ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 10:20:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường xưa

Báo Cà Mau

MH: Minh Tấn

Ngôi trường những năm Văn học cấp ba nằm cuối con phố với các mảng tường đầy rêu, nép mình dưới bóng hàng cây cổ thụ trầm mặc và xanh mát.

Mười năm rồi, Văn mới trở lại đây. Cảnh vật xung quanh hầu như chẳng có gì thay đổi. Chợ hướng mặt ra sông. Ven con lộ nhỏ là các hiệu tạp hoá lâu đời. Những ông chủ hồng hào, béo tốt mặc áo thun ba lỗ, tay phe phẩy quạt mo cau; mấy bà chủ mặc bà ba vải bóng, mặt trang điểm nhẹ với nụ cười thường trực trên môi, thấy khách dợm ghé là đon đả mời chào. Nhiều người kháo nhau rằng, chủ các hiệu tạp hoá có vẻ bình dân này là những cự phú, giàu nứt đố đổ vách, sở hữu bất động sản ngoài chợ tỉnh và cả trên Sài Gòn.

Xen giữa các hiệu tạp hoá là những tiệm vàng, trang điểm cô dâu, tiệm chụp hình và vài quán nước chiếu phim Hong Kong ì xèo từ sáng tới tối. Dưới sông, từng tốp ghe tải gắn máy dầu, đậu ken đặc bến. Những chiếc ghe này ngày ngày vượt hơn năm chục cây số ra tận chợ Cà Mau, bận đi chở hàng nông sản, bận về chở nước đá, hàng tạp hoá bỏ mối cho mấy tiệm bán lẻ, quán cà phê. Thỉnh thoảng, một chiếc tàu đò gắn “máy xe”, vào bến kéo ga ầm ĩ. Tiếng người, tiếng máy, tiếng phố lao xao… tất cả tạo thành nhịp sống hối hả, như một ốc đảo giữa vùng quê yên bình, chân chất.

Qua khỏi xóm chợ ồn ào một chút, không khí chợt rơi vào tĩnh lặng. Ngôi trường thân quen hiện ra trước mắt Văn trong một thoáng ngỡ ngàng. Trường khang trang hơn xưa nhiều. Các dãy phòng học đã lên lầu hoành tráng, sân đổ bê-tông sạch sẽ. Cây còng cổ thụ nghiêng bóng xuống dòng sông, trổ đầy hoa màu phơn phớt hồng buồn buồn vẫn ở đó, nhưng cái hàng rào, nơi “cụ” còng tựa lưng vào như bao năm qua đã xây bề thế. Chiếc cầu cây năm xưa Văn hay buộc xuồng giờ cũng được thay bằng cầu bê-tông, với cầu thang chắc chắn. Bờ kè ven sông thì xây cơ bản, bên trong trồng một hàng phượng dài xanh mươn mướt, đậu hờ hững vài bông nở muộn cuối hè.

Văn đứng dựa lan can cầu, ngắm những vạt lục bình nở bông tim tím trôi lơ đãng về phía biển. Anh miên man suy nghĩ, không biết đám lục bình kia có rẽ vào một nhánh sông nào khác để tiếp tục cuộc đời lãng du, vô định hay chăng? Nếu ra thẳng biển, số phận chúng sẽ ra sao? Văn mỉm cười, tự vấn sao bao năm qua anh vẫn vậy, cứ lăn tăn suy nghĩ chuyện không đâu rồi tự chuốc lấy cái buồn, cái nhớ vào lòng. Tâm tính của anh cũng như con phố ngoài kia, khi trầm mặc, lúc ồn ào, nhưng khó mà thay đổi, dù là mười năm trước, hiện tại hay những ngày sắp tới.

Chiều hôm qua, Văn nhận được tin nhắn của Vũ: “Vân sắp có chồng rồi, một người làm chung”. Mừng cho bạn cũ, nhưng anh vẫn thấy trong lòng dâng lên những cảm xúc lạ lùng. Sáng nay, xong việc về quê, Văn không ghé nhà mà thẳng ra trường cũ. Anh đứng đây, đắm chìm trong dòng nhớ miên man, mặc cho nắng trưa đã vượt qua ngọn còng, tưới những giọt vàng óng lên mái đầu đã chớm vài sợi bạc.

“Thưa thầy!”, tiếng ai đó bất ngờ cất lên làm Văn khẽ giật mình, quay lại. Anh thấy một nhóm chừng 10 học sinh, hình như các em đã đứng chờ nãy giờ mà không dám lên tiếng, sợ cắt ngang miền ký ức của người khách lạ. Gật đầu nhẹ, Văn vừa nở một nụ cười thân thiện, vừa nhẹ lách mình nhường đường cho các em qua. Văn cố nén, để không bật cười thành tiếng vì biết “tụi nó” tưởng mình là… thầy giáo, một ông thầy trẻ ở đâu mới điều về. Hồi xưa, Văn cũng hay nghĩ vậy khi thấy ai đó lạ lạ tới trường mình. Mà bộ dạng anh, tóc tai gọn gàng, áo đóng thùng, chân đi giày trông cũng giống thầy giáo thật. Hồi trước, Văn từng ấp ủ ước mơ sư phạm, nhưng vì nhiều lý do, anh trở thành công chức văn phòng như bây giờ.

Tụi nhỏ đi lao động. Văn đoán chắc như vậy vì thấy mớ chổi, giẻ, thùng… lỉnh kỉnh. Kể ra học sinh bây giờ sướng thật. Hồi Văn học ở đây, năm nào cuối hè cũng phải đi lao động. Công việc là khiêng đất đắp sân trường, mang cây đi đóng hàng rào hoặc lội sông làm kè chống xói lở. Ngay cả chiếc cầu cho thầy cô, học sinh lên xuống, chỗ Văn đang đứng đây cũng phải mỗi năm đóng lại một lần vì cây mục, ván hư.

“Cẩn thận kẻo té”, một cậu nhắc khi nắm tay, dắt cô bạn học xuống xuồng. Một xuồng đặt máy, xuồng kia xếp chèo, buộc dây “dòng” theo. Tiếng Kohler-4 nổ giòn rụm, xuồng rời đi để lại một vệt khói xanh loang loáng, trên mặt sông hai hàng bọt trắng xoá và những cánh sóng vỗ nhè nhẹ, làm chênh chao những đám lục bình yếu ớt. Văn nhìn theo cho đến khi mấy chiếc xuồng khuất hẳn sau khúc quanh sông. Chắc đám học sinh này rủ nhau đi chơi đâu đó. Vài bữa nữa là tựu trường rồi. Các em bây giờ cũng giống Văn và bạn bè hồi xưa, nhưng hồi đó anh đi xuồng chèo, chứ đâu có máy đuôi tôm “xịn sò” như tụi nó. Nhỏ học sinh được cậu bạn học nắm tay hồi nãy, nhìn hao hao Vân của một miền ký ức.

Văn, Vũ và Vân quen nhau từ năm lớp 10 và “lập nhóm” từ năm 11. Ba đứa, tuy hai trai một gái nhưng rất thân nhau. Ðám bạn học vừa ngưỡng mộ, vừa thầm ganh tỵ với tình bạn của ba người và hay gọi đùa là “Nhóm 3V”.

Nhà Văn ở đầu này sông, trong nội đồng, cách trường chừng năm cây số. Nhà Vũ thì ở đầu bên kia, nơi con sông chớm hoà mình vào biển, xa hơn so với đoạn đường về nhà Văn một đỗi. Vân là con gái thầy hiệu phó, ở nhà tập thể của trường. Cứ vài hôm, Văn hoặc Vũ lại chèo xuồng tới trường rước Vân, rồi hì hụi chèo thêm hàng tiếng đồng hồ nữa, chở cô bạn học sang nhà đứa kia chơi. Nhà Văn nhiều cây ăn trái, nhà Vũ thì nhiều cá tôm, mỗi nơi có một cái vui nên không bao giờ chán. Riêng nhà Vân là nơi học nhóm của cả bọn. Người lớn cũng cảm mến ba đứa trò nhỏ hợp cạ nhau, và xem như con cháu trong nhà. Khi xáp lại thì chẳng cần lo chuyện cơm nước hay đồ ăn vặt.

Văn, có lẽ từ nhỏ đã tắm trong dòng nước ngọt lành nên trắng trẻo, vóc dáng thư sinh, tâm hồn lãng mạn và đặc biệt giỏi Văn. Vũ sống gần biển, người rắn rỏi, da dẻ mặn mòi, có khiếu chơi thể thao và xuất sắc các môn tự nhiên. Vân sáng đẹp như một viên pha lê, học giỏi đều các môn, từ tự nhiên đến xã hội.

Văn điềm tĩnh, khéo léo; Vũ nóng nảy, cương trực; Vân thì dịu dàng nhưng cũng không kém phần tinh nghịch. Ba tính cách, ba sở trường khác nhau tưởng chừng khó hoà hợp, nhưng bọn họ biết cách bù trừ cho nhau một cách hoàn hảo.

Mười bảy, mười tám tuổi, trong cả ba người cũng có những rung cảm đầu đời. Văn đôi lúc cảm thấy tủi hờn mỗi khi Vân và Vũ cười đùa thân mật với nhau; chiều ngược lại đôi khi anh bắt gặp ánh mắt hơi lạ lùng của Vũ. Nhưng, tình bạn của họ quá sâu đậm, đủ để khoả lấp và đánh bay những thắc mắc, hờn ghen. “Tình yêu chỉ có một, trong khi những thứ tương tự như nó thì có hàng ngàn”. Văn luôn tự trấn an mình như vậy mỗi khi hình bóng yêu kiều của Vân xuất hiện trong đầu. Vân trong sáng quá. Cả ba người đều có những mục tiêu riêng ở tương lai; suy nghĩ chuyện lứa đôi lúc này vẫn còn quá sớm. Tình bạn của họ, cứ thế trôi đi êm đềm như con sông mang nặng phù sa, mỗi ngày chảy ngang trường học, mặc cho bạn bè trong lớp đoán già đoán non. Thật ra trong lòng từng người thỉnh thoảng vẫn nổi lên vài cơn sóng lạ, chợt xôn xao và tan biến cũng thật nhanh.

Cuối học kỳ một năm 12, trong lần về nhà Văn chơi, Vân rủ Văn đi hái dừa tươi uống nước, trong khi Vũ mải mê đuổi bắt gà cho người lớn làm cơm. Vân uống nửa trái dừa rồi chuyển cho Văn, nơi cô bạn học vừa ghé môi vào, Văn thoáng nghe một mùi hương là lạ. Văn chạm môi rồi bất giác nhìn sang, thấy hai gò má bạn đỏ bừng. Vân cúi gằm mặt, tay vân vê tà áo. Khuôn ngực tuổi trăng tròn phập phồng dưới làn áo bà ba. Văn chết lặng. Lần đầu tiên trong đời, Văn thấy cô bạn mình đẹp lạ lùng như thế.

Họ ngồi im đó, không biết trong bao lâu. Không gian đặc quánh kia chỉ bị phá vỡ khi có tiếng gọi lanh lảnh của Vũ, réo hai người vô nhà ăn cơm. Vũ vô tình, đâu có biết khoảnh khắc vừa rồi. Nhìn Vũ ân cần gắp thức ăn cho Vân, Văn chợt thấy tâm hồn trống rỗng.

Những cuộc đi chơi của “Nhóm 3V” ít dần từ hôm đó. Văn lao vào đèn sách, anh phấn đấu thành một công chức tương lai. Vũ dường như lờ mờ tưởng tượng ra câu chuyện gì đó, nên ít khi tìm đến hai người, mà tăng tốc rèn luyện để hoàn thành ước mơ làm bác sĩ chuyên ngành thể thao. Vân cũng “cửa đóng then cài” vì mục tiêu nối nghiệp gia đình, trở thành cô giáo. Ðến trường, họ vẫn là bạn thân, nhưng những nụ cười không còn nhiều như trước, mỗi người nặng trĩu một nỗi niềm riêng, khó mà chia sẻ cùng ai.

Học kỳ hai trôi qua thật nhanh, “Nhóm 3V” cùng vào đại học, đúng với ngành mơ ước. Không gian cách trở, chuyện học hành, thi cử liên miên, những mối quan hệ mới hình thành… nên chỉ sau hai năm đầu, giữa Vũ và Văn còn duy trì liên lạc, Vân thì ngày càng xa. Mỗi dịp sinh nhật của hai thằng con trai, Vân viết thư tay thăm hỏi, nhưng cách hành văn, cách xưng hô cứ khách sáo thế nào, rồi thư từ từ không còn tới nữa.

Năm cuối đại học, một lần về quê, Văn tạt qua ký túc xá trường Vũ học, thăm bạn. Hai người kéo nhau ra quán nhậu bình dân, uống một trận “tơi bời”. Ðêm đó, trong cơn say rũ rượi, Vũ mắng Văn ngày xưa sao… hèn thế? Văn thì trách Vũ thầm yêu sao không chịu nói một lời. Cuối cùng thì sau bảy, tám năm trời hai thằng con trai cũng thừa nhận đã thầm yêu chung một người con gái, nhưng lại cứ nhường nhau để rồi đắm chìm trong chuỗi ngày nuối tiếc khó phai. Thật sự đến bây giờ, trái tim Vân dành cho ai vẫn còn là một câu hỏi không có lời giải đáp.

Văn lang thang trong sân trường. Dãy nhà tập thể không còn, nhưng cây phượng già, ngay đầu hồi căn phòng Vân ở khi xưa vẫn ở nguyên đó. Văn cúi nhặt một cánh phượng rơi, bồi hồi nhớ những lần ba đứa trèo cây, hái hoa rồi ép vào từng dòng lưu bút. Màu phượng hồng như xác pháo, như cánh thiệp hồng tiễn người con gái vu quy.

Ngày vui của Vân, dù được mời hay không, nhất định Văn sẽ rủ Vũ cùng vượt đường xa góp mặt.

Ôm cánh hoa vào lòng như ôm một trời kỷ niệm, Vũ thì thầm “chúc em hạnh phúc, Vân ơi!”./.

 

​Truyện ngắn của Ngọc Trâm

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương