ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 17:38:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thằng nhỏ mê nghề báo

Báo Cà Mau (CMO) Nghèo… Suốt thời tuổi thơ vất vả, thiếu thốn… Lớn lên sớm lao vào công việc nặng nhọc, bươn chải kiếm tiền… Nhưng thằng nhỏ có một niềm đam mê là thích đọc báo, làm báo… Để rồi một ngày kia, nhìn thấy bài viết mang tên mình trên trang báo, thằng nhỏ mừng rớt nước mắt, vì đó là thật chớ nào phải mơ.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Quê thằng nhỏ ở vùng sâu, là vùng quê nghèo. Lại là vùng quê ít được tiếp cận với báo, đài. Nhớ lúc còn nhỏ, mỗi lần muốn xem vô tuyến, thằng nhỏ phải lội bộ lên nhà ông chủ tịch xã cả chục cây số để xem. Còn muốn xem một tờ báo, phải đợi ai đó có dịp ra thị xã, rồi gởi tiền mua. Có khi hơn tháng mới xem được một lần.

Thằng nhỏ không nhớ rõ đó là ngày nào. Chỉ nhớ thằng nhỏ khi ấy chừng bốn, năm tuổi, mỗi lần mấy bà chị dâu mang bầu, má thằng nhỏ phải chèo xuồng ra tận thị xã Cà Mau mua báo ký để dành lót tã cho em bé (lúc đó chưa có tã cho trẻ sơ sinh như bây giờ). Lần nào má vừa về đến nhà, thằng nhỏ đều chạy ra đầu ngõ reo mừng, rồi phụ má nơ cái giỏ xách đựng toàn giấy báo vào nhà. Rồi thằng nhỏ bày giấy báo ra bộ ván, lật qua lật lại xem hình. Thấy thằng nhỏ tay chân táy máy, má thằng nhỏ rầy:

- Đ. Không được phá. Dẹp liền cho má.

Thằng nhỏ cứ lừ nhừ, rồi bướng:

- Con chỉ xem hình hà.

Rồi má thằng nhỏ bước đến, gấp mấy tờ báo lại, đem giấy báo để lên đầu tủ cao, nơi thằng nhỏ không thể nào với tới được.

Lớn lên, thằng nhỏ cũng được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Lớp một, lớp hai, lớp ba… qua nhanh. Đến lúc thằng nhỏ biết mường tượng được một bài viết, thằng nhỏ lại muốn tìm đọc những tờ báo cũ...

Nhưng lúc này, khổ nỗi, mấy bà chị dâu không còn sinh em bé nữa. Cũng may, thằng nhỏ có mấy bà chị gái chu đáo, kỹ lưỡng việc nhà cửa. Mỗi mùa Tết đến, mấy chị gái thằng nhỏ hay mua giấy báo về dán vách nhà, để che đi phần thô của tấm vách. Thế là bốn vách nhà của thằng nhỏ như một bức tranh ngũ sắc. Có nhiều tờ báo, có nhiều bài viết, có nhiều hình ảnh được kết nối với nhau…

Cứ mỗi lần tan học về nhà, thằng nhỏ đều lần theo tấm vách để xem những tờ báo. Có khi xem xong một trang báo, thấy thích quá, thằng nhỏ lột trang báo gấp lại bỏ vào cặp học sinh, để lúc rảnh rỗi thằng nhỏ giở ra xem. Và cũng có lúc má thằng nhỏ bắt gặp, bắt thằng nhỏ cúi nằm dài trên bộ ván, dằn cây roi trên mông… Thằng nhỏ nằm lì, ngủ quên đến khi mặt trời xế bóng.

Vào cấp hai, thằng nhỏ trở nên hiểu chuyện. Thằng nhỏ không còn hiếu động và nghịch ngợm nữa. Má thằng nhỏ cho tiền thằng nhỏ đi đò dọc. Thằng nhỏ lội bộ đến trường để học. Dành dụm tiền mua báo.

