Minh họa: Minh Tấn |
Hôm đó, trời mưa thật lớn. Mới tờ mờ sáng, Năm Thành đã đến phòng 13, dúi vào tay chị bếp vài trăm ngàn đồng, rồi biểu: “Em mua thêm mớ rau, chút thịt, ít trái cây cho bữa cơm hôm nay thêm tươm tất”. Chị bếp ngơ ngác chút xíu rồi chợt tỉnh queo, vì nghĩ, đây không phải lần đầu Năm Thành làm những chuyện lạ đời như vậy.
Người ta nói, ông Năm Thành mắc nợ người điên, là bạn của người điên, ân nhân của người điên… và ông còn điên hơn cả người điên. Những việc Năm Thành làm cho trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần vừa độc đáo, vừa lạ thường như chính con người của ông: trầm lặng, ít nói, quyết đoán, mạnh mẽ, lại giàu lòng nhân ái.
Không ai biết quê gốc Năm Thành ở đâu, không nhớ ông đã bao nhiêu tuổi, nhưng khi ông đến đây thì tóc vẫn còn đen sậm, đôi mắt sáng thấp thoáng nỗi niềm riêng, bây giờ thì tóc ông đã điểm bạc, đeo kính lão nhưng vẫn còn đó nét phong trần, bụi bặm. Năm Thành không vợ con, là bộ đội xuất ngũ sau khi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Cái uy của Năm Thành đối với người tâm thần thì khỏi phải bàn, nếu ông xếp thứ nhì thì không ai dám đứng vị trí đầu tiên. Ở đây, từ việc cho người bệnh uống thuốc, ăn uống, vệ sinh, lao động phục hồi chức năng… đến cả những việc không có tên đều do một tay Năm Thành đảm đương.
Suốt mấy đêm liền Năm Thành không sao chợp mắt. Chưa bao giờ trong cuộc đời ông đứng trước khó khăn bởi sự lựa chọn hay quyết định một vấn đề gì. Với ông, mọi việc đều đơn giản như chính con người ông. Nhưng mấy ngày qua thì khác, nhất là khi ông chở bà Hoa từ bệnh viện tỉnh trở về trên chiếc xe gắn máy cà tàng, một câu nói vô tình của người phụ nữ trung niên làm Năm Thành trằn trọc mãi: “Em biết mình bệnh nặng lắm, khó qua khỏi. Nếu được làm vợ anh thì…”. Bà Hoa khóc nghẹn, ngập ngừng, bỏ lửng câu nói giữa chiều.
Bà Hoa được chồng đưa vào trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần gần 20 năm trước. Cũng ngần ấy thời gian, không một lần người thân trở lại thăm nom. Những ngày đầu mới đến đây, cứ cách tuần bà viết một lá thư gửi cho đứa con gái độc nhất của mình rồi nhờ Năm Thành đem ra bưu điện xã. Năm rộng, tháng dài trôi đi, sự chờ đợi hồi âm của đứa con gái trở nên mỏi mòn. Buồn. Tuyệt vọng. Căn bệnh càng thêm trầm trọng, bà Hoa thường hay nói chuyện một mình, cười, hát vu vơ, có khi lên cơn còn đập phá đồ đạc. Cách nay lâu lắm, Năm Thành đem về cho bà lá thư, nét chữ tròn vo màu mực tím được viết trên trang giấy trắng học trò, bà Hoa mừng phát khóc, cứ đọc tới đọc lui, đọc cả ngày lẫn đêm, đến nỗi thuộc nằm lòng từng lời của lá thư dài, rồi bà đem khoe với mọi người: “Thư của con gái tôi nè! Nó dặn tôi uống thuốc đúng giờ, nhớ ăn uống, nghỉ ngơi để mau khỏi bệnh. Hết bệnh sẽ được trở về nhà!”.
Cũng từ ngày hôm đó, bà Hoa tươi tỉnh hẳn, không chờ Năm Thành nhắc uống thuốc, ít nằm vùi trong phòng như trước mà hăng hái đi làm cỏ, tưới rau, phụ giúp chị bếp rửa chén, nấu cơm, có khi cao hứng bà còn làm thơ, ngâm thơ cho mọi người nghe… Bà Hoa thường viết thư cho con gái hơn, vài tuần lại nhận được hồi âm một lần. Không lâu sau đó, bà Hoa tình cờ coi tập vở của đứa con gái chị bếp thì phát hiện nét chữ tròn vo, cũng màu mực tím, nhìn y chang chữ viết đứa con gái của bà trong thư… Như linh cảm được điều gì, bà tuyệt vọng cực độ, gào thét, chửi Năm Thành là thứ lừa đảo, trách chồng con là kẻ vô tình. Mấy ngày liền sau đó bà Hoa không uống thuốc, không ăn uống, nằm lì trong phòng, bệnh tình trở nặng, Năm Thành dùng mọi cách khuyên bảo nhưng không lay chuyển.
Nếu bà Hoa buồn một thì Năm Thành phải buồn đến mười. Chuyện “lá thư giả” mà Năm Thành nghĩ ra là cách để bà Hoa được vui hơn, có niềm tin hơn trong cuộc sống mà vượt qua bệnh tật. Nào dè, sự thật bị phát hiện, bệnh tình của bà Hoa thêm xấu đi, Năm Thành hối hận, tự thấy trách nhiệm của mình trong đó. Mỗi lần nhìn bà Hoa khóc, Năm Thành cứ mãi dằn vặt nhớ về người yêu cũ năm nào, cũng ánh mắt đó nhìn thẳng về ông như trách móc, như muốn nói thật nhiều điều. Ngày xưa Năm Thành từng yêu say đắm một người con gái cùng quê, hai gia đình đã chọn được ngày cưới thì Năm Thành nhận được lệnh nhập ngũ. Năm Thành thưa chuyện với gia đình, xin hoãn ngày cưới đến khi ông hoàn thành nghĩa vụ trở về. Năm Thành dự cảm chuyến đi này sẽ khó có ngày trở về, ông sợ đám cưới sẽ bó buộc, làm lỡ thì một đời con gái, người mà ông yêu quý nhất trên đời. Khi Năm Thành xuất ngũ trở về thì mộ người yêu của ông đã xanh cỏ vì một căn bệnh. Trái tim Năm Thành tan nát, chai sạn, chẳng còn chỗ đặt để vị trí cho một người phụ nữ nào khác. Là người dạn dày sương gió, từng đối diện súng đạn của kẻ thù nhưng Năm Thành không hề hấn; bao thách thức trong cuộc đời này ông còn xem nhẹ, vậy mà bây giờ ông lại sợ nước mắt của một người đàn bà.
Căn bệnh thần kinh chưa giảm thì cơn suy tim của bà Hoa ngày càng diễn biến xấu, bà được trung tâm chuyển lên bệnh viện tỉnh, Năm Thành là người đi theo chăm sóc. Hàng ngày, Năm Thành ăn mì gói, cơm từ thiện, nằm chờ trên chiếc chiếu phía hành lang bệnh viện. Bà Hoa ăn cháo thịt bằm, uống sữa bò, Năm Thành quan tâm đến từng viên thuốc, giấc ngủ, những người xung quanh khen Năm Thành là người chồng chu đáo, hết mực chăm lo cho vợ... Bà Hoa nghe hết, mỉm miệng cười, trong lòng như vơi bớt cơn giận vừa rồi. Lâu dần, bà không còn nhắc đến người thân, không viết thư cho đứa con gái. Cũng từ lần đó, hễ bà Hoa trở bệnh, mặc nhiên Năm Thành là người cận kề chăm sóc, đến nỗi ở bệnh viện có người còn lầm tưởng bà là vợ của ông.
***
Năm Thành tự kê bàn ghế, sắp xếp chỗ ngồi; giăng vài sợi dây kim tuyến cũ mèm lơ lửng ngoài cửa sổ phòng 13; ông đội mưa ra vườn hái thêm bó hoa dại; thay bộ đồ cựu chiến binh… Chỉ mới chiều hôm qua, Năm Thành đem ý định cưới bà Hoa làm vợ nói với lãnh đạo trung tâm: “Tôi mượn phòng 13, mượn bữa cơm hàng ngày của bệnh nhân để tuyên bố thành hôn với bà Hoa. Chồng vợ trên danh nghĩa thôi, đây là ý nguyện của bà ấy. Tôi hứa, không làm gì ảnh hưởng đến trung tâm!”. Có người đồng ý, cũng có người bàn ra, nhưng với bản tính cương quyết của Năm Thành, mọi người đành miễn cưỡng đồng ý. Vì họ hiểu tính cách của Năm Thành, đã quyết điều gì rồi thì phải làm đến cùng, không cho ông tuyên bố thành hôn ở đây thì Năm Thành cũng sẽ tìm nơi khác. Ông làm việc tại đây ví như cái nghiệp, cái duyên định sẵn. Vả lại, ông làm không vì đồng lương èo uột, mà vì cái tình đối với hàng trăm bệnh nhân tâm thần.
Trời đã tạnh mưa. Bữa cơm phòng 13 hôm nay thật đặc biệt. Ðặc biệt không phải chế độ ăn có thêm nhiều thịt cá, trái cây. Không phải sợi dây kim tuyến treo tòn ten ngoài cửa sổ. Cũng không phải bó hoa dại mộc mạc… Ðặc biệt ở cách ăn mặc tươm tất của Năm Thành, của bà Hoa so với ngày thường. Ðặc biệt khi những bệnh nhân không mất trật tự, nhốn nháo như các bữa cơm thường thấy. Càng đặc biệt hơn là gần 20 năm qua, lần đầu tiên Năm Thành ngồi ăn cơm cùng một bàn với bà Hoa tại phòng 13 này.
Mọi người im lặng như chờ đợi. Năm Thành nắm tay bà Hoa đứng lên giữa bàn ăn, lấy từ túi áo ra đôi nhẫn cưới năm nào đeo vào ngón tay của bà Hoa, rồi mở lời: “Hôm nay, trước mặt mọi người tôi xin tuyên bố thành hôn với em Hoa. Từ nay, chúng tôi chính thức trở thành chồng vợ! Cảm ơn mọi người đã chứng kiến!”. Ngập ngừng hồi lâu, Năm Thành tiếp lời: “Thôi, chúng ta ăn cơm. Muộn rồi!”.
Mọi người đều vỗ tay chúc mừng, chị bếp đứng kế bên cũng không giằn được xúc động. Bà Hoa gục đầu xuống bàn nức nở, bàn tay xoa xoa lên chiếc nhẫn cưới. Một bệnh nhân bước đến trước mặt Năm Thành nở nụ cười vô hồn, tháo trên tay chiếc nhẫn bạc đen sì, rồi nói: “Ðám cưới thì phải có quà chứ, em tặng anh Năm”. Một người khác lại bước tới, lấy điếu thuốc hột xoàn mồi lửa đưa Năm Thành: “Em chỉ có điếu thuốc làm quà!”. Lại một người mà ngày thường đều mang cơm vào nhà vệ sinh ăn thì hôm nay cũng chịu ngồi bàn ngồi ghế, vẫy vẫy tay hướng về Năm Thành chúc mừng… Thêm một người nữa bỏ đũa giữa chừng, ôm cây đàn guitar, ngân nga lời bài nhạc: “Xây giấc mộng ban đầu, yêu người thuở mới đôi mươi, em đang độ trăng tròn …”. Bỗng dưng có một giọng nói vang vang: “Ðám cưới mà hát bài Ðắp mộ cuộc tình, đúng là thằng tâm thần!”.
Một người tâm thần chê người khác bị tâm thần, Năm Thành bật cười, nghĩ thầm trong dạ: Họ đều là bệnh nhân tâm thần, nhưng người tâm thần ở đây cũng có tình nghĩa lắm chứ! Ðối với họ, chiếc nhẫn bạc đen sì đeo trong tay từ năm này đến năm khác là tài sản quý giá, vận động mãi vẫn không chịu tháo bỏ, vậy mà hôm nay lại tự nguyện làm quà cưới. Ðiếu thuốc hột xoàn không bao giờ chia sẻ cho ai, vậy mà cũng mang đến tặng mình. Lại có đứa thay đổi thói quen ăn cơm trong nhà vệ sinh vì muốn chứng kiến niềm vui ngày cưới… Kể cả bà Hoa, một người đàn bà hay nhớ nhớ, quên quên nhưng lại trọng tình mẫu tử. Rồi Năm Thành tự ngẫm: Trong cuộc đời này, không ít người rất bình thường, thậm chí thành đạt nhưng cách hành xử còn thua cả người điên!
Ðám cưới không trầu cau, không đôi đèn, không rượu lễ, không họ hàng thân tộc, không động phòng… đã kết thúc chỉ sau bữa cơm. Có lẽ, sẽ có nhiều người vội quên về một đám cưới lạ lùng, chóng vánh đến vậy, huống hồ những người chứng kiến đều là bệnh nhân tâm thần. Riêng Năm Thành thì khác, ông đã xem bà Hoa là vợ của mình từ trước khi có lời tuyên bố thành hôn.
Bà Hoa đã ra đi vĩnh viễn chỉ sau lễ thành hôn đúng một ngày. Bà mặc chiếc áo bà ba tím, nằm ngay ngắn trên giường như đang sẵn lòng đi vào giấc ngủ ngàn thu. Trên tay vẫn còn đeo chiếc nhẫn cưới bé xinh và cầm bó hoa dại của Năm Thành trao tặng. Nét mặt của bà vui không gợn chút bụi trần./.
Truyện ngắn của Ðỗ Công