ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:32:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung - người đam mê nghệ thuật cải lương nam bộ

Báo Cà Mau Từ năm 1961-1975, Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có đến 23 cán bộ, soạn giả là văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ như Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Thanh Nha…

Khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, những ai am hiểu loại hình độc đáo này càng yêu quý Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, người con của vùng đất cuối trời Tổ quốc, người có công lớn đối với nền nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ.

Trọn đời vì cải lương

Ngày 8/2/1927, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung ra đời trong căn nhà số 21, đường Trưng Trắc, Phường 2, TP Cà Mau. Từ khi còn đi học, ông đã say mê đờn ca tài tử. Theo Vũ Cao, vào một buổi chiều, Nguyễn Ngọc Cung cùng người bạn đi dạo trên đường La Grandière, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng, TP Hồ Chí Minh). Ðang đi, Cung bỗng nhìn thấy đám đông đứng quanh một ông lão và một cháu gái mà Cung đoán là hai cha con. Người cha bị mù, ngồi trên manh chiếu rách, vừa đờn vừa ca một đoạn vọng cổ với cây độc huyền cầm. Cháu gái chừng 10 tuổi, tay đưa chiếc nón vải rách ra phía trước xin tiền. Cung lách đám đông chen vào. Ðến khi ông lão mù vừa ca xong bài vọng cổ, Cung ngồi xuống nói với ông lão: “Ông đờn để tôi ca tiếp cho, tôi cũng ca vọng cổ”.

Vở cải lương “Khúc oan vô lượng” năm 1931.                              Ảnh tư liệu

Tiếng độc huyền cầm tiếp tục nỉ non réo rắt. Ðám đông đang xôn xao bỗng im bặt khi Nguyễn Ngọc Cung cất lên những lời ca đầu tiên. Vừa dứt 6 câu, trong tiếng vỗ tay giòn giã. Cung bảo ông lão mù đờn tiếp cho mình ca một bản theo điệu xuân tình. Mặc cho đám đông càng lúc càng đông và mặc trong lòng chiếc nón vải đã đầy ắp những đồng 1 hào, 2 hào, Nguyễn Ngọc Cung khi ấy như chìm trong lời ca tiếng nhạc...

Năm 1945, Nguyễn Ngọc Cung tham gia cách mạng trong tổ chức Thanh niên Tiền phong tại thị trấn Cà Mau. Năm 1946, ông bị thực dân Pháp bắt giam cùng với thân sinh là ông Nguyễn Ðạo Ðức, nhưng do không có bằng chứng kết tội, chúng phải thả. Năm 1947, ông vào chiến khu công tác, được kết nạp vào Ðảng Lao động Việt Nam.

Năm 1950, cùng với việc chỉ trích cải lương ở miền Bắc, ở vùng giải phóng Nam Bộ có nơi ra lệnh cấm cải lương, đặc biệt không được sử dụng vọng cổ, vì cho rằng “yếu đuối sẽ làm mềm tinh thần chiến đấu”.

Trước tình hình cán bộ và Nhân dân mình “ghiền” vọng cổ quá, ông Thái Ðắc Hàng, nhà ở Phường 4, TP Cà Mau, sáng tác làn điệu “Nói thơ Bạc Liêu”, tương tự như vọng cổ nhưng cũng không đáp ứng nổi nguyện vọng tha thiết của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta lúc bấy giờ.

Cũng theo ông Vũ Cao, cuối năm 1951, Chi hội Văn nghệ Nam Bộ tổ chức hội nghị tranh luận về nghệ thuật cải lương. Nhiều ý kiến tại hội nghị trái ngược nhau nhưng cuối cùng cũng đi đến kết luận: “Cải lương vẫn có tác dụng phục vụ kháng chiến”, quyết nghị trong buổi liên hoan bế mạc sẽ diễn cải lương, mời các đồng chí lãnh đạo Ðảng và chính quyền cấp lãnh đạo Nam Bộ đến xem.

Anh em phân công Nguyễn Ngọc Cung viết một vở cải lương ngắn để biểu diễn. Ngay trong buổi sáng, ông viết xong vở “Nợ nước tình nhà”. Buổi biểu diễn rất thành công. Lúc kết thúc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng và chính quyền Nam Bộ quyết định cho phục hồi hình thức ca cải lương để phục vụ kháng chiến. Từ đó, các đoàn cải lương tăng lên gấp bội. Chỉ trong thời gian ngắn, khu giải phóng tỉnh Bạc Liêu có tới 9 đoàn, Khu 7 có 6 đoàn…

Hầu hết những vở cải lương ra đời trong thời gian này là những vở ngắn, như các vở “Huyết lệ thù” do Nguyễn Ngọc Cung và Chi Lăng viết; vở “Vẹn tình cá nước” của Nguyễn Ngọc Cung… Ðặc biệt, thời gian này, vở cải lương “Hai bó rơm” của Nguyễn Ngọc Cung ca ngợi tình đoàn kết quân dân được đưa đi lưu diễn ở nhiều nơi, kéo dài mãi đến năm 1958 và được khán giả nhiệt liệt đón nhận, trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn đối với bộ đội và Nhân dân cả 2 miền Nam - Bắc.

Từ năm 1952 trở đi, nhiều tuồng cải lương, nhiều bài ca vọng cổ liên tục ra đời. Khi Sở Tuyên - Văn Nam Bộ phát động cuộc thi sáng tác, gọi là giải “Cửu Long 2” thì vọng cổ, cải lương bừng bừng khởi sắc. Soạn giả Mai Quân cho biết: Về cải lương, vở “Huyết lệ thù” của Nguyễn Ngọc Cung và Chi Lăng đoạt giải Nhất. Ðêm trao giải thưởng được tổ chức tại Giáp Nước, thị tứ sung túc gần đầm Bà Tường và cũng là đêm ra mắt các vở diễn nói trên.  

Ðầu năm 1955, tại cửa biển Sông Ðốc, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung tạm biệt vợ con lên đường tập kết ra Bắc. Ra Bắc, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung sống và sáng tác tại Hà Nội. Ông vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành kịch bản sân khấu, điện ảnh, vừa là thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1958, ông là Uỷ viên Thường trực, Bí thư Ðảng đoàn Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tham gia thành lập Ðoàn Cải lương Nam Bộ trên đất Bắc.

Thời gian này, Nguyễn Ngọc Cung sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Câu chuyện dưới trăng”, ca kịch truyền thanh, một thể loại chưa thật phổ biến trong lúc này, phản ánh tâm trạng binh lính, sĩ quan quân đội cộng hoà bị bắt buộc phải cầm súng đánh thuê cho quân xâm lược. Năm 1955-1957, ca kịch nêu trên phát trên sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghe cả 2  miền Nam, Bắc.

Ông Nguyễn Kiên Ðịnh, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), cho biết: “Trong thời chống Pháp, một số tháng tôi được ở gần anh Nguyễn Ngọc Cung, sau đó anh Cung đi tập kết. Khi ra Bắc, nghe ảnh viết một số bài vọng cổ, tiếp tục soạn thêm một số tuồng. Tuồng cải lương nổi tiếng ở miền Bắc là "Kiều Nguyệt Nga", anh cũng là người viết kịch bản phim "Biển động"…”.

Kịch bản phim truyện "Biển động" đã hoàn thành từ năm 1956 và tổ chức dàn dựng vào năm 1957, tại vùng biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Nội dung phim tái hiện cuộc khởi nghĩa oai hùng tại Hòn Khoai, vùng đất cuối trời Nam năm 1940, do nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển lãnh đạo.

Năm 1961, Trung ương phân công Nguyễn Ngọc Cung về Nam. Năm 1963, ông phụ trách Chi hội Văn nghệ miền Nam, công tác tại vùng U Minh Hạ. Cho đến bây giờ, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà, nguyên Phó Ðoàn Văn công khu Tây Nam Bộ vẫn nhớ như in tình nghĩa, tấm lòng, đức độ, phong cách của Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, đặc biệt là những tác phẩm một thời từng đi vào lòng người: “Anh Cung lúc đó đã có nhiều vở, hay nhất là “Kiều Nguyệt Nga”. Vở thứ hai là “Trương Ðịnh”. Vở thứ ba là "Biển động" - chúng tôi thường gọi là vở Phan Ngọc Hiển, vì nói về Phan Ngọc Hiển.

Còn bài ca lẻ, ảnh viết rất nhiều, anh em ca bài của ảnh rất mến. Tôi thuộc mấy bài liền của ảnh, trong đó có bài Xuân tình, viết về anh hùng La Văn Cầu. Ở Cà Mau hồi chống Pháp dường như ai cũng thuộc: Có người ở tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh, xã Nùng Dinh/Dân thiểu số tên La Văn Cầu...”.

Theo lời kể của Nguyễn Ngọc Bình, con trai út của Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, năm 1964, ông về Cà Mau công tác đã tìm cách liên hệ để rước vợ con vào thăm. Lãnh đạo Ðoàn Văn công giải phóng Cà Mau hết sức thông cảm, tổ chức chu đáo để hai con người sau nhiều năm góc biển, chân trời được đoàn tụ, sum vầy.

Dù đã hơn 50 năm, Nghệ sĩ sân khấu Huỳnh Hảnh vẫn không quên những ngày Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung ở tại căn cứ Ðoàn Văn công giải phóng Cà Mau: “Chính anh Mười Mây, trưởng đoàn, phân công tôi bố trí lực lượng đi rước chị Ngọc Cung. Chúng tôi rước chị vào kinh Ông Ðơn. Thời kỳ đó “cứ” văn công có hội trường lớn, chung quanh là nhà của diễn viên. Anh em lựa một cái nhà cách xa hội trường của đoàn để cho anh chị ăn ở mấy hôm nơi đó”.     

Năm 1965, Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung trở lại Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục tại tỉnh Tây Ninh. Thời gian này, giặc Mỹ đã tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Quân thù quyết tiêu diệt bằng được căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Dù mưa bom, bão đạn suốt cả đêm ngày nhưng khí thế chiến đấu của quân dân ta vẫn sôi sục. “Tiếng hát vẫn át tiếng bom”, hàng triệu người vẫn rầm rập tiến lên phía trước. Ðội ngũ văn nghệ sĩ vẫn “tay viết, tay súng”, không rời trận địa.

Nghệ thuật cải lương nam bộ ghi mãi tên ông

Ngày 18/6/1966, B52 dội bom xuống căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ở vùng Suối Cây, tỉnh Tây Ninh, khiến Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, Phạm Trần, Phong Anh và Nghệ sĩ Bảy Lương hy sinh. Chiến tranh đã cướp mất 4 tài hoa sân khấu cùng một lúc. Ðiều đau đớn nhất, khi B52 rải thảm lần thứ hai sau đó không lâu, mộ phần của Soạn giả liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cung đã hoá thân vào lòng đất thép.

Sau ngày miền Nam giải phóng, con gái và con trai của Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung là Nguyễn Ngọc Hoà và Nguyễn Ngọc Bình dành nhiều thời gian lặn lội, cuối cùng mới tìm được di mộ tượng trưng của thân sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh qua lời chỉ dẫn của các chú, các cô công tác với cha mình hơn 50 năm trước.

Gần đây, trở lại vùng căn cứ Tây Ninh, nơi biết bao dấu vết đạn bom bị dông tố thời gian vùi lấp, Nguyễn Ngọc Bình thắp hương trên những hố đất giữa chốn rừng già. Có nỗi đau chia ly nào sánh được khi từng cội cây, thềm lá bây giờ đều thấm đẫm máu xương và anh linh của người cha yêu thương chưa một lần biết mặt!

Từ năm 1961-1975, Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có đến 23 cán bộ, soạn giả là văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường miền Ðông Nam Bộ như Trần Hữu Trang, Nguyễn Ngọc Cung, Thanh Nha…

Nhiều thế hệ đương đại lúc nào cũng khâm phục, kính yêu, ngưỡng mộ, bày tỏ sự tri ân sâu sắc từ trái tim đối với Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung, người con tài hoa của đất nước.

Soạn giả cải lương Tiết Văn Dũng, người con của quê hương xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, từ lâu ngưỡng mộ Nguyễn Ngọc Cung, bộc bạch: “Tôi rất trân trọng tài năng và trí tuệ của chú Nguyễn Ngọc Cung. Ðại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tôi cảm thấy tinh anh của chú còn đọng mãi trong lòng, vì thế tôi cố gắng học theo chú rất nhiều...”.

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Rạp Quốc Thanh, TP Hồ Chí Minh, vở cải lương "Kiều Nguyệt Nga" của cố Soạn giả Nguyễn Ngọc Cung được liên tục trình diễn do các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Thanh Sang, Út Trà Ôn giữ vai chính. Thời kỳ ấy, khán giả nồng nhiệt chào đón cải lương với tất cả niềm say mê, háo hức.

Ngày 8/1/1998, ông Bảo Ðịnh Giang, nguyên Uỷ viên Thường trực Ðảng, Ðoàn Văn nghệ Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Văn nghệ miền Nam - phụ trách cán bộ đi “B” thời chống Mỹ, xác nhận và đề nghị truy tặng huân chương xứng đáng đối với Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Cung: “Nguyễn Ngọc Cung là người có công đóng góp quan trọng đối với nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Ðồng chí đã viết những vở có giá trị. Khi về Nam chống Mỹ, vẫn tiếp tục viết và hy sinh ở chiến trường. Tên của đồng chí được đặt cho một con đường ở TP Hồ Chí Minh…”. Tại Phường 8, TP Cà Mau cũng có con đường mang tên Nguyễn Ngọc Cung.

“Một tiếng tơ đồng bằng trăm cân thuốc nổ

Giọng oanh vàng làm nước đổ, thành nghiêng!”

Am tường lời tổng kết của người xưa, chúng ta mới hiểu vì lẽ gì Nguyễn Ngọc Cung đã hiến dâng tất cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, cho Nhân dân, cho đất nước./.

Trường Sơn Ðông

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.