ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:54:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phục tùng mệnh lệnh

Báo Cà Mau

Minh hoạ:  PHONG PHÚ

Nó ngồi bệt xuống nền nhà, mắt thèm thuồng nhìn ra hướng sân, nơi nó cùng lũ bạn đã sáng tạo không biết bao nhiêu trò chơi mỗi chiều. Phía bên kia sợi dây giăng từng là một khoảng trời tuổi thơ của nó. Giờ nó ước có một Ðô-rê-mon với chiếc túi thần kỳ để giúp nó không còn phải gò bó, sợ sệt, rụt rè như Nô-bi-ta hậu đậu.

Rồi nó lại luống cuống, bực dọc nghĩ về Zombie, Người nhện, Co-nan..., thứ video giải trí mà nó bám miết cả mùa hè. Nó lại mơ hoá thân thành siêu thám tử lừng danh Co-nan trợ lực cho bác tiến sĩ A-ga-sha bào chế thuốc và hợp tác với thám tử Mo-ri truy tìm rõ nguồn lây lan dịch bệnh, truy tìm căn cứ của Tổ chức áo đen hòng phá vỡ kế hoạch phá hoại.

Nó mơ là thành viên của Gia đình Nông dân siêu phàm để ngăn chặn hết âm mưu độc ác, cạm bẫy xấu xa của tiến sĩ Ðơ. Nó muốn hoá thành thủ lĩnh, dẫn đầu chúng bạn đánh một trận kinh ngạc với những người lạ hoắc, vận trang phục như những nhà du hành trong vũ trụ mà cả xóm nhỏ của nó giờ ai cũng sợ, cũng răm rắp làm theo mệnh lệnh hô vang: Test, test, test!

Ở khu phố nhỏ ven thành phố, giờ không chỉ có nó là đứa trẻ mang trong lòng sự bức rức vì đôi chân sáo không được tung tăng bên vỉa hè vắng; vì không được luyện bóng như Jin-do; không bốc đầu chiếc xe đạp mi-ni mới toanh; không ngả nghiêng, nhún nhẩy với đôi giầy trượt pa-tin mà hồi đầu kỳ nghỉ hè cha mua thưởng.

Hồi đi học, nó nghiện xem ti-vi, ghiền chiếc smart-phone của mẹ. Mỗi khi nhắc học bài là nó lại kèm một com-bo: “Cho con xem ti-vi 10 phút”, “Cho con mượn điện thoại xem Tony 1 tập”... Tiếng ừ, kèm cái gật đầu của mẹ là nó như cái lò xo đang nén lại rồi bất ngờ bung tự do.

Với nó, chưa bao giờ có một mùa hè vội vàng đến sớm và dai dẳng như mùa hè này (nó nghe người lớn bàn mà nghĩ ra). Nó đã nôn nao chờ đợi đến ngày tổng kết để nhận giấy khen về khoe với nội, ngoại. Ðặc biệt là tham dự buổi biểu diễn văn nghệ cuối năm.

Trong mấy ngày cuối năm học, nó luôn thức dậy sớm và giục mẹ đưa đến lớp để tập kịch. Cô giáo chọn nó hoá trang thành Hoàng tử trong truyện Công chúa Bạch Tuyết. Bữa đầu tập, về nhà nó khóc sướt mướt vì cô giáo chọn người thủ vai Bạch Tuyết không giống như trong truyện. Vậy là hôm sau nó không thèm đi học nữa. Mẹ phải nuông chiều, dỗ ngọt. Mẹ kể lại câu chuyện về vẻ đẹp của nàng Bạch Tuyết: nàng bị mẹ ghẻ ruồng bỏ, qua bao ngày vất vả, nàng đã trở thành người đẹp nhất và đáng kính nhất; có nhiều bè bạn nhất. Nếu hôm nay Bạch Tuyết tới lớp mà không tìm gặp Hoàng tử thì lớp sẽ buồn, Bạch Tuyết sẽ khóc. Bạn bè Hoàng tử sẽ rời xa chàng vì chàng không còn là người tốt, không còn là anh hùng của mọi người. Nghe lọt tai, nó ngồi xổm dậy, mắt rưng rưng: "Mẹ ơi, con muốn đi học!".

Nó đã luyện thuần lời thoại và cả những động tác chào hỏi, điệu bộ quý phái của người hoàng tộc. Nó cũng đã được cô giáo cho ướm thử bộ đồ hoá trang hoàng tử. Nó đã thuộc làu bài hát “Cô giáo em”. Bài hát là tiết mục đơn ca của lớp, cô chọn nó biểu diễn. Mỗi ngày đi học về là nó hí hửng hát, khoe với mẹ, với chị thuộc thêm một vài câu. Cô dạy phải bước, nhún vai, khua tay đúng nhịp đàn, điệu nhạc.

Rồi tất cả quay lưng với bao kỳ công tập luyện của nó. Ngày tổng kết năm học không diễn ra. Thời gian học cấp tập rút ngắn lại và thậm chí không rút kịp nữa. Chỉ còn 3 ngày là nó có video khoe khắp họ hàng bè bạn; 3 ngày để nó được làm Hoàng tử trên sân khấu với biết bao ánh nhìn thán phục; 3 ngày và tiết mục đơn ca do nó biểu diễn như món quà tặng cô năm cuối cấp.

Về nhà nó khóc. Uất ức lắm. Tức tưởi lắm. Mẹ không tài nào dỗ nín. Nó đòi gọi cho cô giáo. Chỉ có cô giáo mới nói thật, vì cô giáo kể câu chuyện nàng Bạch Tuyết hay hơn mẹ, dạy nó hát đúng điệu; vì cô chọn nó mà giờ mẹ nói lớp nghỉ...

Vậy là nó ở nhà. Mỗi sáng ngủ dậy cha mẹ đã đi làm. Món ăn sáng được thay đổi như thực đơn ở trường nhưng khác chỗ nó chỉ ăn với chị gái. Mẹ đi làm, món ăn nấu sẵn úp trên bàn. Căn nhà trở thành lâu đài, hoàng cung riêng của nó. Giờ nó là Hoàng tử thực thụ vì có cơm bưng, nước rót; có lâu đài riêng, có mẹ phục vụ; có khoảng không gian riêng của thế giới trò chơi. Ðặc biệt với nó là được ưu tiên quà tặng chiếc ti-vi sang chảnh. Chỉ với cái remote điều khiển là xem được khối kênh thiếu nhi, chương trình yêu thích. Ðiều mà cách đó không lâu nó muốn được phải hoán đổi bằng một trang tập viết. Và đương nhiên có sự trợ giúp và quản giáo của mẹ bằng 10 phút hoặc một tập phim thiếu nhi ngắn trên Youtube.

Giờ tất cả là của nó. Do nó tự quyết xem kênh nào, chương trình gì (chị gái không tranh giành với nó, vì có tranh cũng không tranh lại). Một ngày mẹ nó đi làm 8 tiếng thì nó cũng có ngần ấy thời gian để xem.

Ai cũng bất ngờ với khả năng điều khiển ti-vi của nó. Chỉ bập bẹ mặt chữ cái nhưng mở nguồn thiết bị, lựa kênh, chọn chương trình... nó thao tác rành mạch. Sành hơn cả nội. Mấy ngày đầu, vì sợ chị em nó không dám ở nhà nên mẹ nhờ nội ra ở cùng để trông nom. Hai chị em nó còn chỉ nội mở tủ lạnh, bấm máy giặt hay mở dùm vòi nước ấm mà cha đã gắn sẵn.

Xem ti-vi chán, nó nhượng lại cho nội xem thời sự. Nó gom giấy, bút màu ra vẽ. Rồi hết tuần, hai chị em nó quen dần xa mẹ, xa lớp, xa bạn. Quen dần ở nhà vắng mẹ hai buổi sáng, chiều. Quen với tất cả mọi thứ. Vậy là hai chị em nó bắt đầu một mùa hè cùng với mọi biện pháp ban hành phòng, chống dịch bệnh bên ngoài kia mà nó chưa hề rõ. Nó chỉ biết, nghỉ hè nhưng chỉ loanh quanh trong nhà. 90 ngày chưa một lần bước ra khỏi cổng rào. Dị mà mới mấy ngày nay, mấy chú lạ hoắc còn giăng thêm mấy sợi dây nhiều màu sắc, treo bảng đỏ như khoanh lại một khu riêng ở xóm nhà của nó.

Bây giờ chứ như mọi khi nghe rục rịch ngoài sân là nó chạy lấy chìa mở khoá cổng rồi lóng ngóng để vô nhà hổn hển “tấu” lại. Giờ thì khoá vẫn treo ngay vị trí cũ nhưng nó không dám lấy. Nó sợ, rất sợ bị người lạ hoắc mặt bộ đồ kín mít đi vòng quanh xóm cầm cái que gặp ai cũng xọt xuyên vào mũi.

Nó để ý mấy ngày qua, người lạ ấy không chừa ra một người bạn nào của nó, bạn cha nó. Thậm chí ông già râu bạc nhà cuối dãy phố cũng bị người lạ hoắc gọi tên ra thọt mũi. Nó bắt đầu nhớ lại mấy phi vụ trước đây từng xảy ra: Lão béo vì chống lệnh test của nhóm người mặt đồ kín mít bí hiểm mà bị còng tay đưa đi mất tăm; bà Tư Ù xóm bên cũng vậy, không nghe theo lời nhóm này mà cũng bị áp tải đi mười mấy ngày nay. Giờ thì nó nên thế nào đây? Thuận hay chống? Nó lẩm bẩm, nhóm người lạ còn oách, uy lực hơn Tổ chức áo đen mà cậu bé Cu-do Si-ni-chi (Co-nan) đối mặt.

Giờ đã tới lượt nó. Nó cẩn trọng ngó trước, ngó sau; mở camera trước nhà quay thẳng vào vị trí nó phải đối mặt để ghi lại sau này nghiên cứu hành động đáp trả. Rồi ngồi im trên ghế, ngửa mặt lên trời để người mặc áo kín mít như phi hành gia vũ trụ cầm chiếc que xọt xuyên vào mũi (trước đó không lâu, nó đã từng chống cự nhưng bất thành).

Việc phải xuôi tay phục tùng mệnh lệnh của nhóm người bí hiểm với nó như nỗi mặc cảm. Nó ngồi lục lại các bài học trả đũa từ các loại phim và lập riêng một kế hoạch: “Chống cự lại lúc này chưa đúng thời cơ. Ðiều quan trọng là phải vờ phục tùng để họ không nghi ngờ, rồi chờ cơ hội phản kích”. Ít ra nó còn cần đủ thời gian để tập hợp được đồng minh; tìm gặp thám tử Mo-ri, tiến sĩ A-ga-sha....

 

​Truyện ngắn của Phong Phú

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương