(CMO) Theo dự báo của ngành chuyên môn, năm nay sẽ bước vào cao điểm của mùa hạn nặng, theo đó, đỉnh điểm của hạn mặn có thể rơi vào tháng 3, tháng 4 và kéo dài đến tháng 5. Là địa phương duy nhất ở ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ sông Tiền và sông Hậu, tính đến thời điểm hiện tại, mực nước tại các kênh của các huyện vùng ngọt hoá trên địa bàn tỉnh Cà Mau gần như cạn kiệt. Cùng với nỗi lo thiếu nước cho sản xuất thì câu chuyện sụp lún các công trình giao thông bị ảnh hưởng trong đỉnh điểm của mùa hạn luôn là vấn đề được quan tâm.
Gần đây nhất là vào rạng sáng 30/1, tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (đoạn qua Nông trường 402 thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, khu vực lý trình Km21+130) đã xảy ra sụp lún với chiều dài khoảng 20 m. Trong đó, phần mặt đường bị hư hỏng có chỗ bề rộng hơn 2 m, độ sâu từ 1,5-1,8 m. Được biết, đây là dự án thực hiện theo hình thức BT (tức là hình thức xây dựng, chuyển giao), do Công ty Cổ phần Xây dựng Đồng Tâm làm chủ đầu tư, với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đoạn sụt lún này nằm trong giai đoạn của dự án và đã được đưa vào sử dụng vào tháng 1/2019.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Tâm (nhà đầu tư) thực hiện ngay rào chắn phù hợp, cũng như phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.
Hiện trường vụ sụp lún tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (đoạn qua Nông trường 402 thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, khu vực lý trình Km21+130). |
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau Hồ Hoàn Tất cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, giải pháp khắc phục rất khó, rất phức tạp, mà hiện nay tình trạng này đang trải rộng tại nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền để mời các đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực sâu nghiên cứu và đưa ra phương án giải quyết kịp thời”.
Theo nhận định ban đầu của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu sự cố trên là do nền đất yếu, kèm theo đó là ảnh hưởng của hạn hán. Đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng sụp lún đường giao thông mỗi khi bước vào cao điểm của mùa hạn, nhất là tại khu vực vùng ngọt hoá, nơi có những tuyến lộ nằm sát những con kênh đang dần cạn kiệt nước. Còn nhớ vào thời điểm hạn nặng của mùa khô năm 2016, tuyến lộ về trung tâm xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời cũng đã xảy ra hiện tượng sụp lún nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân.
Bên cạnh ảnh hưởng đến sản xuất, hiện tượng sụp lún trên các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh mỗi khi mùa khô hạn đến sớm cũng đã gây nên không ít khó khăn cho người dân.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có hơn 80 điểm sụp lún với chiều dài trên 6,7 km. Đa phần các đoạn sụp đến thân lộ, có chỗ đã lấn sâu gần tới lộ. Tình trạng lộ bị sụp lún khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, khô hạn sớm đã làm rất nhiều tuyến kênh, mương vùng ngọt cạn kiệt nước. Cụ thể, hệ thống kênh trục chính chỉ còn từ 1,2-1,8 m nước, kênh cấp 1, 2 còn dưới 1 m, kênh cấp 3 chỉ còn từ 3-5 tấc nước. Riêng các kênh nhỏ vùng nội đồng đã cạn khô. Tình trạng trên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn.
Theo dự báo, mùa khô năm nay đến sớm, đồng thời sẽ kéo dài hơn mọi năm, tình trạng sụp lún vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác dự báo cũng như những giải pháp công trình khả thi, bền vững trong mùa khô hạn, hiện vẫn là bài toán khó đang chờ lời giải từ những ngành chủ quản tại địa phương./.
Lê Chí