(CMO) “Một trong những nội dung thiết thực nhất để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số chính là nền tảng thanh toán trực tuyến được tích hợp, cung cấp bởi Cổng Dịch vụ công”, ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh Cà Mau khẳng định.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 92 dịch vụ công mức độ 3; 254 TTHC thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Tất cả các dịch vụ công mức 3, mức 4 của tỉnh đã tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100%. Theo đó, các dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng được tích hợp tạo nên hệ thống hoàn chỉnh. Có thể nói, tiếp cận chính quyền số ở góc độ cung ứng dịch vụ công trên nền tảng thanh toán trực tuyến là cách tiếp cận nhanh nhất để tạo nên hiệu quả phát triển kinh tế số, xã hội số và thiết lập công dân số.
“Trong khi chúng ta còn loay hoay tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để đưa kinh tế số, xã hội số đến với người dân thì có thể nói nền tảng thanh toán trực tuyến là chìa khoá quan trọng, đáng quan tâm và cần được phổ biến để sử dụng rộng rãi”, ông Hồ Chí Linh chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung ứng dịch vụ công cho 8 nhóm thanh toán dành cho cá nhân, như thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế cá nhân; đóng BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán viện phí; nộp tạm ứng án phí. Và 6 nhóm dịch vụ công dành cho doanh nghiệp, gồm thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế doanh nghiệp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; nộp tạm ứng án phí.
Tiếp cận dịch vụ công thông qua nền tảng thanh toán trực tuyến là một trải nghiệm rất đơn giản, tiện lợi và thông minh. Bởi, hiện nay các dịch vụ đã được triển khai ở mức độ 4, tức là người dân ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào cũng có thể giao dịch chỉ vài thao tác đơn giản và vài cái click chuột là có thể đóng thuế, nộp phí, thanh toán viện phí... Điều đó cũng cho thấy, việc trở thành công dân số, phát triển kinh tế số, xã hội số không đâu xa vời mà nó đã được cung ứng thông qua các dịch vụ công, mọi công dân hoàn toàn làm được và làm một cách khá dễ dàng.
Thanh toán viện phí là 1 trong 8 nhóm thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. |
Để thúc đẩy hơn nữa công cuộc chuyển đổi số, đưa người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất, đơn giản nhất các dịch vụ công một cách có thể, ngày 4/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 422/QĐ-TTg phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Với quyết định này, cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh việc cung ứng các TTHC trên môi trường mạng thông qua giao dịch trực tuyến (mức 3, mức 4), các dịch vụ công về thanh toán trực tuyến đã được Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương triển khai gồm nhiều nhóm dịch vụ thanh toán thiết yếu dành cho cá nhân và một số nhóm dịch vụ dành cho tổ chức.
Chuyển đổi số đã xoá đi lằn ranh của mọi rào cản tiếp cận công nghệ, ranh giới của sự phân định về cung ứng dịch vụ công cũng đã được thay đổi. Theo đó, cung ứng dịch vụ công giờ đây không đơn thuần chỉ là cung ứng phương thức giải quyết các hồ sơ, giấy tờ TTHC mà còn là cung ứng các dịch vô cùng tiện ích của chuyển đổi số, như dịch vụ thanh toán trực tuyến, dịch vụ tư vấn hỗ trợ trực tuyến, dịch vụ giám sát theo dõi chất lượng TTHC....
Tuy nhiên, thực tế khảo sát, một trong những trở ngại căn cơ hiện nay khi người dân tham gia vào thị trường kinh tế số nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng, đó là họ còn khá lúng bởi có quá nhiều doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm tích hợp nền tảng này (có cá nhân sở hữu hàng loạt thẻ thanh toán, ví điện tử). Từ đó, người dân khó chọn lựa giao dịch (không biết nên chọn lựa thẻ nào/ví nào, mức phí ra sao).
"Cùng với đó, tình trạng lợi dụng hình thức thanh toán điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều đã tác động tiêu cực đến sự lựa chọn của người dân khi tham gia dịch vụ thanh toán trực tuyến. Họ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng phương thức truyền thống (dùng tiền mặt) hơn khi giao dịch thanh toán trực tuyến", ông Hồ Chí Linh phân tích.
Do vậy, để người dân yên tâm hơn với thanh toán trực tuyến, cơ quan đầu mối cung ứng, vận hành, quản lý dịch vụ công có vai trò hết sức quan trọng trong kết nối các hệ sinh thái chuyển đổi số và cũng là đầu mối bảo đảm cho hệ sinh thái này được sống, sạch và phát huy giá trị của nó./.
Hồng Nhung