(CMO) Hôm ghé thăm chú Hai Sồi (Phan Văn Sồi, ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), chú hớn hở chỉ tay ra mé đê: “Đó con thấy không, khu này năm sau lên nhà kiên cố hết rồi, xe taxi vào đây chạy bon bon, chẳng còn ai sống tạm như ven đê nghèo này nữa đâu”.
Xóm biển ven đê có khoảng 25 hộ, mấy chục năm nay họ vẫn sống bám biển và đong đầy tình nghĩa xóm làng. Bà Huỳnh Thu Hà (Hai Hà), ấp Kinh Hòn, phấn khởi: “Nghe mấy chú ở địa phương nói chuẩn bị bơm cát, làm khu tái định cư, đường sá được nâng lên, nền thì của mình ở tại chỗ, điện đường đều ổn thoả, nghe thiệt mừng trong bụng”.
Biển là nguồn cội
Đi khắp xóm ven đê nhà nào cũng khoe năm nay ruốc, cá cơm trúng đậm. Bà Hai nói vui: “Hổm rày ruốc bà con phơi đầy đường, rồi phủ khắp đê, có khi xe đi ngang phải dừng lại, không có chỗ cho xe chạy”. Cùng với ruốc, cá cơm cũng được phơi trắng xoá tuyến lộ.
Buổi sáng ở làng biển Đá Bạc tấp nập nào ghe câu, ghe lưới chạy nối đuôi nhau tạo nên bức tranh thật đẹp và yên bình. Tết ở xóm biển ven đê thường bà con chỉ nghỉ được ngày mùng 1, rồi lại tiếp tục với hành trình trên biển cho kịp con trăng, con nước và cầu mong chuyến biển đầu năm thắng lợi.
Chồng chị Phan Thị Út, ấp Kinh Hòn, làm nghề câu kiều mười mấy năm nay, còn chị làm nghề phơi cá cơm từ thời chưa chồng, mỗi ngày thu nhập hơn 200 ngàn đồng. Chị Út tâm sự: “Bữa có đồ sớm thì 8 giờ mình sàng, phơi đến chiều tối, bữa nào ghe vô tối quá thì mờ trời phải thức dậy trải lưới cá ra sàng, phơi cho kịp nắng. Trời nắng tuy cực nhưng ít mệt, còn trời mưa thì phải đem ra đem vô, rồi đậy lại, phơi mấy chục sọt muốn đuối luôn”.
Yên bình cửa biển Đá Bạc. |
Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Quốc Đoàn trần tình: “Thời gian trôi qua, xã chia 2 vùng, mặn ngọt, một bên trồng lúa, bên kia thì giáp biển. Cửa biển Đá Bạc có hơn 150 phương tiện đánh bắt, chủ yếu là gần bờ, nhưng nghề biển cạn thì địa phương không khuyến khích, mấy năm nay có chủ trương chuyển đổi ngành nghề, đa dạng sinh kế. Cũng nhờ cửa biển góp sức rất nhiều cho địa phương phát triển, đến nay xã đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới cùng với xây dựng xã thành đô thị loại 5”.
Xứ biển đổi thay
Bí thư Chi bộ ấp Kinh Hòn Dương Văn Tường (Tư Tường) thông tin, những năm gần đây đời sống bà con phát triển nhanh lắm, cũng nhờ nghề đánh bắt cá cơm, ruốc (có khi vô con nước 1 ngày đẩy mấy tấn ruốc, 1 chuyến hơn 10 triệu đồng), tạo việc làm cho lao động tại chỗ, khỏi phải đi làm ăn xa nữa.
Mấy năm nay, ruốc, cá cơm ở làng biển hòn Đá Bạc có khi được thương lái từ Campuchia đến thu mua. Ấp Kinh Hòn có hơn 300 hộ, thì có hơn 1/2 làm nghề biển, đời sống ngày càng nâng lên. Ai cũng có công ăn việc làm ổn định, ở đây có khoảng 5, 7 vựa mực, cá, khô... ai phù hợp với việc nào thì xin làm việc nấy.
Cũng có người từ tay trắng, bôn ba nghề biển mà giờ đã vươn lên khá giàu, con cái được đến trường. Anh Huỳnh Long Hồ (35 tuổi), ấp Kinh Hòn, là một minh chứng cho hành trình ấy. Hơn 15 năm trước, anh chuyên đi bạn cho ghe, sau này có vợ, anh làm nghề giao nước đá, vậy mà giờ anh là chủ của 2 ghe mực lớn (công suất khoảng 400 CV).
Anh Hồ bộc bạch: “17 tuổi là bắt đầu đi bạn cho người ta rồi, đi ghe cào, ghe mực, ghe câu... Nhưng mình thấy ghe mực câu bằng ốc là sống được nhất, mơ ước một ngày được là chủ, cùng chiếc ghe mực đi đánh bắt xa bờ với anh em”.
Cận tết, công việc của chị Lâm Thị Huệ, ấp Kinh Hòn trở nên tất bật hơn với nghề làm khô. |
Chị Nguyễn Thị Nhiếu (vợ anh Hồ) bồi hồi kể lại: “Năm 25 tuổi, anh Hồ cưới tôi và làm nghề biển tới giờ luôn. Những tháng ngày anh Hồ đi giao nước đá là thời điểm vợ chồng dành dụm tiền, tôi thì vô hụi, ở nhà ai kêu gì cũng làm hết, vợ chồng đồng lòng, cố gắng làm sao mua được chiếc ghe mực cho chồng đi biển”.
Giờ có khoảng 15 lao động theo anh Hồ đi câu mực (ghe ốc), ai anh cũng đối xử tốt: “Nghề mình đã chọn và nuôi sống mình thì giờ quyết gắn bó hết cuộc đời chứ không bỏ được. Năm nào cũng cho mỗi ngư phủ 1 triệu đồng để về quê ăn tết, thấy vậy chứ nghỉ có mấy bữa là ra khơi rồi, tình nghĩa anh em trên hết, làm vậy thì lòng mình cũng vui lây”.
Làm biển thì cũng có chủ, có tớ, có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và những người vợ, người mẹ ở nhà làm hậu phương. Bà Ngô Thị Hoá có chồng và con đi biển hơn 20 năm (gia đình đã 3 đời làm biển), mở đầu là đánh te ở ngoài khơi, rồi câu mực, hiện đánh bắt ghe cào.
“Mấy năm nay phương tiện ngày càng nhiều, ghe lưới đua nhau phát triển. Biển giờ thấy vậy chứ không còn dồi dào như ngày xưa nữa. Chồng tôi ghét nhất là đặt lú bát quái vì con gì cũng bắt được, làm cạn kiệt nguồn hải sản tự nhiên”, bà Hoá cho biết.
Bà Hoá nói: "Biển đã giúp mình quá nhiều, từ lúc mình đói khổ đến ấm no, dù thế nào mình cũng phải trân trọng nó". Ngó ra mé biển, tay bồng đứa cháu nội, bà Hoá thầm thì: “Không biết mấy đứa sau này có chọn nghề biển nữa không, tôi thấy cực nhưng tuỳ tụi nó quyết định, nếu nó gắn bó ở đây thì duy trì được truyền thống của gia đình. Sau này tôi sẽ kể cho tụi nó nghe về những tháng ngày lênh đênh ấy để hiểu thêm về nguồn cội của mình”.
Chiều về chạy trên tuyến đê biển Tây, đứng trên cầu hướng mắt ra sẽ thấy toàn cảnh cửa biển Đá Bạc, những chuyến ghe đầy cá, tôm nối đuôi nhau trở về sau một đêm canh biển. Mỗi người mỗi việc, tất cả đang ra sức lao động để làng biển ngày càng phát triển./.
Nhật Minh