ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 19-1-25 02:00:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Còn chồi sẽ lên cây...

Báo Cà Mau

MH: Lý Kiều Loan

Bà Ba Giản nhìn tiệm tạp hoá của mình mấy lượt rồi bần thần lấy cái khăn ngay cửa sổ, nhúng nước vắt khô lau hết các kệ trên dưới. Lúc với tay lau dãy kệ sát nền, bà hơi sựng lại khi thấy túi bột gia vị cà ri, bà cầm gói gia vị, kêu lên:

- Chèn ơi, là gói đồ cuối cùng trong tiệm…

Rồi như chạm đến những điều mà cả tuần nay bà đang cố “tự dối mình” về việc cái tiệm tạp hoá đã trống trơn gần cả tuần nay, dẫu bên ngoài cuộc sống đang dần trở lại “bình thường mới” và chồng bà sắp trở về nhà sau gần 4 tháng vì lý do công việc.

Trước dịch, nghề dân phòng của chồng bà Ba Giản vốn nhàn với nhiệm vụ chính chỉ là đi tuần quanh khu phố. Nhưng rồi khi dịch tới, chồng bà có nhiệm vụ phụ trực chốt và tiếp phường nào là đi chợ giúp, nào lên danh sách đưa người đi cách ly, nào là hỗ trợ những buổi xét nghiệm trong cộng đồng… Và cũng như những người đảm nhận công việc đó, để đảm bảo sức khoẻ cho người thân, tránh tình trạng lây nhiễm, họ đều không về nhà.

Gần bốn tháng, không chỉ riêng bà, mà hầu hết những người bà biết trong khu chung cư xập xệ này lẫn chòm xóm xung quanh, đều sống trong sự thấp thỏm với những âu lo không thể nói nên lời. Tin tức được cập nhật trên nhóm chat liên tục, những điều nói với nhau thường là hỏi han, động viên và những sẻ chia thầm lặng bằng các cách khác nhau.

Bữa đó, ngay sau lúc chồng bà nói phải “cắm trại” luôn ở chỗ làm thì chiều đến gió thổi mạnh làm rách toác tấm bạt trước tiệm tạp hoá. Bà nhìn tấm bạt rách lòng thầm kêu trời, bởi trong thời điểm như vầy, kiếm đâu ra thợ thay bạt; mà để vậy thì khoảng rách ấy thế nào cũng toang hoác ra thêm. Biết là thế, nhưng bà còn có thể làm gì hơn khi tấm bạt thì quá cao mà chân bà lại bị khớp, leo lên ghế không chừng té xuống gãy xương chứ chẳng chơi. Bà chỉ biết đi qua đi lại nhìn tấm bạt bị rách mấy lượt, rồi thở dài thườn thượt.

Ðêm nghe tiếng gió mạnh, bà chắc lưỡi nghĩ thầm, tấm bạt sẽ nát bét trong đêm. Vậy mà sáng ra, bà há hốc miệng khi thấy nó đã được vá lại một cách chỉnh chu. Bà đảo mắt nhìn quanh như thể tìm cô Tấm sẽ bước ra từ quả thị. Giọng của ông Tần hàng xóm vọng qua:

- Tối qua lúc đứng hóng gió, tôi thấy vợ chồng thằng Gia lao công vá giùm cho bà đó. Vợ nó nói, trước thằng Gia có làm nghề sửa túi nên nhà vẫn còn hộp dụng cụ. Thấy vợ chồng nó loay hoay cả buổi, xong rồi mới đi gom rác trong xóm…

Thì ra là vợ chồng thằng Gia, bà Ba nhủ thầm, rồi cầm bình tưới hết mớ chậu cây đặt dọc theo hành lang. Chung cư vốn cũ kỹ, căn của vợ chồng bà nằm ở tầng dưới cùng. Tiệm tạp hoá mở cũng trên dưới chục năm, sau cái đợt công ty bà giảm biên chế. Bán túc tắc, ban đầu chỉ là hai ba chục bịch sữa chua nhà làm, hơn chục gói bắp nổ (món khoái khẩu của chồng bà nên ông bà thường mua nhiều để ăn dần); năm bảy ký đường thốt nốt, đậu đỏ, đậu xanh… mối quen gửi bán. Chòm xóm, người sống trong chung cư qua lại hỏi mua, rồi dần dần thành một gian hàng. Rồi khi có mấy nhân viên của mấy nhãn hàng lớn tới thoả thuận về việc giao hàng gối đầu, vợ chồng bà bàn tính với nhau và quyết định dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà để mở tiệm tạp hoá…

Có tiệm tạp hoá, bà trò chuyện nhiều hơn với mọi người. Một phần cũng do chuyện buôn bán khiến bà phải hỏi han thêm để biết tánh ý khách, phần do có thùng trà đá miễn phí để sẵn, kèm mấy cái ghế, mọi người ai mệt cứ ghé nghỉ chân uống nước... nên có dịp trò chuyện hỏi thăm nhau. Số là mỗi buổi sáng, chồng bà nấu một một ấm trà xanh lớn, đậm, đổ vô cái bình cách nhiệt để đi trực dân phòng, sẵn đó, ông đổ hết phần còn lại vô cái thùng inox bự hai mươi lít mà mỗi tối ông đều kỹ lưỡng rửa sạch rồi úp lên. “Nhiệm vụ” của bà là nấu khoảng nửa ký đường phèn đổ vào, rồi kế đó thằng Huân “nước đá” lúc chở đá đi giao cho các tiệm sẽ ghé cho đá viên vào đầy thùng. Thùng trà xanh có chút vị đường phèn mát lạnh, ai đi ngang khát thì cứ thoải mái dùng...

Dĩ nhiên buôn bán thì cũng có lúc “mặt cau, mày có”, ngày ế ngày đắt… nhưng dần dần mỗi sáng thức dậy, bà thấy cuộc sống vui vẻ với những tất bật, rộn ràng.

Ðối với người lao động như bà, khái niệm về “đại dịch” như điều gì đó mơ hồ, xa xăm, là “chuyện đâu đâu”... Cho đến khi chung cư bị… giăng dây, cả xóm mới bắt đầu nhốn nháo. Nhưng may mắn là được thím Năm tổ trưởng dân phố lập nhóm Zalo, cập nhật tin tức cặn kẽ nên nhận thức về đại dịch của bà con đã được nâng lên, coi đó là “chuyện sát sườn” chứ không còn tâm lý chủ quan xem như “chuyện thiên hạ” nữa. Thím Năm cũng đảm nhận việc đi chợ, nhiều lúc còn hỗ trợ thực phẩm miễn phí cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy mà mọi thứ diễn ra khá nhẹ nhàng.

Rồi khi ông Ba xếp mớ quần áo nói về việc “trực chiến” tại chỗ làm, dặn dò bà đủ thứ chuyện, bà đã nhận ra mọi thứ không đơn giản như bà nghĩ. Và rồi, những con đường dần vắng lặng, những con phố bớt dần đi những âm thanh ồn ã thường trực, tiếng bước chân trong chung cư như không còn vọng lại và tiếng chuyện trò không còn xôn xao, rộn rã như lúc trước nữa... Dường như ai cũng cảm nhận được bất an, mất mát đang treo lơ lửng đâu đó… Và dường như chính tất cả những điều đó đã khiến mọi người xích lại gần nhau hơn.

Ông Ba gọi điện về, hỏi thăm qua một lượt rồi nói với bà về gói củ hoa thuỷ tiên nhặt được ở góc tủ của chốt văn phòng, không biết của ai. Bà kêu ông thử gieo vào chậu, ông bật cười nói, hồi nào tới giờ ông có bao giờ biết trồng hoa cỏ gì. Trò chuyện một hồi, ông nói chắc sẽ thử trồng, biết đâu hoa nở, ông sẽ đem về tặng bà. Bà Ba nghe, tự nhiên thấy mắc cỡ, khẽ nạt:

- Già rồi mà bày đặt tặng hoa với lá. Mà ông cứ trồng đi coi sao…

Nói chưa dứt câu, bà tắt điện thoại, tự nhiên bâng quơ nghĩ về hoa thuỷ tiên, không biết nó có thơm không, hình dáng như thế nào, màu sắc ra sao.

 Ðược đi lại nên thím Năm tổ trưởng như con thoi. Nào là “giải cứu” mớ hàng đông lạnh ở chợ đầu mối của vợ chồng thằng Biên bằng cách đem hàng về bán cho bà con trong khu chung cư với giá vốn. "Giải cứu" vườn rau gần mé sông chung cư của Thu bằng cách bàn bạc và giao vợ chồng thằng Gia lao công chăm sóc, thu hoạch bỏ bao…, sau đó đem tới cổng khu chung cư. Việc mua - bán, cho - tặng mớ rau củ quả ấy tuỳ vào “mối quan hệ” giữa bà Thu và những người khác… Bà Ba cũng tất bật soạn hàng giao theo toa qua điện thoại. Nhưng rồi sức mua cũng giảm dần, bởi trong khu chung cư đa phần là người kiếm tiền độ nhật, ăn bữa nay lo ngày mai, mà những ngày giãn cách thì cứ kéo dài…

Thím Năm tổ trưởng khi ghé đưa phiếu tiêm vắc-xin, đứng ngoài cửa, nói vọng vào:

- Nhìn bà con mình chật vật, tôi thấy đứt cả ruột. Cũng có mạnh thường quân hỗ trợ này kia đó chớ, nhưng nói gì thì nói làm sao mà đủ, bởi vậy, tôi đang tìm cách…

Hai người phụ nữ cách nhau một cánh cửa, vậy mà vẫn nghe được tiếng thở dài của nhau. Thời may, sau những tiếng thở dài ấy, họ đã tìm được cách…

Mấy cái tủ đông ở chợ đầu mối của vợ chồng thằng Biên được đưa về, đặt ngay trước tiệm tạp hoá của bà Ba. Hàng tuần, cùng với số hàng thiết yếu giao cho tiệm tạp hoá, xe tải sẽ chở kèm mớ hàng khô, cá đông lạnh mà vợ chồng thằng Biên từng bỏ mối trong các chợ để bà Ba cho vào tủ đông. Vợ chồng Gia thì “đảm nhận” việc chăm sóc, thu hoạch vườn rau củ quả… Sau đó, tin nhắn gửi đến nhóm Zalo về việc “mua ghi sổ” các mặt hàng thiết yếu trong tiệm tạp hoá của bà Ba, hàng đông lạnh của vợ chồng Biên cùng mớ rau củ quả miễn phí thu hoạch từ vườn bà Thu… Bà con khu chung cư đọc tin nhắn, dè dặt đặt hàng. Một mình bà Ba đảm nhận tất cả công việc, từ kiểm tra tin nhắn đến lấy hàng bỏ bao, xách đi giao. Thím Năm tổ trưởng và vợ chồng thằng Gia thì đảm nhận “khâu cung ứng”. Và rồi, dẫu biết danh sách “ghi sổ” đã dài như sớ Táo, nhưng bà con trong khu phố vẫn phải tiếp tục đặt mua. Bởi, đó có lẽ là giải pháp cuối cùng khi tiền trong nhà đã cạn, mà người ta đâu thể nhịn ăn mãi cho qua ngày…

Có những lúc bà Ba đưa cho thím Năm tổ trưởng cuốn “sổ nợ”, qua cánh cửa. Cả hai nhìn nhau, biết mình không có đủ… can đảm để tổng kết lại số tiền ghi trong sổ, nhưng đồng thời cũng biết mình không thể ngừng… bán thiếu. Bà Ba và thím Năm chắc lưỡi, nói như cùng lúc:

- Thôi kệ, tới đâu thì tới, dù gì cũng là bà con mình…

Một tuần sau khi thành phố ngưng lệnh giãn cách, ông Ba về. Tay ôm chậu đất có cây thuỷ tiên mọc chồi non hơn một gang tay, ông gãi gãi đầu:

- Tôi gieo mấy đợt củ, chăm dữ lắm mà mới lên được cái chồi này, không biết khi nào mới ra hoa nữa…

Bà gắng gượng mỉm cười, đưa ông Ba coi quyển sổ. Ông còn chưa hiểu ất giáp gì thì bà nói sơ qua cho ông về việc bà và thím Năm tổ trưởng đã làm trong mùa dịch mà “giấu” ông. Tưởng ông sẽ sửng sốt, sẽ nổi giận lôi đình trước cái danh sách ghi nợ dài còn hơn sớ Táo, nào ngờ ông nói nhẹ bâng:

- Bà với thím Năm làm như vậy là chí phải. Giúp được bà con mình qua cơn ngặt nghèo là tốt rồi, mấy chuyện khác, từ từ tính…

Nói xong, ông Ba đặt chậu cây thuỷ tiên lên cửa sổ, vô nấu ấm nước, vừa pha trà vừa kể về những ngày ông trực ở chốt dân phòng. Bà nghe ông nói, cảm giác bâng khuâng mà nhẹ nhàng, bình yên như chưa hề trải qua trận đại dịch nào.

Vợ chồng thằng Biên đến tiệm chở cái tủ đông đi để bắt đầu lại việc buôn bán trong chợ đầu mối. Bà Ba đưa ra toa bán thiếu, họ nhìn nhau, rồi lại nhìn bà, tất cả cùng mỉm cười, bởi trong tình cảnh đó, cũng không thể giải quyết được gì hơn.

Sáng nay bà thức sớm, lau dọn lại tiệm, dù gì thì cũng phải lấy hàng để bắt đầu buôn bán lại. Khi lau chỗ cửa sổ, bà Ba hơi ngẩn người một lúc rồi kêu lên:

- Ông ra đây mà coi, cây thuỷ tiên của ông ra nụ rồi nè…

Không có tiếng ông Ba trả lời, mà là giọng vợ thằng Hưng sống ở khu chung cư nói như reo:

- Hoa thuỷ tiên mà nở là may mắn lắm đó nghen dì Ba, con nghe nói vậy đó…

Nói đoạn, vợ thằng Hưng móc tiền trong túi ra, dè dặt đưa cho bà Ba:

- Chồng con mới ứng lương, con gửi dì tiền. Con biết nhiêu đây không thấm gì so với số tiền con mua thiếu dì trong mùa dịch, nhưng… con đi làm lại nữa là sẽ từ từ trả hết cho dì. Dì thông cảm cho vợ chồng con nghen!

Vợ thằng Hưng đi rồi, bà nhìn qua một lượt cửa tiệm vừa mới lau xong, rồi tiến đến ngắm cái nụ hoa be bé mới nhú lên, vừa như mong manh vừa như mạnh mẽ. Bà chợt thấy mừng là bà đã duy trì được cái tiệm tạp hoá của mình để cùng bà con trong khu chung cư cũ này vượt qua đại dịch. Dẫu chật vật, nhưng đã nương tựa vào nhau mà vượt qua lúc khó khăn.

Còn chồi thì sẽ lên cây, lo gì…

 

​Truyện ngắn của Ðoàn Ngọc

 

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương