(CMO) Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản không chỉ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ của cộng đồng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN TP Cà Mau Huỳnh Trúc Duyên cho biết, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội LHPN Việt Nam - Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng giai đoạn 2017-2020, Hội LHPN TP Cà Mau đã chủ động triển khai và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chủ động tuyên truyền
Hội LHPN TP Cà Mau đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và thành phố đến 100% Hội LHPN xã, phường. Từ đó, Hội LHPN xã, phường tiếp tục tuyên truyền đến tất cả các chi hội, tổ hội phụ nữ về vấn đề an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng.
Tạo ra sản phẩm sạch là tiền đề góp phần thực hiện chương trình OCOP. Ảnh: PHƯƠNG LÀI |
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cấp Hội LHPN tổ chức tuyên truyền đến từng hội viên, phụ nữ thông qua các cuộc họp chi, tổ hội. Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng với nội dung cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và phong trào chống rác thải nhựa. Đặc biệt, Hội LHPN TP Cà Mau còn lồng ghép tuyên truyền nội dung sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng với các tiêu chí có liên quan trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và phường đô thị văn minh, như tiêu chí kinh tế tập thể và tiêu chí môi trường.
Ngoài việc tuyên truyền thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội; phát tờ rơi, hội còn phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Cà Mau tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; cộng tác tin, bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử thành phố, báo Cà Mau... tham gia hưởng ứng tích cực tháng hành động “Vì an toàn vệ sinh thực phẩm”… Nhờ đó, công tác tuyên truyền kịp thời, hiệu quả và có sức lan toả mạnh mẽ.
Xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn
Đây là vấn đề quan trọng, được Hội LHPN TP Cà Mau đặc biệt quan tâm trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đến nay, các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cà Mau đã xây dựng được 18 mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm, với 1.097 thành viên tham gia. Điển hình như mô hình “Bếp ăn an toàn” tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố; mô hình “Quán ăn, uống hợp vệ sinh” trên địa bàn các phường; mô hình “Tổ phụ nữ 2 dao 2 thớt” tại xã Tân Thành; mô hình “Tổ hợp tác liên kết nuôi sò huyết” tại xã Hoà Tân; "Tổ hợp tác làm chả và khô cá phi" xã Hoà Thành; “Hợp tác xã cốm gạo” phường Tân Thành; "Tổ hợp tác chăn nuôi gà” xã Định Bình, xã An Xuyên; “Tổ làm cua thành phẩm” xã Hoà Tân; “Tổ trồng rau sạch VietGAP” xã Lý Văn Lâm…
Bà Huỳnh Trúc Duyên cho biết thêm: “Bên cạnh việc xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm, đã qua Hội LHPN thành phố còn thí điểm xây dựng mô hình "Vận động phụ nữ giám sát an toàn thực phẩm tại xã Lý Văn Lâm, có 20 thành viên tham gia. Đây là mô hình mới, vừa phát huy vai trò của tổ chức hội phụ nữ, vừa góp phần cùng với UBND xã thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn và sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.
Thành công mang lại từ các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm đã làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, tạo ra những sản phẩm sạch, nâng cao giá trị cạnh tranh, là tiền đề góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn TP Cà Mau. Đến nay, nhiều sản phẩm như rau sạch, gạo sạch, dưa hấu VietGAP tại xã Lý Văn Lâm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng lựa chọn.
Bà Huỳnh Trúc Duyên cho rằng, đạt được những kết quả quan trọng về công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng là do sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Hội LHPN tỉnh Cà Mau, Thành uỷ, UBND TP Cà Mau. Đặc biệt, Chương trình "Phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng" phù hợp với nguyện vọng chính đáng của toàn dân nên nhận được sự ủng hộ, nhiệt tình tham gia của các cấp, các ngành địa phương và đông đảo hội viên phụ nữ. “Trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức.
Đó là, nông sản thực phẩm được sản xuất kinh doanh theo các mô hình bảo đảm an toàn còn ít; số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn nhiều; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức về thông tin thị trường, nguồn vốn, con giống, cây giống… nhất là khó khăn về giá khi chưa xây dựng được chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm sạch. Từ đó, thực tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch chi phí cao nhưng khi tiêu thụ lại cùng giá, hoặc giá thấp hơn so với các sản phẩm thông thường”. Đó là những khó khăn, thách thức mà các cấp Hội LHPN trên địa bàn TP Cà Mau phải kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới./.
Phúc Danh