ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-7-25 07:21:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng

Báo Cà Mau

Những năm qua, dù ngành Nông nghiệp đã không ngừng hỗ trợ, hướng dẫn nông dân những phương thức canh tác mới, hạn chế việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng, tuy nhiên, thói quen canh tác sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc BVTV vẫn còn khá phổ biến. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, thuốc BVTV để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra và lấy mẫu phân bón ở một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Khi số lượng không đi kèm chất lượng

Những năm gần đây, với việc giá cả các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV liên tục tăng cao, dù giá lúa có nhiều biến động vẫn kéo giảm lợi nhuận của nông dân. Chưa dừng ở đó, việc xuất hiện các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng lại càng khiến nông dân đau đầu, bức xúc khi mà giá cả không đi kèm với chất lượng và những thiệt hại ngay trên cánh đồng, mảnh vườn mà nông dân đang canh tác đã làm bao công sức trở nên trắng tay. Thế nhưng, có một thực tế là phần lớn nông dân khi mua các sản phẩm này, bà con đều chưa nhận biết được đâu là phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng. Bởi, phần nhiều nông dân đầu tư sản xuất theo kiểu “ăn trước, trả sau” với các chủ cửa hàng vật tư hoặc doanh nghiệp bao tiêu và hoàn toàn phụ thuộc vào đại lý trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV. Ông Nguyễn Văn Út (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Mấy năm trước các mặt hàng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa khá ít và sản phẩm nào nông dân cũng đều “quen mặt” do đã sử dụng nhiều. Thế nhưng, hiện nay các mặt hàng mới ra đời gần như liên tục, có người tin theo lời giới thiệu của đại lý mua về sử dụng hiệu quả cũng có, nhưng cũng có người ôm tức, ôm khổ vào mình khi mà các sản phẩm mới không được như “quảng cáo” khiến hiệu quả sản xuất giảm, chi phí tăng rất nhiều”.

Mặt khác, việc bao tiêu ngay đầu vụ tuy có nhiều lợi ích, song vẫn còn nhiều cá nhân “giả dạng” hoặc “mượn danh” công ty, doanh nghiệp để ký kết bao tiêu nhưng mục tiêu chính là bán các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV với giá cao, hoặc tuồn các mặt hàng kém chất lượng cho người dân sử dụng.

Những năm gần đây, tình trạng làm giả, làm nhái các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV diễn ra khá thường xuyên, nhiều đối tượng đã bị phạt tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc BVTV. Ngoài ra, còn có các hành vi vi phạm như sai nhãn hàng hóa, ghi không đúng sự thật, phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam; cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm phân bón cho người tiêu dùng làm ảnh hưởng đến nhận biết của người tiêu dùng trong việc chọn mua sản phẩm. Bên cạnh đó, còn phát hiện vi phạm về hàng kém chất lượng, phân bón giả về giá trị sử dụng, không đạt quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SX-KD) phân bón, thuốc BVTV, ngành chức năng tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân SX-KD phân bón, thuốc BVTV. Theo đó, rà soát toàn diện về các thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoạt động, công bố hợp quy, hợp chuẩn; tập trung kiểm tra, điều tra, xác minh các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi SX-KD phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không SX-KD và không sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc… Ông Huỳnh Văn Tùng - Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Tùng (huyện Hòa Bình), cho biết: “Các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV trên thị trường bây giờ nhiều lắm. Tôi tuy là người kinh doanh nhưng nhiều lúc còn không theo kịp danh mục các mặt hàng mới. Thông qua các đợt thanh, kiểm tra của ngành chức năng, tôi cũng hy vọng sẽ kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi và vụ mùa của bà con ngày càng tốt hơn”.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 250 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Thời gian vừa qua, có tình trạng nông dân phản ánh (qua đường dây nóng của Thanh tra Sở) về việc xuất hiện tình trạng vật tư nông nghiệp (VTNN), vật tư thủy sản (VTTS) kém chất lượng, không có giá trị sử dụng, công dụng không đúng như quảng cáo. Ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện 3/23 cơ sở vi phạm về thủ tục hành chính; vi phạm về nhãn hàng hóa và hàng hóa hết hạn sử dụng. Liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 14 mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được trưng bày, buôn bán tại 10 cơ sở kinh doanh VTNN, VTTS (2 mẫu phân bón của 2 hộ kinh doanh VTNN và 12 mẫu thuốc, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản của 8 cơ sở kinh doanh VTTS). Kết quả thanh tra cho thấy, có 1/2 mẫu phân bón không đạt chất lượng theo quy định.

Ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc vụ lúa hè thu nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, thuốc BVTV để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm”.

Chí Linh

Bất cập quản lý thiết bị bay không người lái

Những năm gần đây, drone hay còn gọi là máy bay không người lái trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý. 

Mô hình tiền triệu giữa lòng đô thị hóa

Không chỉ là vùng đất ven đô đang đô thị hoá nhanh chóng, phường Lý Văn Lâm (TP Cà Mau cũ) còn nổi bật với những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, trồng dưa hấu trái vụ đang mở ra hướng đi mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thích ứng linh hoạt với thị trường và biến đất trống thành đất sinh lời.

Xanh những mùa rau màu, ấm những mái nhà

Mùa bắp ngọt trên đất Phước Long

Từ trung tâm tỉnh Cà Mau, men theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, qua cầu Hoà Bình, thuộc ấp Mỹ I, xã Phước Long là đến xứ sở của bắp. Những ngày này, trên vùng đất ngọt hóa ấy, bắp đang vào vụ rộ. Những cánh đồng trải dài ngút mắt, xanh non đang “phất cờ” ngậm sữa, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch trĩu quả.

Khởi đầu tiềm năng bán tín chỉ carbon 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị mới từ việc bán tín chỉ carbon. Với diện tích rừng rộng lớn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ) đang có lợi thế rất lớn để tham gia vào thị trường này. 

Rau má được mùa

Khoảng 2 tuần nay, rau má tại các khu vực trồng rau màu của xã Vĩnh Thanh, tỉnh Cà Mau đang được thương lái thu mua với giá từ 16-18 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân rất phấn khởi vì sản xuất có lợi nhuận khá cao.

Cà Mau trước bài toán bảo tồn đa dạng sinh học 

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu những đặc điểm riêng biệt với các hệ sinh thái nước ngọt độc đáo. Nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các vùng ngọt hoá nhân tạo. Thế nhưng, việc bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) khu vực này đã và đang đối diện với nhiều thách thức. 

Mùa dọn kèo ong giữa rừng U Minh

Mùa mưa đến cũng là lúc những người dân gác kèo ong ở vùng lâm phần rừng tràm U Minh tất bật vào vụ dọn kèo, để chuẩn bị đón mùa ong mới. Ở vùng đất mà rừng tràm bạt ngàn như Ấp 13, xã Khánh An, nghề Gác kèo ong không chỉ là sinh kế mà còn là nếp nghề truyền đời, gắn bó với bao thế hệ.

Nông dân lãi thấp vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân ở xã Ninh Quới đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, niềm vui ngày mùa không trọn vẹn khi giá lúa giảm, năng suất không cao, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng mạnh. Ðiều này khiến lợi nhuận của nông dân sau một mùa vụ chăm sóc vất vả chỉ ở mức thấp, thậm chí một số hộ chỉ hoà vốn.

Tái sinh rừng phòng hộ 

Với trên 300 km chiều dài bờ biển, tỉnh Cà Mau sở hữu tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Những bãi bồi ven biển mang theo phù sa trù phú, dần hình thành không gian phát triển rộng lớn trong tương lai.