyền chủ phương tiện trang bị vật dụng cứu hộ cần thiết khi ra khơi.
Nhanh tay buộc mấy sợi dây vào mái tôn, ông Huỳnh Hùng Cường (Bảy Cường), ấp Sào Lưới A, chỉ tay ra mé đê, cho biết: “Ghe tôi giờ đã đậu an toàn, bữa hổm hay tin có bão cũng vừa hết con trăng câu mực nên tôi neo bờ luôn, đợi vài bữa sóng yên mình tính tiếp”.
Ông Bảy Cường có hơn 30 năm đi biển, chủ yếu đánh bắt xa bờ, đi bạn... 8 năm qua vì nghề biển khắc nghiệt, một phần lớn tuổi nên ông lui về làm chủ ghe câu mực. Giờ ông Bảy đã có cơ ngơi tương đối ổn định, nhưng nghề biển ông vẫn duy trì. Ông Bảy bộc bạch: “Mùa Nam này, biển nhiều trứng nước nên không đánh bắt được nhiều. Ráng lây lất đến tháng 9 âm lịch có gió chướng là khoẻ rồi, lúc đó tôm, cá cũng có giá hơn”.
Vừa làm biển ông Bảy vừa nằm trong đội phòng, chống lụt bão của ấp, mỗi khi xã có chủ trương gì, phương án gì ông đều vận động bà con, đến từng nhà để tuyên truyền. Đội của ông Bảy có 7 thành viên, ghe tàu nào bị sự cố trên biển đều liên lạc với đội của ông để được cứu hộ.
“Mới đây vớt được một ngư phủ quê ở TP Cần Thơ gặp sóng lớn rồi té biển. Cũng may có thằng em đi câu mực chung, thấy vậy điện cho tụi tôi hay. Ghe cứu hộ đến thì vớt lên tàu câu mực, chở vào bờ. May mắn là chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Thấy ở đây không có người thân rồi bị thương tích nên chúng tôi tạo điều kiện đưa về TP Cần Thơ”, ông Bảy Cường kể lại.
Ngư dân ở biển thường quan niệm có sóng, có gió mới có cá để đánh bắt, nhưng sóng quá cũng không xong.
Anh Trương Minh Luân, ấp Sào Lưới A có 2 chiếc ghe, 1 mực ốc và 1 chuyên đánh lú gần Hòn Chuối. Anh Luân tâm sự: “Mưa bão, ghe ốc về neo đậu, ghe lưới vẫn ở ngoài biển. Do tàu lớn nên không lo lắng lắm, mình ở nhà theo dõi thời tiết, có chuyện gì là điện cho tài công hay để vào vàm sớm”.
Theo anh Luân, mùa này trời hơi gió là ghẹ vô lú nhiều nên anh phải nán lại, một chuyến ghẹ thu được 400-500 kg, mỗi ký có giá từ 60.000-100.000 đồng.
Những cơn mưa dai dẳng rồi cũng dứt, bão cũng qua đi. Bà con ở vàm Sào Lưới giờ đã quen đối mặt với nó. Kinh nghiệm từ những cơn bão dữ, ngư dân giờ chủ động, mạnh mẽ hơn để đương đầu với sóng gió./.
Nhật Minh