ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 19-1-25 02:17:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Duyên phận

Báo Cà Mau

MH: Minh Tấn

Miên quét xong cái sân, trời cũng vừa rựng sáng. Mồ hôi ướt lưng Miên, ướt hết tóc mai trước trán. Nhiệt lượng trong lúc làm việc tô hồng đôi má vốn chỉ ửng lên trong bếp. Dựng cây chổi vô góc tường, Miên phủi phủi mặt ghế đá trước hàng ba, ngồi nghỉ mệt. Nghe mùi thơm cà phê, cô quay đầu ngó vô nhà. Dự bưng một mâm nhựa có hai ly cà phê sữa nóng thơm lừng, hai ổ bánh mì vàng rộm, thêm bình trà nóng với hai cái ly nhỏ từ trong bước chậm ra.

- Mời cô Ba - Dự cười hề hề, đặt mâm cà phê xuống mặt bàn đá. Ai kêu cô đi quét sân cho mệt vậy. Ðể tụi tui làm…

- Nay bán cà phê tại nhà hén? Nghe mùi cũng được dữ đa. Ai bày ông?

- Thì rảnh mà, đi đâu được mà không tự bày? Uống đỡ ghiền, cô Ba…

Dự liếc Miên một cái nóng rẫy. Miên giả lơ, lấy cái phin xuống, khuấy nhẹ ly cà phê. Mùi hương cà phê sữa quen thuộc, góc sân yên ắng với mùi sử quân tử thoang thoảng trên cao làm Miên rung động. Nhớ mới đây thôi, sáng sớm nào Miên cũng phải nhẩn nha quất ly cà phê sữa nóng với ổ bánh mì giòn rụm đầy nhóc trứng ốp la bên trong rồi tính gì tính. Vậy mà rồi cái thói quen đó bị rơi rớt đâu hồi nào, sáng nay mới lượm lại được.

- Cảm ơn nhe. Cà phê ngon thiệt á. Không phải khen vị lòng đâu nhe.

- Tui mà. Sao dám để cô Ba chê…

Miên phá lên cười mà mắt rưng rưng:

- Thôi ông, tưởng tui nói thiệt hả. Sao đó giờ ông không bày ra y vầy cho tui nhờ?

- Khó gì đâu cô Ba. Chẳng qua…

Tiếng con chim quành quạch cãi nhau với một chú sóc bông chót chét trên giàn sử quân tử làm Miên phá lên cười, như bỏ ngoài tai lời của Dự. Nhưng gã đàn ông không lấy gì làm phật lòng, chỉ cười hề hề một cách rất vừa ý, rồi châm tiếp một ly trà.

***

Nhớ hồi mới lên vùng Thánh Ðịa này - theo lời rủ rê của mấy anh thanh niên chuyên làm nghề bốc vác ngoài chợ, kiêm luôn phụ việc cho mấy nơi trợ táng ở dưới xứ, Dự còn ngơ ngơ ngác ngác.

Cha mẹ mất sớm. Mới mười mấy tuổi đầu, ngoài cái giấy khai sanh lận lưng, chưa kịp làm căn cước, Dự hầu như không có gì cả: tài sản, ông bà, anh em… Chẳng ai thấy mình có trách nhiệm với một đứa cháu mồ côi như Dự. Dự trôi nổi như giề lục bình, khi tấp vào chỗ này, khi tấp vào chỗ khác, làm đủ mọi việc để nuôi thân. Bữa tối nọ, Dự về ngủ nơi chái nhà của nội, sau khi lén múc mớ cơm nguội và con mắm linh trong cái hũ sành trên kệ bếp làm bữa căng bụng. Ðang mơ màng, Dự nghe một giọng đàn bà lạ lẫm thì thầm nói chuyện với ông nội ngoài gốc dừa, đại khái xúi ông nội làm cách gì đó cho con quỷ già (là bà nội Dự) ra khỏi nhà, để bà ta trở thành chủ nhà của ông nội mới xong. Dự nghe được nổi điên lên, bước ra nắm cái tàu dừa khô phóng tới. Nghe nói bà ta bị thương tích nhẹ nhưng di chứng lại nặng do cái tàu dừa phi thẳng vô ngay ót! Chỉ nghe nói vậy thôi chứ sau đó Dự đã phóng tuốt ra đường khi nghe tiếng la thất thanh của người đàn bà đó. Ông nội dữ đòn, láng cháng gần đó có nước vong mạng. Bởi vì trước đó, tiếng tai về Dự không phải ít. Cũng phải thôi, để có thể tồn tại trong chốn giang hồ, bản năng sinh tồn sẽ xúi biểu đẩy đưa con người ta làm mọi cách.

Rồi, không nhớ Dự đã nói sao để anh em trong họ đạo Cao Ðài dưới xứ cho quá giang về Tây Ninh. Anh em trong nhóm làm công quả này cũng rày đây mai đó, chỉ có khác là họ sống hiền lành, chân chất, không giống đám giang hồ lớn nhỏ ngoài chợ. Trên đường đi, có vài người cũng rủ Dự đi làm công quả. Dự cười kha khả như người lớn: Thôi mấy ông ơi, cỡ tui là chưa có tu hành gì được đâu, nuôi mình còn chưa rồi, nói gì làm công quả. Quên đi nhen.

Bữa đó, ngồi một mình trong cái chợ nhỏ miền quê được một buổi, Dự lân la hỏi thăm xin kiếm việc làm. Nói nào ngay, cái mặt thằng nhỏ chớm dậy thì coi cũng sáng láng dù dãi dầu mưa nắng và đôi mắt luôn ưu tư với một đám dấu hỏi về cuộc đời. Bởi vậy, mấy bà tiểu thương cũng cảm tình với Dự lắm. Bà kêu Dự làm cái này, bà kêu làm cái kia. Tiền công thì trả đủ, có món gì ăn, không bao giờ họ quên thằng nhóc miền Tây. Ngôi chợ nhỏ, lồng chợ chỉ là cái nền xi-măng cao ráo, kẻ vạch để bà con bán hàng bông, buổi tối thường trống trải. Chỉ cần một tấm chiếu và cái áo cũ đậy mặt lại là Dự qua đêm một cách bình an. Ở nơi đất lạ này hình như Dự không hề lo bị phiền nhiễu vì những chuyện giành mối mang làm việc hay vô cớ đánh nhau chỉ vì không vừa mắt chuyện gì.

Cũng không nhớ ai đó đẩy đưa Dự tới nhà bà Năm, làm công cho bà. Hết bào mì rồi nhổ mì. Dự làm quần quật ngày đêm với ý định sẽ có xe cộ, điện thoại “như người ta”, và cũng “cua” được một cô nào đó “như người ta” về làm vợ. Cái chỗ nằm của Dự bây giờ là cái phòng kho sau nhà bà Năm. Chẳng biết ngó sao mà bả tin tưởng thằng làm công trôi nổi như Dự mà cho lưu trú. Mọi người không ai nói gì, chỉ có Phi, gã trai nghe nói chuẩn bị làm rể bà Năm luôn trừng trợn với Dự, trong những chiều cuối tuần ghé lại nhà bà Năm bày độ ăn uống rồi hớp vài xị rượu. Chỉ có gã mới dám thô lỗ hắt vào mặt Dự và cả bà Năm, coi Dự là thằng trôi sông lạc chợ, không đáng tin cậy.

Nhịn riết cũng hết nổi. Một bữa nhậu oan nghiệt đã kết thúc con đường tương lai “mua điện thoại, xe máy” của Dự, ít nhất trong thời điểm đó. Trước một mớ lời lẽ khích bác, coi thường, lăng nhục… trong cơn say của Phi vì sợ Dự sẽ có ý đồ “soán ngôi” con rể, có ý đồ cướp hết tài sản lẽ ra sẽ thuộc về anh ta, nếu một mai anh ta lấy tiểu thư con một của bà Năm; Dự không còn kiềm chế được, phang cho Phi một cán cuốc vô ót. Phi vô phương chống đỡ. Cả bàn nhậu náo loạn đưa Phi đi cấp cứu. Dự chỉ ngồi lầm lì, rồi ngoan ngoãn theo cảnh sát về đồn.

Phi gãy cổ, thương tật suốt đời. Dự đi ngồi tù. Bao nhiêu tiền bạc tích góp được vẫn không đủ đền bù thiệt hại cho Phi. Vậy mà, tới lúc đó, Dự còn chưa biết cái cô thiên kim tiểu thư của bà Năm là ai, vì cổ còn bận đi học, đi làm ở đâu đâu không biết!

***

Miên nhớ cái ngày Dự tới nhận làm tài xế theo thông báo tuyển dụng của công ty. Ðọc hồ sơ của Dự mà Miên hơi giật mình. Ngoài cái căn cước và bằng lái xe ra thì anh ta chẳng có gì. Ðã vậy còn có tiền án. Nhưng anh công an khu vực, người giới thiệu Dự cho Miên, bảo đảm rằng anh chàng này rất đáng tin cậy. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đã xin đi học văn hoá và học lái xe, bằng tất cả nỗ lực tự thân, và cũng được sự giúp đỡ hết mình của một người trí thức, cũng từng là bạn tù của Dự. “Bảo kê” lớn quá, Miên nhận lời, dù trong lòng không tránh khỏi lo âu.

Ngày Miên quyết định về tiếp quản cơ nghiệp của mẹ, cũng là ngày Miên được biết rõ ràng chuyện Phi bị một người làm công hành hung gây hậu quả nghiêm trọng, không thể tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, biết người đó cũng đã phải chịu trả giá, nên Miên không bận lòng truy cứu. Hơn nữa, Miên không có yêu Phi. Hôn sự chỉ là chuyện của người lớn hứa hẹn. Mọi việc sau đó cũng trôi qua vì rõ ràng không có kết quả tốt đẹp. Mọi người chỉ thấy Miên là một cô gái… ham làm giàu hơn ham lấy chồng.

Miên lập công ty trách nhiệm hữu hạn, rồi mở thêm một nhà máy chế biến tinh bột giáp biên giới, ngay vùng trồng nguyên liệu. Thời gian cô ở lại nhà máy và văn phòng nhiều hơn thời gian ở nhà. Cuộc sống của gần trăm công nhân phụ thuộc vào Miên. Rồi những việc lặt vặt khác xoay Miên như chong chóng. Chưa một ngày cô thảnh thơi cho đến sáng nay, khi quyết định cho công nhân nghỉ sản xuất một thời gian theo lệnh giãn cách của Nhà nước do dịch bệnh.

Người gần Miên nhất mấy năm nay hầu như chỉ có Dự. Ngoài việc lái xe, anh còn là người nhắc “cô Ba” ăn cơm, uống thuốc đúng giờ, nhắc việc cho Miên những lúc Miên lơ đãng hay lỡ say mà lỡ việc. Miên, thỉnh thoảng trong những cơn mệt mỏi, thường tự hỏi, sao người bên cạnh này không phải là người thân thiết nhất trong đời cô. Rồi lại tự hỏi, làm sao có thể, khi mà lai lịch người này chẳng rõ ràng, đến quê nhà nơi nào cũng còn mờ ớ, chỉ là một địa chỉ trên căn cước mà thôi… Người trong kẻ ngoài, thỉnh thoảng cũng lời ong tiếng ve, không khéo anh chàng tài xế phong trần “ẵm” luôn cô chủ.

Miên không biết, Dự đã từng nghe hết những ong ve đó, chỉ cười khì khì. Không ai biết chính những tháng ngày nếm trải sự vô vị trong nhà giam, được nghe ông bạn tù già nói chuyện cuộc đời, Dự mới sáng mắt ra và quyết định rẽ sang con đường khác đàng hoàng hơn. Anh biết có khi Miên không nghe những lời đồn như anh. Nhưng trong lòng anh, cũng không một chút bận tâm về chuyện sẽ lấy lòng cô chủ để được này được nọ. Ðời có đó mất đó, biết đâu chừng. Chỉ là, thật sự có đôi lúc, anh thật sự muốn làm hết tất cả thay cô, để cho cô gái mỏng manh trước mặt anh bớt mệt đi một chút.

***

- Ông nghĩ gì vậy? Tự nhiên cái cười?

- Ðâu có gì đâu!

- Nè, tui hỏi thiệt nhen, hồi đó, mắc gì mà ông thù anh Phi dữ vậy? Quánh con người ta một phát cái nằm luôn vậy?

- Ủa? Sao cô Ba biết chuyện đó?

- Chuyện ông làm ai mà không biết?

- Nhưng mà cô Ba… cô Ba là sao của thằng Phi?

- Có là gì đâu? Tui rảnh, hỏi ông nói nghe chơi, không nói cũng không sao.

- Ðó là một câu chuyện buồn. Cô Ba hỏi tui không giấu gì hết. Bởi vì cái đứa như tui, có gì phải giấu giếm? Tui không muốn chỉ vì lời giới thiệu của người nầy người nọ mà cô Ba ép lòng nhận rồi nghi ngại này kia. Bữa nay cũng rảnh, coi như tui tâm sự với cô Ba cho hết nước hết cái. Chớ tui cũng đâu biết nói với ai…

Dự thủng thẳng đặt cái ly xuống bàn. Ðôi mắt ngó ra ngoài cổng đầy những chùm bông sử quân tử trắng, hồng thơm ngát.

Miên, đôi mắt đọng nước.

Bàn tay cô Ba đã nhẹ nhàng đặt lên tay bác tài từ hồi nào không biết.

Ngoài đường sáng nay im ắng. Mấy con chim vẫn chót chét cãi nhau trong vòm lá. Chú sóc vểnh đuôi chạy tới chạy lui. Nắng đẹp lạ lùng./.

 

​Truyện ngắn của Cẩm Giang

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương