ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 23:36:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sinh kế cho phụ nữ ven biển

Báo Cà Mau (CMO) Cải thiện chất lượng cuộc sống cư dân ven biển nói chung, đời sống phụ nữ ven biển nói riêng thông qua các mô hình kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế, là điều mà các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho chị em.

Chị Trần Thị Kiều Yến, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, nhất là hội viên phụ nữ vùng ven biển, là đối tượng yếu thế, gián tiếp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhiều thiệt thòi khác. Vì lẽ đó, đã qua hội ưu tiên triển khai nhiều dự án sinh kế, dự án giảm tác hại biến đổi khí hậu vùng ven biển, kịp thời hỗ trợ chị em vươn lên trong cuộc sống”.

Tổ hợp tác (THT) đan lưới tại ấp Tân Ðiền, xã Tân Hải, huyện Phú Tân do phụ nữ ấp đăng ký thực hiện. Tổ hiện có 8 thành viên, duy trì hiệu quả hoạt động hơn 10 năm qua. Thông qua hoạt động của tổ đã giúp nhiều chị em nhàn rỗi ở địa phương học nghề, có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

Chị Huỳnh A Ly, thành viên THT, cho biết: “Nhờ tham gia THT, chị em học được nghề đan lưới, sau đó tự nhận lưới về nhà, tranh thủ thời gian rảnh ráp. Ngoài bán tạp hoá, thời gian rảnh tôi ráp lưới và thuê thêm 3 nhân công nữ làm lưới, trả cho mỗi chị 100.000-200.000 đồng/ngày. Riêng tôi thu nhập 7-8 triệu/tháng. Nghề này rất phù hợp với chị em, vừa tranh thủ kiếm tiền vừa có thời gian chăm sóc gia đình”.

Chị Huỳnh A Ly (người đứng), thành viên Tổ đan lưới ấp Tân Điền, thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng từ nghề ráp lưới.

Tại cửa biển Hố Gùi, ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi ,có 70 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội. Trước đây, đời sống chị em hết sức bấp bênh hoặc chỉ ở nhà chăm sóc con cái, chi phí phụ thuộc vào nghề đi biển, làm thuê của chồng. Tận dụng nguồn cá biển, chị em tập tành với nghề làm mắm cá mào gà, các loại khô biển... nhưng đa phần làm nhỏ lẻ, bán tại địa phương. Ðến năm 2021, với sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương và các cấp Hội LHPN, Hợp tác xã (HTX) mắm cá mào gà được thành lập với 10 thành viên chính thức, đa phần là hội viên phụ nữ. Hàng năm HTX thu về lợi nhuận 240 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, giúp chị em tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị Phạm Thị Thắm Tươi, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Huân, chia sẻ: “Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh, huyện và đơn vị đã kết nối hỗ trợ vốn cho chị em ven biển, nơi chịu ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu, để chị em có điều kiện đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể. Từ đó, đời sống chị em được nâng lên về mọi mặt. Toàn xã hiện có 2.102 hội viên, các chị đều năng động, sáng tạo, phát huy năng lực vốn có để tăng thu nhập, nâng cao vị thế trong xã hội và chất lượng cuộc sống gia đình”.

Chúng tôi có dịp đến thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần văn Thời, xuống một số ghe biển tại Khóm 1 thời điểm hết con trăng. Khi ấy chị em tổ vá lưới với gần 10 chị với những đôi tay nhanh nhẹn, miệt mài vá lưới chuẩn bị cho chủ ghe ra khơi vào con trăng tới.

Chị Nguyễn Bảo Trân, thành viên Tổ vá lưới, cho biết: “Tôi làm nghề vá lưới đến nay gần 30 năm. Chồng đi biển theo chủ ghe, thu nhập bấp bênh nên tôi tranh thủ thời gian đi vá lưới để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thời điểm ghe vô, mỗi chị em thu nhập 200.000-300.000đồng/ngày, thời điểm khác thì thu nhập thấp hơn, tầm 100.000-200.000 đồng/ngày. Nghề này giúp tôi và nhiều thành viên trong Tổ đan lưới ổn định thu nhập, tổ không có hội viên nghèo”.

Chị Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Ðốc (người đứng, bìa trái), cùng xuống ghe biển thăm chị em Tổ vá lưới.

Ðược biết, trong 8 tháng của năm nay, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các hoạt động của Ðề án “Hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trong các cấp hội, nhằm khơi dậy và hỗ trợ chị em thực hiện ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là chị em khu vực ven biển chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu. Các cấp hội thực hiện bằng nhiều hình thức, như tư vấn, hỗ trợ vốn, kiến thức cho 259/40 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số tiền 2.074.500.000 đồng (đạt 647% so với kế hoạch), bước đầu có 15 chị kinh doanh hiệu quả; kịp thời giải ngân nguồn vốn do Tỉnh hội quản lý để chị em chăn nuôi gà, vịt, mua bán nhỏ… Tổng vốn đã giải ngân là 2.075.000.000 đồng cho hơn 140 chị vay. Các Huyện hội, Thành hội giải ngân nguồn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, kinh phí dự phòng rủi ro từ nguồn vốn hỗ trợ quỹ tín dụng nhỏ thuộc dự án 2KR… với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tỉnh hội đã tiếp nhận nguồn vốn từ Chương trình Quỹ Cộng đồng phòng, chống thiên tai, với chủ đề “Tiếp sức cho phụ nữ nghèo phát triển sinh kế và xây nhà ở phòng tránh thiên tai từ nguồn vốn quay vòng” tại Cà Mau, triển khai thực hiện tại 2 huyện U Minh và Ðầm Dơi với tổng số tiền 500 triệu đồng, đã tổ chức giải ngân nguồn vốn này cho 20 hộ vay tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi và xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Ðồng thời, Hội LHPN cơ sở vận động thành lập các mô hình sản xuất như chăn nuôi, trồng màu theo hướng kinh tế tập thể, trong năm đã thành lập mới 4 HTX với 63 thành viên, 7 THT với 62 thành viên; nâng tổng số toàn tỉnh có 11 HTX với 138 thành viên và 128 THT với 1.406 thành viên do phụ nữ thành lập. Các HTX, THT đang hoạt động hiệu quả, bước đầu mang lại kinh tế khá cao, trừ chi phí, hàng tháng thu nhập từ 2-7 triệu đồng/thành viên, đã giúp cho 1.600 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và ổn định cuộc sống…

Với tất cả những hoạt động trên, năm 2021 các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã chung tay góp sức giúp đỡ 739 hội viên là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong đó có 262 hộ nghèo, 297 hộ cận nghèo, 44 hộ khó khăn, 136 hộ mới thoát nghèo).

Ðặc biệt, Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” là bước đột phá về thay đổi nhận thức, trao quyền chủ động, sáng tạo cho phụ nữ. Các cấp Hội LHPN đã thể hiện tốt vai trò cầu nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đa dạng mô hình sinh kế, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)./.

 

Loan Phương

 

Nhãn hiệu chứng nhận cho nghêu Ðất Mũi

Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vùng cực Nam Tổ quốc, mà còn được biết đến với thế mạnh nghề nuôi nghêu - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ðồng vợ đồng chồng thoát nghèo

Tại ấp Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, vợ chồng chị Hồ Thị Thanh Xuân và anh Lâm Văn Khởi là tấm gương tiêu biểu về sự kiên trì, vượt qua khó khăn để thoát nghèo.

Triển vọng từ chăn nuôi heo rừng lai

Xuất thân từ gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và nhạy bén, chị Ðặng Hồng Ðông, ấp Cái Nước Biển, xã Phú Tân, đã kết nối với công ty ở tỉnh Ðồng Tháp, xây dựng mô hình nuôi heo rừng lai tại gia đình. Hiện tại, mô hình nuôi phát triển tốt và có nhiều triển vọng kinh tế.

Dự án Cảng Hàng không Cà Mau - Ðẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng

“Các đơn vị và UBND TP Cà Mau đang tăng tốc các phần việc nhằm sớm bàn giao hoàn toàn diện tích cho chủ đầu tư thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau, trên quan điểm thu hồi đến đâu bàn giao đến đó”, ông Tăng Vũ Em, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết.

Tài chính minh bạch - Ðạo đức là kim chỉ nam

Trên hành trình phát triển của ngành ngân hàng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam cho mỗi nhân viên trong ngành. Tại Cà Mau, nơi kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, vai trò của những người làm công tác tài chính - ngân hàng càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người quản lý dòng vốn, họ còn là những người dẫn lối tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và bền vững.

Biến mục tiêu thành kết quả cụ thể

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối để tăng tốc, bứt phá, về đích Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); là năm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; năm tiến hành đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng. Nhằm tăng tốc, bứt phá nhanh hơn nữa, chuẩn bị tốt các điều kiện cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng “hai con số” giai đoạn tiếp theo. Ðây là động lực lớn để tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân huyện Trần Văn Thời đang tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng lúa giống và các loại vật tư nông nghiệp, chờ đến lịch mùa vụ sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu.

Liên kết tạo thành công

Với lợi thế 3 mặt giáp biển, thời gian qua, không chỉ tập trung vào con tôm truyền thống, huyện Ngọc Hiển còn đẩy mạnh đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản.

Trao “cần câu” giúp dân thoát nghèo

Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác giảm nghèo của địa phương đã đạt được những con số ấn tượng. Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã giảm 548 hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,92%, giảm 2,07% so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm khi Mỹ áp thuế đối ứng

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trước tình hình Hoa Kỳ đã công bố mức thuế áp dụng đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang nước này.