ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 18:39:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thân quen ván ngựa

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi lần về thăm má dưới quê, tôi thường tranh thủ ngả lưng trên bộ ván gõ trước nhà, làm một giấc trưa nhè nhẹ. Bộ ván đặt sát hai cửa sổ, một phía trước mặt gió và một bên hông nhà, gió thổi vào lồng lộng. Ván gõ mát lạnh, nằm rất thích, lại dễ ngủ. Và quan trọng hơn, bộ ván ấy gắn liền với nhiều kỷ niệm của gia đình tôi, đã nhiều năm rồi vẫn chưa phai nhạt.

Vùng nông thôn, bộ ván ngựa gắn bó với đời sống, sinh hoạt của mọi gia đình, đây là không gian ấm cúng của tình thân.

Mùa hè năm đó, khoảng chừng 1990-1991, trong một chiều mưa nặng hạt, ba tôi chèo xuồng đi đâu đó, khi quay về thì dắt theo một chiếc ghe bự chảng. Ba lên nhà hối các anh trai dời mấy bao lúa trong góc nhà, tôi thì được giao chạy sang hàng xóm mượn thêm mấy tay lực điền tới nhà có việc. Cả nhà chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chỉ biết răm rắp làm theo. Lát sau, ba tôi mỉm cười nhìn má, bật mí: “Tui kêu ghe về mua bộ ván gõ”.

Bộ ván gõ ba mua là “ván tư”, tức gồm 4 tấm, màu đỏ au. Ván gõ rất nặng, bốn người rinh một tấm mà còn è ạch. Cũng trong lần “chịu chơi” đó, ba tôi mua thêm bộ ván bằng cây sơn đá. Ván sơn đá cũng nặng, gỗ khá tốt, nhưng giá chỉ bằng phân nửa bộ ván gõ. Vậy đi tong khoản thu nhập trong cả mùa lúa của gia đình, nhưng ai cũng vui, vì nhà nào sở hữu bộ ván gõ những năm đó thuộc vào hàng “sang chảnh”.

Hôm sau, ba sai tôi bơi xuồng gần hai cây số qua xóm bên, tới nhà ông anh chú bác là thợ mộc lành nghề, nhờ đóng bộ chân ván. Vậy là đã có một “combo” hoàn chỉnh.

Nhà tôi khi đó còn vách cây, mái lá, khách đến chơi vừa ngạc nhiên, vừa thích thú vì trong nhà có bộ ván gõ “hoành tráng” như vậy. Thời đó, khi có tiền, người ta thường hay mua ti-vi, máy thâu băng để “theo phong trào”, nhưng ba tôi chọn mua hai bộ ván. Ba nói, ván mua là để “làm của”. Bộ ván gõ được đặt bên trái căn nhà, gần sát cửa chính là nơi ngủ, chơi đùa của bao thế hệ anh em, con cháu trong nhà.

Khách đến uống trà hay nhâm nhi vài ly rượu, ba tôi đều bày ra, thết đãi trên bộ ván gõ. Sau này, khi mùa màng khấm khá, nhà mua được cái ti-vi trắng đen, bộ ván là nơi để bà con hàng xóm tới, ngồi xem phim hay thưởng thức cải lương vào mỗi tối cuối tuần.

Ba mươi năm qua, căn nhà cơ bản ba má tôi cất sau khi mua bộ ván ấy vài năm, nay đã cũ, nhưng bộ ván gõ kỷ niệm vẫn nằm đúng vị trí ban đầu và còn rất tốt. Có lẽ, nó còn “phục vụ” các thành viên gia đình tôi trong nhiều năm sau nữa.

Không chỉ nhà tôi, mà với nhiều gia đình nông thôn khác, bộ ván ngựa là vật dụng thân quen, không thể thiếu trong nhà. Ván ngựa có chiều ngang chừng 1,5-1,6 m, dài khoảng 2 m tuỳ loại gỗ và kích thước của nó. Phổ biến nhất là ván tư, nhưng những nhà có điều kiện còn xài ván ba, ván hai, thậm chí là ván một (tức là một tấm duy nhất). Ván được đặt lên bộ chân gồm hai cái, mỗi cái có bốn chân hình thù giống cái lưng con ngựa, có lẽ vì thế mà được người ta gọi là “ván ngựa”.

Ai kinh tế khá giả thì mua ván tốt, ai kinh tế eo hẹp thì chọn các loại ván bằng gỗ ít chất lượng hơn; thậm chí là sử dụng gỗ tràm, gỗ đước sẵn có xả ra, bào nhẵn, đánh bóng làm ván ngựa.

Ðã ở nông thôn thì nhà nào cũng có ván ngựa, ít thì một, nhiều thì vài bộ. Ván tốt để nhà trên làm chỗ ngủ, tiếp khách; ván ít tốt hơn thì để nhà sau, dùng dọn cơm hay phục vụ các sinh hoạt chung của gia đình.

Những năm tôi còn là học sinh tiểu học, mỗi khi nhà ai có đám cưới, đám tang thì y như là ván ngựa trong xóm sẽ được “huy động” để phục vụ. Thời đó, bàn ghế rất hiếm, nên khi nhà có đám tiệc thì phải đi mượn ván ngựa của hàng xóm, lót thành hàng dài liền kề nhau cho khách quan ngồi. Nhà có đám, cánh thanh niên đi mượn ván, rinh ván, sắp xếp ván ra rạp cũng đủ lả mồ hôi.

Xong đám, gia chủ có nhiệm vụ lau rửa sạch sẽ rồi mang ván đi trả. Chính vì vậy, những gia đình có ván tốt thường làm dấu bằng chữ hoặc ký hiệu riêng ở mặt dưới, tránh gây nhầm lẫn; người đi mượn cũng phải để ý hoặc tự làm dấu để tránh  mang ván của nhà này trả qua nhà kia.

Cũng trong khoảng thời gian này, bộ ván ngựa chính là “nguyên liệu” để đóng áo quan cho người đã khuất. Thời đó kinh tế eo hẹp, giao thương khó khăn. Ba tôi kể, có những gia đình nghèo, không có ván ngựa làm hòm phải đi mua chịu, hoặc mượn đỡ của nhà hàng xóm. Rồi có khi thấy tang gia nghèo quá, bên cho mượn ván không đòi hỏi phải trả lại, nghĩa tử là nghĩa tận mà!

Có những đêm nghe tiếng búa đóng “cum cum” vọng lại từ xa, ba tôi lại bước ra sân, hóng nghe tiếng vọng từ hướng nào, rồi vô nhà thở dài vì biết có ai đó vừa qua đời. Tình nghĩa láng giềng, qua lại lâu năm, chỉ cần nghe hướng tiếng búa là có thể đoán người đã khuất là ai. Tiếng búa trong đêm là một âm thanh buồn. Chắc cũng vì lẽ đó mà người dân ở nông thôn rất kiêng kỵ chuyện động đinh, động búa vào ban đêm. Một món đồ muốn tháo, một cây đinh muốn đóng cũng phải chờ trời sáng.

Với những người có gốc gác nông thôn, thì những bộ ván ngựa đều có sự gắn bó trong đời sống, sinh hoạt, dù ít hay nhiều. Cho tới tận bây giờ, bước vào các căn nhà ba gian ở nông thôn, nhìn bên trái thì hầu như nhà nào cũng có một bộ ván ngựa. Vị trí ấy gần như mặc định, và bộ ván được chọn đặt ở vị trí ấy thường là tốt nhất trong nhà, giống như bộ ván gỗ của nhà tôi xưa. Trong các lễ giỗ, ngoài mâm cơm dành cho người đã khuất trên bàn thờ, bộ ván ngựa ở nhà trên là nơi bày mâm cúng ông bà tổ tiên, đất đai.

Nhiều gia đình nông thôn ưa sử dụng ván ngựa ở nhà sau, có khi là hai ba bộ nối tiếp nhau thành một dãy dài. Ðó là nơi các bà, các mẹ, các chị tề tựu gói bánh trái, chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng, bày biện mâm cỗ mỗi khi trong nhà có đám tiệc. Những dòng bột trắng tinh từ cái cối đá quay vù vù, tiếng dao thớt động nhịp nhàng; tiếng gọi nhắc việc, tiếng trêu đùa, tiếng cười của những người phụ nữ tạo thành một không gian ấm cúng của tình thân, những ai từng trải qua sẽ khó mà quên được.

Tuổi thơ tôi là những ngày ngủ trên ván, trong chiếc mùng má may; bữa cơm gia đình hàng ngày, cả nhà cũng quây quần bên nhau trên bộ ván ngựa bên chái nhà.

Thời gian trôi đi, ba tôi qua đời, những món đồ mua cùng thời ấy đã hư, hoặc không còn phù hợp để sử dụng, nhưng bộ ván gõ vẫn ở đó, vẫn là không gian sinh hoạt trang trọng của gia đình. Mỗi lần nhà có việc gì quan trọng cần bàn bạc, má gọi, anh em tôi lại có dịp tề tựu trên bộ ván kỷ niệm của ngày xưa.

Còn với riêng tôi, mỗi lần về quê, có thời gian nghỉ trưa hay ở lại qua đêm, tôi đều “xí phần” ngủ trên bộ ván gõ trước nhà. Nằm nghe hơi ván mát lạnh, bên tai là tiếng gió xào xạc trên mấy ngọn dừa bên hiên nhà, tiếng nước tí ta tí tách rơi trên cái cối đá giã gạo hứng đầy nước mưa, tiếng côn trùng trỗi nhạc râm ran trong đám rau gần cửa sổ, tôi ước cái âm thanh thanh bình của làng quê ấy có thể “gói” lại được và mang về thành phố, đêm đêm mở ra thưởng thức thì không gì hạnh phúc cho bằng./.

 

Ngọc Trâm

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.