ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:49:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm lòng người nữ biệt động

Báo Cà Mau (CMO) (Kính tặng bà Đào Thị Huyền Nga, bí danh Lê Hồng Quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định)

Đêm ba mươi. Trời tối đen như mực. Những tia sét bất ngờ xuất hiện xé toạc màn đêm kèm theo những tiếng kêu rú rít, đì đùng rất rợn người, báo hiệu cơn mưa sắp kéo đến. Gió bắt đầu mạnh dần lên. Tiếng ếch nhái kêu ra rả trên dòng sông rộng. Xa xa ánh đèn từ các chiếc tàu tuần tra quét lia lịa để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường. Trên chiếc cột buồm là lá cờ Mỹ và cờ quốc gia nền vàng 3 sọc đỏ bay phần phật trong gió đêm.

Ở cặp mé sông Hậu, cạnh bụi ô rô to đùng đầy gai góc, một chiếc ghe con loại 6 cột chèo tay được phủ bạt kín mít trên đó là những lá dừa lợp nhà, mấy quầy chuối già hương, mấy sọt cam sành đang chuẩn bị qua sông.

- Nga à! Bây nhắm qua sông giờ này được hông? Mưa sắp tới nữa kìa. Sóng cũng lớn quá. Tụi nó tuần tra dữ quá.

- Mấy chú yên tâm. Mưa gió vầy tụi nó mới lơ là mất cảnh giác. Mình tranh thủ qua bên đó mới thuận tiện. Con tính kỹ rồi - Nga trả lời.

- Bây nói là mấy chú yên tâm rồi. À bây bao nhiêu tuổi rồi?

- Con mười lăm tuổi. Dân "nòi" đàng hoàng à nghe. Nhà con toàn là Việt cộng từ lớn tới nhỏ.

- Biết rồi. Mà sao tổ chức hổng phân công ai, lại chọn con làm nhiệm vụ quá nguy hiểm này vậy?

- Dễ ợt. Tại con còn nhỏ, tụi nó hổng có nghi ngờ gì ráo. Với lại, con nổi danh xứ 6 xã này về cái tài lội như rái cá, bỏ con xuống nước 3 ngày chưa nhằm nhè gì đâu - Nga bật cười hồn nhiên.

Chiếc ghe qua sông rộng lặng lẽ nhưng đầy quyết đoán. Mưa bắt đầu tuôn những giọt nước trắng xoá không còn thấy bến bờ. Ghe cứ chòng chành. Gió mỗi lúc mỗi mạnh hơn. Trên mui chỉ có mỗi mình Nga đang bám chặt cây cần lái xuôi theo con nước tiến dần vào bờ bên kia.

Đùng, đùng, đùng... Những phát súng nổ liên tục trong không gian mờ mờ, đục đục bởi trận mưa quá lớn. Tiếng những chiếc giang thuyền địch mỗi lúc một gần. Lộ rồi chăng? Nga nghe tim mình đánh thình thịch, thình thịch liên hồi.

- Chú Bảy, chú Chín ơi! Chắc bị lộ rồi. Tiếng tàu địch đang tiến dần tới ghe mình - Nga nói hổn hển.

- Cứ bình tĩnh. Từ đây vô tới bờ khoảng bao nhiêu thước nữa?

- Dạ khoảng một trăm thước. Giờ tính sao chú?

- Bây chèo riết vô mé đi. Nè tao dặn, bây còn nhỏ, tới đó bây phóng xuống sông rồi lội đi nghe hông? Các chú phải ở lại chiến đấu và chuyển cho được số vũ khí lên bờ. 

Vừa nói, chú Bảy Mành và chú Chín Khuyên bật tấm bạt ra và ôm chặt hai khẩu AK cùng mớ lựu đạn, mắt đăm đăm nhìn về dãy đất đang lớn dần, lớn dần.

Minh hoạ: Minh Tấn

Ghe đã cặp bến. Từ những rặng dừa nước, rặng bần, những bóng đen vụt hiện ra. Vũ khí nhanh chóng chuyển lên bờ và biến mất trong màn đêm. Tiếng đạn đại liên bắn xối xả vào chiếc ghe vừa cặp bến. Một bóng đen chạy dọc theo triền sông. Những phát đạn bắn đuổi theo rối rít. Hoả châu bắn rực sáng trời đêm khi cơn mưa vừa tạnh. Hai chiếc giang thuyền quay đầu rượt đuổi. Đùng. Bóng đen ấy đã phóng xuống sông một cách bất ngờ và ngoạn mục. Nga đó. Con rái cá miền Tây đã biến mất như một chuyện liêu trai nhưng có thật.

Ba hôm sau, trong căn cứ mật Xẻo Kè đã diễn ra một buổi liên hoan rất đặc biệt. Nói liên hoan cho oai vệ chớ thực ra chỉ có bánh ngọt và nước trà mà thôi.

- Bữa nay, tao thay mặt tổ chức ăn mừng chuyến vận tải vũ khí trót lọt nhờ công của con Nga. Nè tụi bây vỗ tay lớn lên coi.

Ở một góc hầm, Nga đứng im như trời trồng không nói nên lời. Mà có nói cũng chẳng biết nói gì. Mười lăm tuổi Nga đã là đảng viên. Mà đảng viên thì phải hoàn thành nhiệm vụ. Vậy thôi. Nga bật khóc vì xúc động pha lẫn cảm giác tự hào.

- Chưa hết. Nhân đây tổ chức đặt cho bây bí danh Lê Hồng Quân.

- Lê Hồng Quân là sao chú? - Nga thắc mắc.

- Lê là họ của má bây. Hồng Quân là ám chỉ Hồng Quân của Liên Xô đó. Hiểu chưa? - Chú Bảy Mành vừa nói vừa cười sảng khoái.

Năm 1965, tại Sài Gòn bỗng xuất hiện một cô gái xinh đẹp chuyên bán hoa tươi ở các căn cứ trọng yếu của Mỹ - nguỵ. Nhìn vẻ ngoài hồn nhiên, tươi rói, ai biết đó là một nữ chỉ huy tiểu đoàn biệt động Sài Gòn - Gia Định mang tên Lê Thị Riêng. Đó là nữ biệt động Lê Hồng Quân.

Năm 1968, trận chiến đấu không cân sức đã diễn ra suốt 12 giờ ngày 5/5 tại số nhà 83, đường Đề Thám, Quận 2, Sài Gòn. Một bên là hàng trăm tên cảnh sát, quân cảnh, phòng vệ thủ đô với những loại vũ khí hiện đại; một bên là tổ biệt động có 3 người: chị Xuân, anh Quang và Lê Hồng Quân.

- Chị Năm ơi! Em trúng đạn rồi. Chắc không sống được. Chị báo lại với tổ chức là em hoàn thành nhiệm vụ nghe. Quang nói rồi bất tỉnh trên đôi tay nữ thủ lĩnh của mình.

- Xuân ơi! Đạn còn rất ít. Lựu đạn cũng cạn dần rồi. Để tôi bắn trả dồn dập cho Xuân rút lui... - Hồng Quân thúc giục.

- Không. Chị Năm ơi, sống chết cùng có nhau. Tui bỏ chị sao đành - Tiếng Xuân nức nở.

- Xuân phải nghe tôi. Tôi là chỉ huy. Rõ chưa? - Vừa nói, Hồng Quân chồm mình lên cửa sổ bắn trả quyết liệt. Một, hai, rồi nhiều viên đạn xuyên thủng cánh tay trái khiến chị buông người xuống phía dưới.

- Xuân ơi, cánh tay tôi đã bị bắn nát rồi. Vướng quá. Xuân lấy dao cắt bỏ cánh tay trái giùm tôi. Nhanh đi.

- Không. Không. Tôi… tôi… tôi…

Thấy vẻ chần chừ của Xuân, nhanh như cắt, chị giật lấy lưỡi dao lê tự cắt đứt cánh tay mình mặc cho những dòng máu tuôn đầy xuống nền nhà. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Xuân hy sinh trong tư thế bắn quỳ. Tiếng súng phản công thưa dần rồi im bặt. Hơn 3 giờ sau, bọn giặc mới dám xông vào ngôi nhà và bắt gặp một người phụ nữ bất tỉnh vì sức ép của đạn pháo, một cánh tay đầy máu còn nằm trên nền nhà. Đó là nữ biệt động Lê Hồng Quân. Cạnh đó là Quang đang thở thoi thóp.

Cuộc tra tấn diễn ra ngay sau đó để hòng moi được thông tin từ chị Quân và Quang bất thành. Quang hy sinh ngay trong phòng hỏi cung khi bị chúng đâm thẳng những chiếc gậy ba trắc vào những vết thương đang túa máu.

Chuyến tàu chở tù chính trị rời Sài Gòn tiến thẳng về Côn Đảo, trên đó có nữ tù Lê Hồng Quân. Khoảng 3 tháng sau bà Lê Thị Xuân, mẹ của Hồng Quân cũng bị bắt đày ra Côn Đảo. Những trận đòn thù tàn nhẫn, độc ác như thời trung cổ cứ lặp đi, lặp lại với hai người phụ nữ kiên trung, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời: Không biết nhau, không thấy nhau. Và cứ mỗi lần như vậy, những trận đòn tra tấn lại tàn độc hơn, nguy hiểm hơn.

