Về Tân Hải những ngày cuối năm, thấy lòng phơi phới trước những đổi thay ở vùng quê từng được đánh giá nghèo nhất tỉnh. Tết này, Tân Hải khánh thành trụ sở khang trang với vốn đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng và khu Trung tâm Văn hoá - Thể thao rộng trên 7.000 m2 được đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Về Tân Hải những ngày cuối năm, thấy lòng phơi phới trước những đổi thay ở vùng quê từng được đánh giá nghèo nhất tỉnh. Tết này, Tân Hải khánh thành trụ sở khang trang với vốn đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng và khu Trung tâm Văn hoá - Thể thao rộng trên 7.000 m2 được đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Năm 2003, xã Tân Hải được tách ra từ xã Phú Tân trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Dẫu rằng, từ trung tâm xã đi lên vài cây số là thị trấn Cái Đôi Vàm sầm uất và đi ngược xuống cũng chỉ vài cây số là xã Phú Tân nhộn nhịp, nhưng Tân Hải vẫn “mình ên một góc”. Vào xã phải đi bằng đò, đường nội bộ là những lối mòn luôn lầy lội khi trời mưa. Trẻ em đi học, người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh… phải đến xã Phú Tân. Đời sống người dân rất khó khăn, không ít hộ lâm cảnh nợ nần do sản xuất kém hiệu quả…
Cùng nhau chung sức
Chọn hướng đột phá, Đảng bộ và chính quyền địa phương từng bước quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Chủ trương đúng đắn của xã được Nhân dân ủng hộ, từ đó Tân Hải từng bước vươn lên.
Hiện tại, 8/8 ấp của xã Tân Hải đều có đường GTNT. |
Chủ tịch UBND xã Tân Hải Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Trước tiên, xã xác định khu vực nào là nuôi quảng canh, nuôi công nghiệp, khu vực nào là trồng rau màu, cây ăn trái… rồi quy hoạch cụ thể và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tăng gia sản xuất, thực hiện quy hoạch để sản xuất ổn định lâu dài”.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện xã cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đặc thù ở Tân Hải là đất ngập nước nên khi triển khai mô hình đa cây, đa con, trong đó có cây, con nước ngọt thì người dân phải đầu tư tốn kém để chống nhiễm mặn. Mặt khác, cán bộ phụ trách nông nghiệp thiếu và non kém trình độ nên việc đưa khoa học vào sản xuất chậm.
Cái khó nữa là dân di cư tự do trên địa bàn xã không ít, mà đa số họ là hộ nghèo, nên giải quyết vấn đề thoát nghèo cho các hộ dân này không phải dễ. Bên cạnh đó, khi triển khai nuôi tôm công nghiệp, dân trong khu quy hoạch thì thiếu vốn sản xuất. Ngược lại, hộ ngoài quy hoạch thì có khả năng đầu tư nên nảy sinh vấn đề tự phát nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch làm ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả sản xuất không cao.
Hơn nữa, thời điểm đó thu nhập đầu người ở đây không cao mà cùng lúc lại triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, vận động đóng góp xây dựng nhiều công trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương không đơn giản chút nào.
Tuy nhiên, đồng tình ủng hộ chủ trương của chính quyền, nhiều người đã tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, hiến đất xây dựng trạm y tế, trường học, mở lộ nông thôn… Ước tính tiền bồi hoàn (nếu phải chi trả) trên 20 tỷ đồng.
Từ “không” thành “có”
“Trước đây thấy rầu lắm, đường đất trơn trượt vào mùa mưa, điện sinh hoạt chủ yếu là chia hơi. Vùng này là nước ngọt, nhưng khi chuyển dịch sản xuất, nuôi tôm thì hiệu quả không cao do thiếu kinh nghiệm, người nuôi cá thì thu hoạch thấp do nước nhiễm mặn. Khi đó tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Còn bây giờ, đường bê-tông trải dài từ trung tâm xã về đến khu tái định cư tận ngoài biển, điện lưới quốc gia phục vụ tận nơi. Không chỉ nuôi thuỷ sản mà người dân còn tận dụng bờ liếp để trồng rau màu, cây ăn trái…”, ông Đinh Văn Rồi, Trưởng Ban Nhân dân ấp Công Nghiệp, phấn khởi cho biết.
Không chỉ có ấp Công Nghiệp mà hiện 8/8 ấp trên địa bàn xã đều có lộ nông thôn theo chuẩn nông thôn mới (NTM) với hơn 70 km. Xã cũng đã có tuyến đường ô-tô về đến trung tâm dài trên 5 km. 100% hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia, thu nhập đầu người đạt 26 triệu đồng/năm (tăng gấp 13 lần so với năm 2003). Giá trị sản xuất ngày càng tăng, bình quân trên 80 triệu đồng/ha. Mô hình trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước lợ, nuôi tôm công nghiệp, quảng canh cải tiến hằng năm đều phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,8% (năm 2003 là 33%), hộ cận nghèo dưới 5%. Trong năm 2014, Tân Hải thu ngân sách 650 triệu đồng (năm 2003 là 150 triệu đồng).
Toàn xã hiện có 1 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 4 trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường THCS, trong đó có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2014. Kinh tế hộ gia đình phát triển, đời sống được nâng lên, người dân quan tâm hơn đến công tác xã hội, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự địa phương, hạn chế các hoạt động tệ nạn xã hội.
Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hải Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Những năm qua, kinh tế liên tục phát triển, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Vì vậy, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương là vấn đề xã sẽ tập trung thực hiện. Tới đây, Tân Hải tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có hỗ trợ giống, vốn và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, chăn nuôi phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và có sự quản lý, quy hoạch vùng. Trong năm 2014, Tân Hải hoàn thành 13 tiêu chí NTM. Vì xin miễn tiêu chí xây dựng chợ nên xã quyết tâm trong năm 2015 thực hiện đạt thêm 5 tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn NTM"./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha