(CMO) Thời gian qua, với sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của Nhân dân, từ một ấp khó khăn, giờ đây Trần Mót (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) không còn hộ nghèo, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, xóm ấp mang diện mạo mới.
“Là ấp điểm được UBND xã chọn xây dựng ấp văn hoá, thời gian qua chi bộ đã triển khai, quán triệt nội dung đến từng cán bộ, đảng viên trong ấp, mở rộng đối thoại với từng người dân, từ đó người dân tích cực trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá, chăm lo phát triển kinh tế, bài trừ các tệ nạn xã hội…”, Trưởng ấp Trần Mót Nguyễn Văn Nhạt chia sẻ.
Chuyển biến một vùng quê
Lộ liên xóm, ấp, thuận tiện cho người dân lưu thông trao đổi hàng hoá. |
Về ấp Trần Mót, dọc theo đường nhựa là các luống hoa nhiều màu đua nhau khoe sắc, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Sau thời gian triển khai thực hiện, “tuyến đường kiểu mẫu” đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng với các phần việc, như lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng, xây dựng tường rào, làm cột cờ, trồng cây xanh, trồng hoa, dọn vệ sinh đường quê ngõ xóm…
Bà Nguyễn Thị Hưởng, nói: “Từ khi ấp phát động phong trào “Xây dựng tuyến đường kiểu mẫu”, người dân ở đây có ý thức hơn trong việc thu gom rác, bảo vệ môi trường. Trước đây, khu vực ấp Trần Mót thường xảy ra nạn trộm chó, cắp vặt, từ khi có ánh sáng đèn đường thì gần hết hẳn”.
Bên cạnh phong trào xây dựng ấp văn hoá, kinh tế tập thể đã thể hiện vai trò của mình, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tiêu biểu là Tổ hợp tác (THT) Thành Công (nuôi tôm trải bạt siêu thâm canh) có 17 thành viên. Việc thành lập THT sản xuất giúp các tổ viên trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm, được hỗ trợ về vốn, con giống, bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm, bình quân THT Thành Công xuất bán ra thị trường từ 400-500 tấn tôm, cua. Các thành viên dần ổn định đời sống, vươn lên khá, giàu.
Tổ trưởng THT Thành Công Nguyễn Thanh Việt phấn khởi: “Việc thành lập THT sản xuất theo quy hoạch, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa cơ sở với doanh nghiệp góp phần mang lại hiệu quả. Làm ăn hợp tác vừa giảm chi phí giá thành, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trước đó, tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng giá trị hàng hoá. Giờ đây các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của các tổ viên cũng như người dân nhanh chóng, thuận lợi”.
Nỗ lực xoá trắng hộ nghèo
Từ một ấp có 75/361 hộ nghèo, với ý chí vươn lên của mỗi hộ gia đình, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuối năm 2019 ấp Trần Mót đã xoá trắng hộ nghèo.
Gia đình chị Trần Kiều Linh là hộ thoát nghèo trong năm 2019. Mấy năm trước, khi chồng chị qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo thì gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai chị. Gia đình chỉ có hơn 3 công đất vuông, nên dù chịu khó lao động vẫn túng thiếu, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng từ Đề án "Giảm nghèo và thu hút nguồn nhân lực”, chị buôn bán tạp hoá tại nhà.
“Được Nhà nước xét hộ nghèo, gia đình có vốn để phát triển kinh tế, nuôi tụi nhỏ khôn lớn có thể tự lập, hiện nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn. Tôi đã trả lại sổ hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng để gia đình nỗ lực vươn lên”, chị Trần Kiều Linh chia sẻ.
Là hộ dân tộc Khmer, một trong những hộ cuối cùng của ấp thoát nghèo, trước đây, gia đình ông Huỳnh Văn Hổ không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, ở trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp, dột nát. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề buôn bán hàng bông trên sông. Sau khi gia đình ông Hỗ được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 167 (Quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ), cùng với số vốn tích luỹ, ông Hổ đã xây được căn nhà kiên cố hơn.
Ông Hổ chia sẻ: “Trước đây tôi không dám mơ đến việc có ngôi nhà mới, nay đã thành hiện thực, có nhà ở ổn định, vợ chồng yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”./.
Toàn xã Tân Hưng Đông có 3/12 ấp xoá trắng hộ nghèo, gồm: Trần Mót, Tân Phú và Ông Khâm. Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Trần Hoàng Đạo cho biết: “Toàn xã còn 63 hộ nghèo, 85 hộ cận nghèo. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục rà soát hộ nghèo, cận nghèo, giao cho từng đảng viên, các đoàn thể phụ trách. Người được phân công sẽ gặp gỡ bà con nắm rõ tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ phù hợp, như vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây nhà, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả phù hợp, trao đổi kinh nghiệm... để thoát nghèo bền vững”. |
Kim Liếu