Xem xong một tờ báo, thằng nhỏ tiếc, không nỡ vứt đi. Thằng nhỏ gấp lại cất để dành bao tập, sách.

Một ký ức làm cho thằng nhỏ không thể nào quên. Năm đó, lớp thằng nhỏ có phong trào thi đua vở sạch chữ đẹp. Phong trào mua tập vở có tranh ảnh Tiểu Yến Tử, vua Càn Long được dấy lên. Bạn bè thằng nhỏ nhiều đứa gia đình khá giả mua hẳn bìa bao kiếng sang trọng, mới toanh để bao tập vở. Còn thằng nhỏ thương má, thương gia đình, đâu muốn đua đòi hay xa xỉ một điều gì đâu. Nên con điểm thi đua lần đó của thằng nhỏ là điểm “5”. Còn bạn bè của thằng nhỏ nhiều đứa đạt điểm “9”, điểm “10”. Nhìn thằng nhỏ, cô giáo tiếc rẻ:

- Chữ của em cũng được, nhưng tập chưa được đẹp lắm.

Hiểu điều đó hơn ai hết, nhưng thằng nhỏ vẫn giữ nguyên thói quen bao tập vở bằng giấy báo. Vì có những lúc học bài căng thẳng, thằng nhỏ cứ lật bìa bao vở đọc báo để thư giãn.

Thằng nhỏ vào cấp ba, là lúc bốn đứa em vào trung học cơ sở. Cho thằng nhỏ học cao hơn là ngoài sức của má thằng nhỏ.

Ngày nhận giấy báo đậu đại học, thằng nhỏ nhìn lũ bạn từng đứa xuống đò, cất bước lên cánh cửa giảng đường. Tủi thân. Thằng nhỏ buồn rười rượi. Ôm quyển tập có bìa bao bằng giấy báo, thằng nhỏ như nghĩ ngợi một điều gì xa xôi lắm. Đành gác lại ước mơ, thằng nhỏ trở về bên gia đình, phụ má trông coi việc nhà cửa, ruộng vườn.

Nhà thằng nhỏ vốn nghèo. Vật quý giá nhất trong nhà là đôi trâu. Thằng nhỏ gắn bó với đôi trâu nhiều lắm.

Sáng nào thằng nhỏ cũng dắt đôi trâu ra đồng, cho trâu ăn cỏ. Những ngày cùng đôi trâu đi cày thuê ở mấy cánh đồng lân cận, những giọt mồ hôi của thằng nhỏ rơi lã chã... Thằng nhỏ kiên trì cùng đôi trâu gồng mình trong mưa nắng.

Cám cảnh cho cuộc đời làm nông cơ cực, một bữa nọ, thằng nhỏ nài nỉ má:

- Má cho con đi thành phố làm nghen má. Con đi rồi cuối tháng con gởi tiền về cho má.

Ngày đi, thằng nhỏ dắt đôi trâu ra đồng, cho trâu ăn một bữa no nê. Thằng nhỏ còn lội qua mấy triền đê, cắt cỏ chất đầy mấy cái cần xé để dành cho trâu. Thằng nhỏ nghĩ thầm, mai mốt mình đi rồi, ở nhà ai dắt trâu ra đồng cho trâu ăn, ai đi cày với trâu?!

Tiễn thằng nhỏ, má thằng nhỏ chỉ biết khóc. Thằng nhỏ nhìn về phía gian nhà trống vắng, nhìn đôi trâu mà thương má, thương đàn em. Thằng nhỏ bùi ngùi, rớt nước mắt:

- Con đi rồi Tết con về. Ở nhà má giữ gìn sức khoẻ…

Lần đầu tiên đặt chân lên thành phố, thằng nhỏ ngỡ ngàng lắm. Đúng là Sài Gòn thứ gì cũng có. Nào là nhà lầu, biệt thư, xe hơi… khác xa với làng quê thằng nhỏ. Ở đây báo chí, truyền thanh, truyền hình có đủ. Đi trên đường, người ta mời mua báo. Ngồi bên vỉa hè ăn sáng, người ta đưa báo mời đến tận tay... Nhưng lúc đó làm công nhân, tiền ăn sáng còn phải gói ghém, tiền đâu mua báo đọc?

Đồng lương công nhân lúc đó ít ỏi. Một tháng năm, sáu trăm ngàn. Nào là tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước… Còn lại dành dụm chút đỉnh để gởi về cho bà má quê mùa, lam lũ, đáng thương của thằng nhỏ nữa chứ.

Chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu thằng nhỏ. Thằng nhỏ tranh thủ dậy thật sớm, ra đường cái, ghé sang quầy báo bên đường, hỏi bà chủ quầy:

- Chị ơi! Báo Tuổi Trẻ một tờ bao nhiêu vậy chị? Em nhận số báo này đem đi bán lại, chị cho em một tờ lời bao nhiêu?

Thế rồi thằng nhỏ ôm xấp báo nặng oằn tay đi rao bán dài dài trên đường.

Ngày nào bán báo, thằng nhỏ cũng để dành lại một tờ. Đợi đến tối, hết giờ tăng ca, thằng nhỏ mới có dịp mở ra đọc. Thằng nhỏ cảm thấy vui và phấn khởi lắm. Dù rằng với người khác, những tin, bài thằng nhỏ đang xem không còn thời sự nữa. Nhưng với thằng nhỏ, những tin tức ấy luôn mới. Không biết tự bao giờ, từ niềm yêu thích đọc báo đã thôi thúc thằng nhỏ cầm bút…

Bây giờ thằng nhỏ đã trở lại quê, sống hủ hỉ bên người mẹ tóc bạc lưng còng, bên gian nhà tranh bao năm dài vắng bóng thằng nhỏ và bên đôi trâu ngày nào.

Ở một vùng quê heo hút, thằng nhỏ không còn nhìn thấy những tờ báo người ta rao bán trên đường nữa. Có khi thèm đọc báo quá, thằng nhỏ lội ra thị trấn tìm mua, nhưng huyện thằng nhỏ có sạp báo nào đâu.

Và cứ thỉnh thoảng bài của thằng nhỏ được đăng, thằng nhỏ được mấy toà soạn tặng báo biếu. Lâu lâu giở ra xem, thằng nhỏ thấy vui vui, buồn buồn, nhớ nhớ về ký ức một thời thiếu thốn đã qua…

Còn bạn bè của thằng nhỏ, giờ đã tốt nghiệp ra trường. Có anh làm kỹ sư, có chị làm cô giáo. Nghĩ về chúng bạn, thằng nhỏ lại thấy thương thương, tội tội cho bản thân. Những lúc ấy, thằng nhỏ cứ lao đầu vào những trang bản thảo, cố hoàn thành những bài viết còn dở dang…

Có lúc thằng nhỏ ngồi một mình, buồn so. Má thằng nhỏ bước đến gần, vuốt mái đầu, như muốn an ủi thằng nhỏ:

- Đ. Hồi đó má không lo nổi cho con vào đại học, con có buồn không?

Thằng nhỏ hít sâu lồng ngực, cố lấy lại sự tươi tỉnh trên vẻ mặt sắp rớt nước mắt:

- Con lớn rồi mà. Không sao đâu má! Con biết tự lo cho cuộc sống của mình mà. Miễn sao má sống vui là con vui rồi.

Ngày mai, lại một ngày nữa bắt đầu… Thằng nhỏ dắt đôi trâu ra đồng, bắt tay vào việc kiếm tiền…

Và trên những luống cày, thằng nhỏ lại nghĩ về những bài viết mới.../.

Huỳnh Văn Đất

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.