Nhiều đêm trong ngục tối, chị đã khóc thật nhiều. Mẹ mình đó mà mình có dám nhận đâu. Nhận là mắc mưu kẻ thù xảo quyệt. Không nhận là chữ hiếu đã bỏ đi. Chị cứ nhủ thầm: Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con trong hoàn cảnh éo le này. Mai này hoà bình thống nhất con sẽ về bên mẹ với ngàn lời tạ tội, mẹ ơi!

Câu chuyện đẹp đã đến ngỡ như mơ. Hai chuyến máy bay trao trả tù chính trị năm 1974 tại Sân bay Lộc Ninh, trên chiếc băng ca chuyển xuống từ thang máy bay là một người phụ nữ gầy còm đầy thương tích và chỉ còn có một cánh tay với đôi mắt rạng ngời. Đó là nữ biệt động Lê Hồng Quân. Chiếc máy bay thứ hai cũng vừa hạ cánh, trong số những người tù chính trị bước xuống thang máy bay cũng có một người phụ nữ gầy yếu được cáng trên chiếc băng ca.

- Mẹ! - Hồng Quân bật chồm dậy với nghị lực rất phi thường của một người nữ tù chịu quá nhiều đòn roi tra tấn, khi nhìn thấy mẹ mình trên chiếc băng ca dưới nền sân bay.

Người phụ nữ quê mùa chân chất ấy đang nằm thiêm thiếp vì sức tàn lực kiệt từ những trận đòn thù trong tháng ngày ở Côn Đảo bỗng ngồi bật lên và hướng đôi mắt yếu ớt về phía tiếng ai đó gọi mình.

- Nga. Nga ơi! Mẹ đây con - Gọi có bấy nhiêu rồi bà bật khóc không nói nên lời bởi cuộc hội ngộ đến quá bất ngờ.

***  

- Sau đó chị làm gì? Ở đâu? - Tiếng Lan hỏi nhỏ.

- Chị trở về tham gia cách mạng đến ngày giải phóng rồi nghỉ hưu.

- Nghỉ hưu?

- Ngạc nhiên lắm phải hôn. Chớ em nghĩ coi, chị đã lên bàn mổ đến 23 lần rồi. Vậy mà chưa xong. Thấy lành lặn vậy chớ đạn còn trong mình nhiều lắm. Thương binh ¼ chớ phải đùa đâu. Muốn tiếp tục cống hiến nhưng thôi… Chị làm chuyện khác cũng có ý nghĩa không kém đâu.

- Chuyện gì vậy chị?

- Đi tìm đồng đội để giúp đỡ và giải oan.

- Sao lại giải oan?

- Vậy mới nói. Chuyện thiệt đó. Buồn lắm. Khó mấy cũng làm.

Câu chuyện lại tiếp tục trong cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập xuống. Trong chiến tranh đã có những người hy sinh thầm lặng mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Riêng với chị Quân, sự ray rứt về những chiến sĩ biệt động do chị chỉ huy đã rơi vào nghịch cảnh “mang tiếng xấu” với người thân, gia đình, xã hội vì được lệnh hoá thân vào những nhân vật phản diện như: sĩ quan, binh lính chế độ cộng hoà, những tay giang hồ, du đãng đất Sài Gòn, những cô gái làng chơi…

Chiến tranh mà. Lại là chiến tranh đặc biệt mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được bởi phải rất bí mật, cảnh giác trước kẻ thù. Họ đã quá hy sinh vì đại nghĩa, nhưng đến nay có người vẫn chưa được giải oan một cách công khai minh bạch. Cũng có người đã ra đi mãi mãi khi chưa được rửa oan. Và còn biết bao đồng đội cũ đang chịu cảnh đói nghèo, gian khổ. Vậy là cuộc hành trình mới lại bắt đầu đến nay trên 30 năm.

- Rồi chị định làm chuyện này đến bao giờ?

- Chưa biết nữa. Nhưng còn sống thì phải làm. Làm để thấy lòng thư thái. À, mà em có thích đọc thơ không?

- Thích. Rất thích nữa là khác. Nhưng có chuyện gì hả chị?

- Chị tặng em tập thơ “Nước mắt chảy ngược” do chị sáng tác để trả ơn cuộc đời, để nhớ về quê hương, nhớ về đồng đội.

Nước mắt Lan cứ rơi dần, rơi dần trên từng bài thơ. Trước mắt cô là hình ảnh một cô gái quê dũng cảm, mưu trí đón đưa cán bộ, vận chuyển vũ khí qua mắt địch; là hình ảnh người nữ biệt động tự cắt cánh tay mình; hình ảnh ngày đoàn tụ trên chuyến tàu trao trả tù chính trị giữa hai người phụ nữ anh hùng; và hôm nay là hình ảnh người nữ thương binh tuổi đã xế chiều đang lần dò đi tìm và minh oan cho đồng đội.
Lan bật khóc và ôm chặt tập thơ vào lòng./.

Truyện ngắn của Trương Thanh Liêm

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương