ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:48:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về quê với má

Báo Cà Mau (CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

MH: Kiều Loan

Anh tài xế lái xe cho chúng tôi nhìn tướng tá trông giống nông dân làm ruộng hơn là người cầm vô lăng, nhưng được cái hiền lành, lúc nào cũng cười nói có duyên. Lộ xe miền Tây ngày giáp Tết một bên chật ních người về, còn làn đường chúng tôi ngược lên chạy bon bon. Anh xế tặc lưỡi: “Cỡ này người ta đổ dìa quê ăn Tết, còn mình đi chiều ngược lại he anh chị”. Anh nói bâng quơ, nhưng tôi chột dạ: “Thì Tết năm nào hổng dìa, cũng quanh quẩn ở nhà, ăn nhậu lu bù, mệt người. Ði du lịch cho thư thả, cho tụi nhỏ nó chơi, rồi tranh thủ mấy ngày mùng gần hết Tết dìa thăm quê”.

Vợ tôi, đang trong tâm trạng phấn khích thì bàn thêm: “Trời, anh nói sao, chớ giờ Tết người ta đi du lịch rần rần anh ơi. Thấy cái cảnh ăn Tết mà suốt ngày bù khú nhậu nhẹt, tôi oải chè đậu rồi”. Tôi cười thầm, để ý mấy cái va ly nứt nở quần áo của vợ với đủ thứ đầm xoè, váy cụp, áo tắm đủ bảy màu cầu vồng phía sau xe. Tụi nhỏ lâu lâu được đi chơi, cũng cười nhe răng, hở nướu, đồng tình với ý kiến của mẹ, vỗ tay rần rần.

Thật ra, chuyến đi chơi Tết này cũng là lời hứa của tôi với thằng bạn học đại học, từ ngoài Bắc vào lập nghiệp ở Nha Trang. Cái thằng thiệt hay, chỉ mươi năm đã xây dựng được cơ ngơi một khu du lịch nghỉ dưỡng hoành tráng. Coi như ra đây cũng là dịp gặp lại bạn cũ, hàn huyên chuyện thời sinh viên cùng chia nhau gói mì tôm đỡ đói.

Sau cái tay bắt, mặt mừng hớn hở, gia đình tôi được xếp ở một cái bungalow đầy đủ tiện nghi, view hướng ra biển. Thằng bạn quăng lại một câu chưng hửng: “Gia đình mày cứ tự nhiên, tao bận khách quá, khi rảnh tao alo liền nhé”. Khác với mường tượng của tôi, khu du lịch cũng không mấy đông, chủ yếu là nhóm nhỏ các gia đình trẻ, con nhỏ muốn tìm cảm giác mới lạ trong kỳ nghỉ Tết.

Ðâu khuya lắm rồi, thằng bạn gọi tôi, vợ con thì đã thấm mệt ngủ hết. Tôi lò dò đi xuống gian nhà cất theo lối xưa của làng quê Bắc Bộ, nép khuất giữa những dãy bungalow hằn vào đêm những hình thù ngoằn ngoèo kỳ dị, thấy nó ngồi sẵn với ê hề mồi nhậu trước mặt: “Mày đây rồi! Ngồi xuống đây! Mày thông cảm, tao bận bịu quá!”. Bao nhiêu năm gặp lại, cuộc nhậu cũng chỉ tôi với nó, chỉ có cái khác là bia xịn, mồi ngon. Tôi mừng cho sự nghiệp của thằng bạn: “Sao, mùa Tết làm ăn dữ hả?”. Nó uể oải: “Ối giời! Lo Tết cho thiên hạ, mình có Tết đâu. Vợ con tao cũng đi châu Âu ăn Tết rồi”. Tôi thấy nhột nhạt trong lòng, cái thiên hạ mà nó nói biết đâu có mình ở đó. Còn chuyện đi ăn Tết ở châu Âu, nghe sao nó ngược ngạo thế nào đó, không ổn. Nó như hiểu ý: “Riêng mày, bạn bè bao năm, có mày ra tao mới tranh thủ được hưởng một chút Tết, như hồi xưa”.

... Cái mùa Tết xứ Bắc, mưa phùn, lạnh buốt. Nhà nó nằm vắt vẻo nửa đồi núi, nửa đồng bằng, nghèo heo hút. Năm ấy, tôi không về Nam, theo nó về quê ăn Tết. Nhớ mãi cái ấm rực của bếp lửa nấu bánh chưng suốt đêm. Những hội hè, đình đám điểm sắc nụ đào, tiếng trống thùng thình giục chân người chen chân đi hội xuân phía cây đa, giếng nước đầu làng. Mùa Tết năm ấy, tôi cảm nhận rõ hơn vị ngon của bánh chưng, của canh bóng thả, giò nấu măng tre, thịt đông... và tình người xứ Bắc.

Tôi chợt nhớ ra: “Mày rước mẹ vào trong này chưa?”. Có tiếng húng hắng ho vọng tới, tôi sững người, "ôi, mẹ Hoa!", như cách tôi vẫn gọi lâu nay. Bà nắm tay tôi, nụ cười nồng ấm, giọng bà nhỏ thôi, nhưng đằm thắm và yêu thương: “Thằng Kiên đấy à!”.

Cuộc nhậu cứ dằng dứ mãi. Thằng bạn càu nhàu: “Tao rước mẹ vào, nhưng bà cứ nhắc hoài chuyện ở quê. Giờ có thiếu thốn cái gì đâu mà cứ nhè chuyện quê nghèo nhắc mãi. Còn với tao, ở đâu có mẹ là có Tết, đơn giản vậy thôi”. Thằng bạn làm tôi giật mình, chẳng biết nói gì thêm, chỉ biết khi về phòng rồi thì không làm sao chợp mắt nổi.

Sáng hôm sau, đúng tinh thần chuẩn bị, cả nhà ùa ra bãi biển đón bình minh. Tôi nói với vợ tôi, tắm biển xong thì dẫn tụi nhỏ lên chào mẹ Hoa. Thằng bạn tôi đã đi lo khách khứa đâu mất dạng. Mẹ Hoa xoa đầu tụi nhỏ trìu mến: “Hai đứa giống ba Kiên quá, năm nay ăn Tết với bà Hoa nhé!”. Hình như phụ nữ có khả năng bắt tần số với nhau rất nhanh, mẹ Hoa và vợ tôi mau chóng thân tình, chuyện trò đủ thứ trên đời. Tôi để ý thấy mẹ Hoa dù cười nhưng trong lòng có gì đó thắc thỏm không yên.

Ðám nhỏ nhà tôi thì quấn lấy bà Hoa, đứa nói giống bà nội, đứa nói giống bà ngoại. Chẳng biết mẹ Hoa nói gì, mà vợ con tôi nài nỉ dọn đồ xuống ở với bà. Thôi thì chiều ý. Tôi thấy mẹ Hoa vui hẳn lên. Nhưng cái tôi thắc mắc nhất là thằng bạn, nó cứ đi đâu miết, chẳng thấy mặt mày gì cả. Mấy bận gặp, khi thì khuya lơ khuya lắc, khi thì nó nhàu nhĩ như tàu lá chuối khô. Mẹ Hoa thì nói: “Tết gì tụi con ơi! Nó đi suốt, lo chuyện làm ăn thôi. Mẹ nhớ quê, nhớ Tết lúc xưa quá!”.

Tôi bụng bảo dạ, khi gặp thằng bạn sẽ rủa sả nó một trận. Rồi thì cơ hội tới, tôi độp luôn: “Mày lo làm ăn miết mà bỏ bà già mình ên, coi sao được”. Thằng bạn nhìn tôi, cười cay đắng, không nói gì mà tu một hơi bia. Tự dưng, tôi thấy nghẹn bứ họng, ngụm bia đắng thấu tâm can. Thì tôi có khác gì nó, lúc này, Tết này, má tôi ở quê cũng thui thủi một mình.

Lững thững đi dạo một mình trên bãi biển, lòng miên man, tôi bắt gặp cảnh anh tài xế mở Zalo điện thoại cho vợ con. Ðầu dây bên kia: “Anh ơi, chừng nào dìa mình đi về quê thăm nội, ngoại. Mấy đứa nhỏ nó đòi hoài hà”. Bên này, anh tài xế ù ừ: “Thì khách dìa mình mới được dìa, biết làm sao”. Giờ này qua giao thừa rồi. Pháo hoa đã tắt ở chân trời. Chỉ còn sóng biển rì rào, giữa đêm Tết, giữa thành phố du lịch, tôi thấy bước chân mình lạc lõng đến nao lòng.

Vợ tôi hình như cũng không ngủ được. Em nói khẽ trong đêm đầu tiên của năm mới: “Hay mình cắt bớt chuyến đi, về sớm anh ơi. Tụi nhỏ nói nhớ nhà, nhớ nội, nhớ ngoại”. Tôi cười: “Còn em có muốn về sớm không?”. “Thì về nha anh, tưởng đi du lịch Tết vui, ai dè tính đi tính lại ở quê mới thật sự là ăn Tết”.

Gia đình tôi từ giã về, mặc thằng bạn cằn nhằn: “Hứa ở đây ăn Tết với tao mà vậy đó”. Còn mẹ Hoa gởi lời thăm hỏi, chúc Tết đến khắp lượt gia đình, quà bánh cho tụi nhỏ lũ khũ. Anh tài xế thì mừng ra mặt. Xe lại bon bon về miền Tây. Tự dưng tôi nôn nao muốn nhanh thiệt nhanh để về nhà, gặp má.

...Nắng vàng ruộm bến sông, biền dừa nước xôn xao gió Tết, luống vạn thọ, cây mai vàng bung mình trổ sắc vàng rực rỡ. “A, dìa tới nhà nội rồi”, chưa bao giờ tôi thấy tụi nhỏ mừng đến thế khi về nội chơi. Má tôi từ trong nhà chạy ra, ôm sắp nhỏ mà quở: “Cha mày! Tưởng tụi bây bỏ bà già ăn Tết mình ên rồi chớ. Hoan hô! Cháu nội tui dìa rồi”. Tôi bất giác thấy nhói buốt trong lòng. Má tôi, nhà tôi vẫn ở đó, đợi con cháu về, dù có Tết hay không.

Với tôi, bây giờ mới thật sự là Tết. Tết với thịt kho tàu, dưa cải tùa xại, khổ qua hầm, miếng dưa hấu đỏ tươi. Nhìn má cười, tôi thấy vơi bớt phần nào áy náy. Mấy đứa nhỏ phụng phịu kể với bà nội: “Con đi du lịch cũng vui, nhưng nhớ nội quá trời. Mơi mốt tụi con hông thèm đi đâu nữa hết, Tết là về nội thôi”.

Bỗng điện thoại hiện lên tin nhắn của thằng bạn: “Năm sau, dịp Tết tao đóng cửa khu du lịch, đưa vợ con và mẹ về quê ăn Tết. Thấy bà già buồn quá mày ạ!”. Tôi nhắn lại, nói với nó cũng như nói với mình: “Mày nói đúng. Có mẹ là có Tết, Tết chỉ thật sự là Tết khi mình có nguồn cội để tìm về”. Thằng bạn tinh nghịch thả icon mặt cười nhắn lại: “Tết năm sau có tính đi du lịch nữa không? Tao nghỉ, nhưng còn nhiều chỗ mở cửa lắm, tao giới thiệu cho”. Tôi nhắn lại, dứt khoát: “Dẹp mày! Tết tao dìa quê với má”./.

 

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương