(CMO) Xuất phát điểm thấp, lại thiếu định hướng phát triển ngay từ đầu nên dù đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhưng trong nội tại những đô thị ven biển của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh.
Trong quá trình xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị cũng như đời sống người dân khu vực các đô thị ven biển thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong quản lý xây dựng của người dân, tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng không phép, trái phép diễn ra trong thời gian dài đã làm mất mỹ quan đô thị.
Bất cập trong quản lý xây dựng
Là hạt nhân lan toả trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời nói riêng và toàn tỉnh Cà Mau nói chung, thị trấn Sông Đốc có quy mô đánh bắt lớn và nhộn nhịp trong khu vực ĐBSCL. Với tiềm năng, lợi thế kinh tế biển dồi dào, thị trấn Sông Đốc đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước về đây đầu tư với đa dạng ngành nghề, từ đóng tàu, chế biến thuỷ sản cho đến các dịch vụ hậu cần nghề cá… Hiện tại, Sông Đốc có trên 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, hàng trăm công ty, cơ sở sơ chế hoạt động gần như không ngơi nghỉ. Từ đó, góp phần đưa thị trấn phát triển ngày một nhanh và sầm uất hơn. Tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh kéo theo nhiều khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình quản lý xây dựng đô thị Sông Đốc.
Nhiều công ty, xí nghiệp lần lượt mọc lên, tạo ra bước phát triển mới cho kinh tế - xã hội thị trấn Sông Đốc. |
Là đô thị loại IV nhưng hiện nay biên chế cán bộ, công chức của thị trấn Sông Đốc chỉ tương đương cấp xã, điều này dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong công tác quản lý trật tự đô thị. Theo ông Mã Minh Tâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng, việc quản lý trật tự đô thị, nhất là lĩnh vực xây dựng tại thị trấn Sông Đốc dường như quá sức, dẫn đến tình trạng nhà tự phát nhiều, tiêu biểu là khu vực quy hoạch mới phía bờ Nam Sông Đốc. Trước mắt cần cho thị trấn Sông Đốc cơ chế đặc thù hay ít nhất là tăng thêm cán bộ địa chính - xây dựng để thuận tiện hơn cho quản lý, còn như hiện tại là rất khó khăn.
Chính vì những khó khăn này mà tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép, trái phép tại thị trấn Sông Đốc diễn ra rất nhiều và từ rất lâu. Tiêu biểu tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão Sông Đốc, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009-2018, tình trạng xây dựng lấn chiếm với diện tích hơn 12.296 m2. Ngoài ra, xây dựng không phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, khu vực công cộng để mua bán còn khá phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị.
Không riêng đô thị biển Sông Đốc mà các đô thị ven biển khác trong tỉnh đều có chung thực trạng về quản lý xây dựng. Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: "Trước đây, tình trạng xây dựng vi phạm, lấn chiếm trên địa bàn thị trấn cũng diễn ra khá phổ biến, nhưng thời gian gần đây đã đi vào nền nếp. Tất cả các trường hợp xây dựng phải có giấy phép, phải trong quy hoạch. Thị trấn quyết tâm đến cuối năm 2022 đạt chuẩn đô thị văn minh".
Các công trình tại thị trấn Cái Đôi Vàm đang được quản lý chặt để không xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép. |
Thiếu sự kết nối
Các đô thị ven biển đang tiếp tục phát triển nhanh và khẳng định được vị thế trung tâm kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quan, quá trình phát triển các đô thị ven biển còn thiếu sự liên kết với nhau, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Sự gắn kết kinh tế của các khu vực ven biển còn thiếu đồng bộ, làm cho kinh tế biển chưa thực sự trở thành động lực và tác động lan toả đến các lĩnh vực khác.
Cùng nằm dọc theo tuyến biển Tây và chỉ cách nhau khoảng 20 km nhưng việc giao thương, mua bán hàng hoá cũng như các sản phẩm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân Cái Đôi Vàm với Sông Đốc vô cùng khó khăn. Thời gian qua, các hoạt động này chủ yếu diễn ra bằng đường thuỷ, còn đường bộ phải đi một vòng rất xa. Theo ông Yên tính toán, các sản phẩm khai thác của ngư dân vận chuyển bằng đường thuỷ chi phí cao gấp 3 lần so với đường bộ. Nếu có đường trên tuyến đê biển Tây sẽ kết nối các đô thị ven biển thì vô cùng tuyệt vời và là điều mong mỏi của tất cả mọi người. Nó không chỉ giảm chi phí rất lớn cho ngư dân mà còn góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển theo.
Dự án nâng cấp đê biển Tây mà tỉnh đang triển khai phần nào đáp ứng mong mỏi này của người dân ven biển. Tuy nhiên, dù đã dồn toàn lực nhưng đến nay chỉ khoảng một nửa tuyến biển Tây từ Tiểu Dừa, giáp ranh tỉnh Kiên Giang, đến thị trấn Sông Đốc có đường bê-tông rộng 5,5 m. Cụ thể, trong số chiều dài hơn 108 km của tuyến đê biển Tây đến nay đã có khoảng 54 km có đường bê-tông kết nối nhiều điểm dân cư, trung tâm xã, cửa biển. Các đoạn còn lại được tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư. Nếu hoàn thành toàn tuyến đê biển Tây không chỉ tạo ra lợi thế về giao thông, thương mại mà còn là nền tảng để thúc đẩy phát triển cả về du lịch, một lĩnh vực được xác định là mũi nhọn kinh tế.
Khai thác thuỷ sản hiện nay vẫn là lĩnh vực chủ lực của tất cả các đô thị và khu dân cư ven biển. Tuy nhiên, nhiều cửa biển trên địa bàn tỉnh đã bị bồi lắng, chưa được nạo vét, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngư dân. Cửa biển Cái Đôi Vàm là một trong số ấy. Ông Yên cho biết, hiện nay phương tiện trên 12 m vào cửa biển vô cùng khó khăn, chỉ vào được khi nước lớn, còn các phương tiện trên 15 m thì không thể. Toàn thị trấn có 85 phương tiện trên 15 m và 3 phương tiện trên 24 m, nhưng mấy năm nay không vào cửa biển Cái Đôi Vàm mà vào cửa biển Sông Đốc hay Khánh Hội. Thực trạng này không chỉ khiến các phương tiện khai thác gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng lớn công ăn việc làm, chi phí, thu nhập của người dân.
Việc phát triển kinh tế của các đô thị ven biển chưa thực sự có tính liên kết, chưa tạo thành chuỗi kết nối giữa các xã, huyện có biển, do đó chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Ông Mã Minh Tâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, tỉnh đã cho chủ trương thành lập đồ án phân loại đô thị toàn tỉnh, trong đó có các đô thị ven biển. Hiện Sở Xây dựng đang tiến hành quy hoạch lại đô thị Sông Đốc. Trong tương lai Sông Đốc sẽ trở thành thị xã với phương án quy hoạch đang tiến tới là ghép thị trấn Trần Văn Thời vào.
Nguyễn Phú
BÀI CUỐI: HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN “XANH”