(CMO) Mùa mưa kết thúc muộn, thời điểm này con kênh T29, chạy dọc hai xã: Nguyễn Phích, Khánh Lâm (huyện U Minh), nước chỉ mới vừa vơi, bỏ lại những vệt phèn vàng sậm, óng ánh bám đất, cỏ cây. Nước bắt đầu sắc lại trong một ngày chớm xuân nắng ấm, những dòng ghe chở tràm sau khai thác vẫn ngược xuôi, làm bọt trắng nổi phồng, chạy dài như những đường sơn mới. Dưới kênh không ngơi tiếng máy, trên bờ lại càng rộn vui hơn khi con lộ mới vừa được cải tạo rộng hơn, êm hơn và dài hơn, từ cống Khai Hoang bên bờ sông Cái Tàu ra tận tuyến đê biển Tây, nơi có cống T29 ngăn đôi dòng mặn - ngọt.
Câu chuyện tuyến đường trải lớp bê-tông mới vừa hoàn thành làm thay đổi rõ nét, khoác lên tấm áo mới cho xứ rừng vốn âm u, lặng lẽ, kể cả khi vào mùa trên tuyến T29, hẳn ai cũng nhận ra.
Ông Nguyễn Thiện Hậu, Trưởng ấp 11, xã Nguyễn Phích, nhắc lại cái thời cách nay gần 20 năm, khi Nhà nước múc con kênh T29 làm lộ rồi di dời, cấp đất cho dân nghèo, không đất sản xuất vào lập làng, lập ấp. “Nó xa xôi, nghèo lắm, như là cái rốn của xứ rừng này”, ông Hậu mắt xa xăm hồi tưởng về xóm nhà T29 của những ngày gian khó trước đây.
Cái cùng cực ngày xa ấy của những người nghèo khai phá vùng đất mới giữa chốn rừng sâu không sao kể hết, dễ làm nản lòng. Dùng sức người cạy từng gốc tràm để trồng từng bụi lúa; trời mới ngả bóng đã phải vào mùng để tránh muỗi… Bằng chứng là hiện vùng đất này còn rất ít những người thế hệ đầu tiên bám trụ.
“Thay đổi nhiều lắm rồi, nhất là khi 3 năm trở lại đây, nhà nhà chí thú làm ăn, khấm khá lên thấy rõ”, Trưởng ấp Hậu tươi cười, trở về với thực tại, chỉ tay về phía những căn nhà mới, tường rào bê-tông nằm dưới vườn cây, ao cá, rồi liệt kê: “Chú Tôn Hữu Vị nhà nuôi heo, ao cá, trồng cây ăn trái, thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm; chú Bùi Văn Điệp cũng mô hình vườn - ao - chuồng, thu nhập không thua gì chú Vị…”.
Cung đường mới T29 vượt qua những đồng lúa Khánh Lâm ra tới biển trên bờ Tây. |
Tai nghe, mắt thấy. Ghé nhà ông Bùi Văn Điệp thấy ngay cuộc sống đổi mới, phát triển qua tiếng cười rộn vang khi mới vừa giáp mặt. “Ngày xưa nghèo lắm, khổ lắm, nay thì khoẻ rồi. Cứ lấy ngắn nuôi dài, xoay vòng, lúc nào cũng con này, cây kia để bán nên luôn có đồng ra đồng vô, vừa tái đầu tư, dư dả thì tích luỹ dự phòng”, giọng ông Điệp rộn vui, không ngớt tiếng cười trong suốt buổi trò chuyện nhưng cũng có phần khiêm tốn về khối tài sản hiện có qua bao năm tích luỹ.
Ðể có được cơ ngơi như ngày nay, gia đình ông Vị, ông Điệp, cũng như rất nhiều người dân ven tuyến kênh T29 này đã trải qua một thời gian khá dài gian khó, gắng sức chăm bón mà dựng nên. Từ vùng đất rừng, trũng, phèn, giữ nước cho rừng thì lúa ngập, xả phèn trong cải tạo đất cũng cực kỳ gian nan. Từ sức người và sự bền bỉ của ý chí vươn lên, cùng nhiều nguồn vốn, chương trình phát triển, cũng như những quyết sách thay đổi cơ cấu sản xuất mà nay T29 mới có được nền tảng và bước phát triển trong thế ổn định, từng ngày đi lên. “Siêng năng, cần cù thì đất sẽ không phụ lòng người, mình sẽ chiến thắng cái đói, cái nghèo thôi”, ông Hậu đúc kết đầy kinh nghiệm.
Ðường bê-tông rộng rãi, còn tươi màu mới, mát rượi dưới những bóng cây. Vượt qua đường rẽ vào Trại giống lúa Khánh Lâm của Kỹ sư Lê Văn Hải mà thầm vui cùng anh và các cộng sự. Từ nay việc vận chuyển lúa giống ra thị trường hay mời khách từ các tỉnh về khảo nghiệm lúa giống thuận tiện, ô-tô đã vào tận sân trại. Ðường T29 tới Khánh Lâm sẽ mở ra hướng đi nhanh hơn, đưa chủ trương xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương này sớm trở thành hiện thực, tạo điểm nhấn hội nhập và phát triển, sẽ làm U Minh thêm bừng sáng. Chợt nhớ có đồng nghiệp trước đây nhà gần đầu kênh T85 (xã Khánh Lâm), gọi điện thông tin về cung đường mới, đứa em đang sống phương xa hồ hởi: "Tết này sẽ sớm lái “xe Huê Kỳ” chở cả gia đình về thăm quê". Nghe sao thật gần.
Sản vật sau khai thác dễ dàng vận chuyển về trung tâm chợ U Minh hay ra TP Cà Mau qua tuyến đường T29 vừa hoàn thành. |
Mải miết trên cung đường mới ra bờ biển Tây, ngẩn ngơ với đồng lúa đang oằn bông báo hiệu vụ mùa trúng đậm, nơi ven lộ, gặp anh Nguyễn Văn Tường (Ấp 7, xã Khánh Lâm). Anh Tường nhẩm tính rồi tuyên bố chắc nịch: “Giờ không nghèo được đâu. Nội chuyện thu hoạch các sản phẩm từ cây chuối đã thấy dư dả, nói gì thêm lúa, cá đồng, rau màu…”. Vốn thừa hưởng thành quả của người cha về khai phá vùng đất này, nay đất đai đã màu mỡ, trồng trọt hiệu quả, giao thông thuận tiện, trường học các cấp, điện đầy đủ, y tế đáp ứng. Anh Tường nghĩ về tương lai với mong muốn đứa con đi học xa rồi sẽ trở về, đi cùng sự phát triển của quê hương, vận dụng kiến thức đã học làm cho gia đình giàu hơn, xây dựng nông thôn ngày thêm đổi mới.
T29 đã nối liền đê biển Tây với tuyến lộ Cà Mau - U Minh, trở thành trục giao thông quan trọng kéo gần khoảng cách giữa vùng ven biển, vùng rừng với đô thị U Minh, cũng như TP Cà Mau. Từng chuyến hàng thuỷ sản nơi cửa T29 hay những sản vật nông nghiệp vùng Nguyễn Phích, Khánh Lâm nhanh đến các chợ, nâng cao giá trị nông sản, mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho nông dân. Quan trọng hơn, niềm tin về một tương lai tươi sáng được thắp lên, thổi bùng, xoá đi những khó khăn, cả trong suy nghĩ về đất và người U Minh một thời, chỉ còn lại khát vọng làm giàu trước thềm xuân mới…/.
Trần Nguyên