ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:53:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thành công nhờ năng động sản xuất

Báo Cà Mau Với khoảng 2,7 ha đất sản xuất, những năm qua, ông Trần Út Năm, ấp Ðòn Dong, xã Khánh Lộc, trồng ổi lê nữ hoàng, kết hợp làm ruộng, trồng hoa màu, nuôi cá; tổng thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.

Năm 2016, ông Năm mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả (khoảng 1 ha) sang trồng ổi lê nữ hoàng. Ông Năm chia sẻ: "Khi mới trồng ổi, tôi cũng không rành về kỹ thuật nên phải tìm hiểu trên mạng, tham khảo sách báo và nhờ mấy anh em ở tỉnh Vĩnh Long hướng dẫn. Dần dần mình mới biết kỹ thuật trồng và đã thành công. Ngoài sự hướng dẫn của anh em, tôi cũng phải nghiên cứu, sáng kiến thêm. Chẳng hạn, thông thường sau khi thu hoạch xong 1 đợt trái người ta mới cắt đọt, còn tôi cứ cắt đọt thường xuyên nên ổi ra chồi non và cho trái quanh năm".

Ông Út Năm chăm sóc vườn ổi.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên ổi của ông Năm trồng có chất lượng khá ngon, được nhiều người lân cận mua làm quà biếu, đặc biệt là được các thương lái đặt cọc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá từ 8-10 ngàn đồng/kg (tuỳ thời điểm).

Ngoài nguồn thu nhập từ bán ổi trái, ông Năm cũng nghiên cứu, tách chiết ổi giống để bán. Trung bình mỗi năm, ông cung cấp cho người dân trong và ngoài huyện khoảng 10 ngàn cây ổi giống, với giá bán 10 ngàn đồng/cây.

Nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ông Năm tận dụng diện tích đất trống dưới gốc ổi để trồng thêm các loại rau màu như: rau răm, ngò om, cải, hành và một số loại rau khác. Ông cho biết: "Vào mùa hạn, nếu trồng thêm rau màu dưới gốc ổi thì sẽ giữ được độ ẩm cho đất. Mình tưới ổi cũng tưới cho rau màu luôn nên rất thuận lợi, một công đôi việc. Tiền bán rau màu cũng giúp tăng thêm khoản thu nhập kha khá".

Ngoài trồng ổi, rau màu, gia đình còn sản xuất hơn 1,7 ha lúa 2 vụ và mua máy bay phun xịt thuốc dịch vụ cho bà con nông dân trong ấp, mỗi năm thu nhập thêm vài trăm triệu đồng.

Hiện nay, gia đình có khoảng 300 gốc ổi, ông dự định sắp tới sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm khoảng 400 gốc nữa và đang làm hồ sơ trình các ngành chuyên môn xem xét công nhận sản phẩm ổi OCOP.

Bà Trần Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lộc, thông tin: "Thời gian qua, mô hình sản xuất đa canh của ông Út Năm là một trong những mô hình khá thành công. Bản thân ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Năm 2023, ông được Ðảng uỷ xã Khánh Lộc tặng giấy khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"./.

 

Anh Quốc

 

Cá về lúc hừng đông

Ở cửa biển Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), lúc rạng sáng, hàng trăm tàu đánh bắt thuỷ sản cập cảng Sông Ðốc và các điểm thu mua, với khoang thuyền đầy các loại cá, mực... tạo nên khung cảnh mua bán tấp nập. Hàng chục xe tải lớn nhỏ chờ sẵn để lên hàng, chuyển về khắp các tỉnh, thành phố.

Biến kiến thức khoa học thành sản phẩm hữu ích

Trên nền tảng kiến thức khoa học - công nghệ có được, nhóm học sinh Trường THPT Tắc Vân (TP Cà Mau) làm ra chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại từ rau má lá sen. Mô hình này đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VII (2023-2024) và giải Nhất Cuộc thi Mời gọi vốn của CamaUP’24.

Làn gió khởi nghiệp trẻ

Xác định công tác đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Ðoàn - Hội, thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các xã trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ, tiếp lửa cho đoàn viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế; nhiều thủ lĩnh Ðoàn đã tiên phong trong công tác này và gặt hái nhiều thành công, có thể nhân rộng trong cộng đồng khởi nghiệp trẻ.

Chạy nước rút thu ngân sách

Tuy còn 1 tháng nữa mới kết thúc chặng đường thu ngân sách năm 2024, nhưng đến thời điểm này, công tác thu ngân sách của tỉnh đã gần chạm đích. Ðây là kết quả từ sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành thuế, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương và hơn hết là sự đồng hành, chấp hành tốt nghĩa vụ, pháp luật của người nộp thuế.

Thanh niên Khmer làm kinh tế giỏi

Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh Kim Văn Vũ, dân tộc Khmer, ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, đã không ngại khó, ham học hỏi, mạnh dạn lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để áp dụng, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên khá giả.

Kết nối, sẻ chia cùng phát triển

Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau ra đời từ mong muốn tạo sân chơi chung cho cộng đồng DN, nơi các doanh nhân có thể giao lưu, học hỏi và cùng hỗ trợ nhau phát triển. Từ nhóm nhỏ ban đầu chỉ khoảng 15 thành viên, CLB dần mở rộng và chính thức thuộc Hiệp hội DN tỉnh được gần 2 năm nay, hiện có hơn 60 thành viên. Các DN tham gia chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tôm càng xanh được giá, nông dân phấn khởi

Hiện nay, nông dân huyện U Minh bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa. Mặc dù không gặp thuận lợi ở đầu vụ do ảnh hưởng nắng nóng, nhưng với sự chủ động của người dân trong khâu cải tạo đất và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên tôm nuôi phát triển tốt, năng suất khá. Không chỉ vậy, tôm bán có giá cao hơn trung bình các năm trước từ 40-50 ngàn đồng/kg nên người dân phấn khởi.

Chủ động sản xuất bền vững

Tại xã Lương Thế Trân, nếu 25 năm trước nông dân lén lút đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm, thì nay một bộ phận người dân phải tìm cách ngăn mặn, giữ ngọt để gieo sạ lúa nhằm cải tạo môi trường, giúp sản xuất hiệu quả, bền vững hơn trước thách thức của biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên đang ngày càng ô nhiễm.

Lấy ngắn nuôi dài, cải thiện thu nhập

Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có 11/20 ấp thuộc lâm phần rừng tràm. Ðể nâng cao hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, người dân áp dụng nuôi trồng một số vật nuôi, cây trồng ngắn ngày, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

"Bám trụ" với nghề hầm than

Hợp tác xã Chế biến than 2/9 tại ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn hoạt động đã trên 20 năm. Ða phần không đất canh tác, nhiều người bôn ba từ xứ khác về đây lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng vì mưu sinh, những người lao động nơi đây vẫn bám trụ, hiện có 19 hộ duy trì làm nghề, mỗi hộ có từ 2-3 lò. Có 2 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nên không còn đất cất nhà để tiếp tục theo nghề...