(CMO) Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc quản lý, hỗ trợ đối tượng nghiện tái hoà nhập cộng đồng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, với những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn.
Có thể nói, người cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng là một trong những đối tượng khó quản lý nhất. Vì người sau cai nghiện thường có thái độ mặc cảm, không muốn tiếp xúc với cộng đồng, trình độ học vấn và tay nghề thấp, thường xuyên giao du với nhóm người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa những người lầm lỡ làm lại cuộc đời, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng.
Nhân rộng những mô hình “tai, mắt”
Ðiển hình là mô hình “Hỗ trợ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng” trên địa bàn Phường 9, TP Cà Mau, do Ðội Công tác xã hội tình nguyện thực hiện. “Vai trò của đội là tai, mắt và là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương trong việc truyền tải các chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Những năm qua, đội luôn làm tốt vai trò cầu nối, đồng thời tuyên truyền về tác hại của ma tuý và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp cận, tư vấn, giáo dục người nghiện ma tuý tự nguyện cai nghiện tại gia đình, sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng”, ông Mai Văn Thiệt, Ðội trưởng Ðội Công tác xã hội tình nguyện Phường 9, cho biết.
Ðội công tác xã hội tình nguyện Phường 9 họp triển khai kế hoạch hỗ trợ các đối tượng sắp tái hoà nhập cộng đồng.
Trên cơ sở thông báo của cơ sở cai nghiện ma tuý gửi về UBND phường, đối với những học viên sắp chấp hành xong thời gian cai nghiện trở về địa phương, Ðội Công tác xã hội tình nguyện đã chủ động phối hợp với gia đình trong việc tiếp nhận học viên tái hoà nhập cộng đồng. Khi người sau cai nghiện trở về hoà nhập cộng đồng, tuỳ theo độ tuổi, giới tính, Ðội Công tác xã hội tình nguyện sẽ tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện; đồng thời, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người sau cai nghiện để kịp thời tư vấn việc làm, hoặc giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề.
“Ðể chủ động trong việc hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý tìm việc làm, Ðội Công tác xã hội tình nguyện đã chủ động trong việc liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động, trình độ, tay nghề... Ðồng thời, vận động họ sử dụng lao động là người sau cai nghiện”, ông Thiệt cho biết.
Bên cạnh đó, Ðội Công tác xã hội tình nguyện còn phối hợp với công an phường, các trưởng khóm, nắm bắt thông tin, diễn biến về quá trình chấp hành các quy định về quản lý sau cai nghiện để có biện pháp giáo dục kịp thời. Với những việc làm cụ thể như trên, thời gian qua, Ðội Công tác xã hội tình nguyện Phường 9 đã tiếp cận, tư vấn, giáo dục, giúp đỡ 9 người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Kết quả, 8 người có tiến bộ rõ rệt và 1 người từ bỏ hẳn ma tuý, có việc làm và thu nhập ổn định.
Ngoài mô hình tại Phường 9 từng bước khẳng định hiệu quả tích cực, mô hình “Ðiểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng” trên địa bàn Phường 4, TP Cà Mau và thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, bước đầu hoạt động mang lại hiệu quả trong việc giúp đỡ người nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng.
Dù được đào tạo nghề nhưng khi tái hoà nhập cộng đồng, các đối tượng này vẫn khó tìm được việc làm.
Giải quyết những khó khăn trước mắt
Bên cạnh những thuận lợi, công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2022 là năm đầu thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều vướng mắc.
Theo ghi nhận tại các địa phương, công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng mang lại hiệu quả chưa cao do chưa được đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Người nghiện ma tuý và gia đình người nghiện ma tuý thiếu hợp tác trong việc khai báo tình trạng nghiện và đăng ký cai nghiện tự nguyện. Người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng không thực hiện trình báo với chính quyền địa phương, không có việc làm ổn định, thường xuyên bỏ nơi cư trú... nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Các đội hoạt động tình nguyện mang lại hiệu quả cao nhưng hiện nay gặp khó khăn trong quá trình hoạt động do không đảm bảo kinh phí...
Ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trong thời gian tới, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân viên y tế thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện và điều trị nghiện; thành lập điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc kêu gọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ nêu trên. Ðồng thời, chỉ đạo các đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người sau cai nghiện để kịp thời tư vấn, hỗ trợ, phòng, chống tái nghiện.
Chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... đóng trên địa bàn hoặc địa bàn lân cận để giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện; tạo điều kiện để người sau cai nghiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, để họ có thể tự kinh doanh, mua bán, tự tạo việc làm cho bản thân.
Hiện còn một số cơ sở y tế chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone chưa bao phủ hết địa bàn các huyện; cơ sở chỉ đặt tại trung tâm y tế các huyện, thành phố dẫn đến những đơn vị có địa giới hành chính rộng, điều kiện đi lại khó khăn sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ của người nghiện; số liều điều trị theo chỉ tiêu (250 liều/năm) như hiện nay chưa đáp ứng cho việc điều trị nghiện bằng chất thay thế so với số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý... Trước thực trạng đó, ông Tình cho rằng: “Thời gian tới, cần quan tâm đầu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế nhằm đảm bảo các cơ sở y tế đều thực hiện được chức năng xác định tình trạng nghiện. Mở rộng mạng lưới cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone bao phủ hết các huyện; thí điểm mở các điểm cấp phát thuốc Methadone tại những địa bàn có nhiều người nghiện ma tuý và cấp phát liên xã. Nâng chỉ tiêu số liều Methadone nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị thay thế chất gây nghiện, phục vụ công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng”.
Thiết nghĩ, với những giải pháp đồng bộ sẽ giúp người sau cai nghiện sớm tái hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Còn đối với những đối tượng đang có nguy cơ sa đà vào ma tuý hãy sớm quay đầu, đừng để bản thân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội./.
Kim Cương