ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 26-11-24 07:52:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sụp lún rúng động vùng ngọt

Báo Cà Mau (CMO) Ông Nguyễn Văn Ba, 83 tuổi, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời vẫn chưa hết bàng hoàng vụ sụp lún đoạn đường Tắc Thủ - Đá Bạc ngay trước mắt ông hồi đầu tháng 2 vừa qua. “Tôi đang lom khom nhổ cỏ ở hàng rào ven lộ thì nghe tiếng động lạ kêu lách tách phía dưới chân. Sau đó đất rung lên. Tôi hốt hoảng, vội chạy ra phía xa, quay lại thì thấy cả một đoạn lộ nhựa sụp xuống sông".

Giữa tháng 2/2020, những báo cáo nhanh về tình trạng sụp lún, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh luôn thay đổi theo chiều hướng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Kèm theo đó có tình trạng khô cạn ở các tuyến kênh, dòng sông vùng ngọt huyện Trần Văn Thời và tình trạng một bộ phận lớn khu vực rừng tràm U Minh Hạ đã nâng cấp độ dự báo cháy lên cấp nguy hiểm. Hàng chục tỷ đồng được quy ra từ những công trình, ruộng màu bị thiệt hại và con số này luôn có chiều hướng tăng.

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa khô năm nay sẽ tiếp tục kéo dài, những cảnh báo này đồng nghĩa với việc nhiều địa phương ở Cà Mau đang phải dồn sức để vượt qua mùa hạn bằng các giải pháp hữu hiệu, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Trần Thanh Đoàn, trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc đã xuất hiện 2 khu vực sụp lở nghiêm trọng rộng hàng trăm mét vuông và sâu hơn 1,8 m, làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông, vận chuyển hàng hoá của khu vực. Nóng nhất là việc vận chuyển lúa của bà con sau thu hoạch, vì hầu hết các tuyến kênh khu vực này đều đã khô trơ đáy.

Hiện cả xã đã ghi nhận 35 vị trí sạt lở và sụp lún đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con. Xã cũng đã thống kê thiệt hại và báo cáo về UBND huyện để kịp thời có hướng khắc phục.

Cách đoạn sụp lún nguy hiểm trên tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc hơn 10 km là một đoạn sụp khác làm biến dạng đoạn đường nhựa liên huyện qua địa bàn Ấp 1, xã Trần Hợi. Đoạn sụp này ảnh hưởng đến tuyến bờ kè (người dân tự làm), 1 sàn bê tông hơn 80 m2 và 1 cửa hàng mua bán của hộ dân. Theo thống kê đến ngày 13/2, trên địa bàn xã Trần Hợi đã xảy ra 85 vụ sụp lún, sạt lở ở 25 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 2.600 m, ước thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Ba, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời kể lại vụ sụp lún đất kinh hoàng trước cửa nhà ông hồi đầu tháng 2.

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống tạm tính: "Đến hết ngày 13/2, UBND huyện Trần Văn Thời đã ghi nhận xảy ra 903 vụ sụp lún, sạt lở ở 175 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 21 km. Sự cố sụp lún, sạt lở đất làm hạn chế lưu thông đường bộ nhiều tuyến đường và hạn chế tải trọng của một số tuyến chính vận chuyển nông sản từ Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Đông, Khánh Hải về huyện và TP Cà Mau.

Huyện Trần Văn Thời chia thành 2 vùng mặn và ngọt. Phía vùng mặn ít xảy ra sạt lở và sụp lún vào mùa hạn. Với vùng ngọt, mùa này hầu hết các tuyến sông đều khô cạn, tình trạng sụp lún và sạt lở đất diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của bà con. Vùng này từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng vào mùa khô năm 2016.

Phía huyện U Minh cũng đã ghi nhận tình trạng sạt lở 4 tuyến kênh và 3 đoạn sạt lở khu vực bờ biển nghiêm trọng. Song song đó, tình trạng khô hạn đã gây thiệt hại hơn 9 ngàn héc-ta lúa (chủ yếu lúa - tôm và vụ lúa đông xuân).

Cùng với tình trạng khô hạn và sụp, sạt lở đất, hiện tượng mặn xâm nhập sâu vào khu vực sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra. Báo cáo mới đây của Sở NN&PTNT cho thấy: Diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn ở Cà Mau đã lên trên 41 ngàn héc-ta (đã ghi nhận thiệt hại gần 17 ngàn héc-ta); Hoa màu cũng có nguy cơ ảnh hưởng và giảm năng suất trên 340 ha.

Những dòng kênh trơ đáy ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Mùa khô năm nay chỉ mới trải qua hơn một nửa thời gian so với dự báo nhưng các công trình giao thông hư hỏng do sạt lở, sụp lún đã ghi nhận tình trạng cấp thiết hơn, bởi có đến hơn 570 vị trí đất sụp lún, sạt lở ở 107 công trình kiên cố có thiết kế và quy chuẩn thi công bằng vật liệu bê tông, cốt thép. Riêng ước thiệt hại của các công trình này trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đến ngày 13/2, theo Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống là trên 12 km, trị giá khoảng 12 tỷ đồng. Đó là chưa tính hàng chục ngàn mét lộ đất đen và các tuyến bờ kênh, bờ biển khác (thiệt hại này tính cả huyện trên 18 tỷ đồng).

Mùa khô năm nay càng về cuối càng diễn ra khắc nghiệt hơn. Một mặt, các địa phương vùng ngọt ở U Minh, Trần Văn Thời đang khẩn trương các phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra; Mặt khác vẫn đang căng mình túc trực và bảo vệ hàng ngàn héc-ta rừng có nguy cơ cảnh báo cháy ở cấp nguy hiểm.

Không dừng lại ở đó, Cà Mau đã ghi nhận hơn 20 ngàn hộ dân ở nhiều tuyến, cụm dân cư bắt đầu khan hiếm nước ngọt sinh hoạt. Riêng huyện Trần Văn Thời đã ghi nhận khoảng 3.400 hộ thiếu nước sinh hoạt và dự đoán thời gian tới sẽ có thêm 750 hộ nữa khan hiếm nước.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải vừa có công văn chỉ đạo hoả tốc về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ngành vừa tham mưu UBND tỉnh các giải pháp ứng phó, vừa đề xuất Trung ương sớm triển khai dự án cấp nước ngọt từ sông Mê Kông về để phục vụ sản xuất và sinh hoạt./.

Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau: Căn cứ các quy định hiện hành, tỉnh Cà Mau đã đủ điều kiện báo cáo Chính phủ xem xét công bố thiên tai cấp 1.

Phong Phú

Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...

Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể

Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi đã đồng hành cùng hội viên phụ nữ cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ đã hình thành và không ngừng mở rộng, phát triển thời gian qua, góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo cơ hội để chị em mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho gia đình.

Nhiều tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp

Cuộc thi kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Cà Mau đã tạo bầu không khí sôi động và đầy nhiệt huyết của các nhà sáng lập trẻ. Sự kiện không chỉ là nơi để kết nối các nhà đầu tư với những dự án tiềm năng, mà còn mở ra cơ hội để các dự án được phát triển, mở rộng quy mô và sẵn sàng vươn ra thị trường.

Thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Huyện U Minh có bờ biển dài 31 km, đi qua địa bàn xã Khánh Hội và Khánh Tiến, với ngư trường rộng lớn trên 20.000 km2, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Từ những lợi thế đó, thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với ngành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Chậm cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp

Kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023, diện tích rừng hiện có 92.760 ha (trong đó, rừng đặc dụng 18.711 ha, rừng phòng hộ 20.582 ha, rừng sản xuất 53.467 ha), với độ che phủ rừng đạt 17,59%. Riêng tại 2 công ty lâm nghiệp (U Minh Hạ và Ngọc Hiển), tổng diện tích quản lý trên 44.269 ha, với diện tích có rừng trên 27.314 ha (chiếm 61,7%), diện tích đất chưa có rừng hơn 16.164 ha.

Khoa học - công nghệ nền tảng cho sản xuất và đời sống

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng trong sản xuất, chế biến và cả tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, KH&CN không chỉ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn là nền tảng để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phẩm nông, thuỷ sản Cà Mau được nhiều đối tác lớn quan tâm

Ngày 18/11, bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 (tổ chức vào ngày 15/11 vừa qua), có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 DN bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Sài Gòn Coop, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra.

Phương kế giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là thực hiện nhiều mô hình sinh kế phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm nay vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề: “Kinh tế xanh - Động lực mới cho sự phát triển”. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thiết lập mạng lưới chuyển đổi xanh cho vùng ĐBSCL trong tương lai.