(CMO) “Đối với việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động mới cho tàu cá cần phải được thắt chặt hơn theo nguyên tắc tàu chỉ được phép hoạt động khi đủ các thủ tục và tăng cường kiểm soát lúc đăng kiểm, cấp phép lúc trên sông, trên biển, khi ra vào cửa,...”. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý chống khai thác hải sản bất hợp pháp ngày 24/9.
Trong suốt thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đặc biệt, là hoạt động tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật; không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước.
Với những nỗ lực đó, tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài được kiểm soát và giảm đáng kể. Từ đầu năm 2020 đến nay chỉ có 5 tàu với 45 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Như vậy, kể từ ngày 23/10/2017 đến nay, toàn tỉnh có 43 tàu với 264 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu tại hội nghị
Đánh giá về hoạt động kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo của tỉnh về chống khai thác bất hợp, không báo cáo và không theo quy định nhận định, tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài tuy đã giảm nhiều những vẫn còn xảy ra.
Theo đánh giá của đại biểu tại hội nghị, phần lớn chủ tàu, thuyền trưởng đều hiểu khai thác thuỷ sản trên vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn cố tình vi phạm và tìm cách che giấu khi tàu của mình bị bắt, điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý của tỉnh nói riêng và công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu nói chung.
Một trong những giải pháp quan trọng trong kiểm soát tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, tính đến ngày 21/9/2020 toàn tỉnh có 1.320 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong tổng số 1.584 tàu cá thuộc diện bắt buộc. Theo ông Triều cho biết, số tàu cá còn lại chưa thể lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là do hiện tại đã có 73 tàu và chủ tàu hiện tại không ở địa phương hoặc nơi cư trú theo hồ sơ quản lý; tàu cá đã sang bán 57 tàu, tàu cá ngưng hoạt động 80 tàu.
Hiện tại việc quản lý phương tiện nhỏ, phương tiện thuỷ nội địa khai thác gặp nhiều khó khăn
Không chỉ vậy, liên quan đến thiết bị giám sát hành trình còn diễn ra tình trạng tàu cá mất kết nối, đặc biệt là tình trạng mất kết nối chưa rõ nguyên nhân vẫn thường xuyên xảy ra với tỷ lệ từ 10% – 15% tàu đã lắp đặt. Liên quan đến vấn đề nay ông Triều cho biết, Ban chỉ đạo của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết, cụ thể là ngư dân và nhà cung cấp thiết bị đổ lỗi cho nhau. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều chủ tàu không đóng phí dẫn đến nhà cung cấp ngắt kết nối.
Ông Lê Văn Sử đánh giá, hiện nay có 3 nhóm khó khăn lớn trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Cụ thể là công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, xác nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Cụ thể đối với công tác quản lý khó khăn lớn nhất là nhóm tàu nhỏ khai thác ven bờ. Số liệu thống kê quản lý số lượng tàu này thời gian qua giữa các đơn vị chưa thống nhất, trong khi hiện nay số tàu này lại đang tiếp tục phát sinh. Đặc biệt, nhóm phương tiện nhỏ này đa phần là không có hồ sơ do hoạt động ngành nghề cấm, số còn lại không muốn đăng ký nhưng địa phương chưa có giải pháp quản lý. Ngoài ra, còn hiện trạng người dân sử dụng phương tiện thuỷ nội địa để tham gia khai thác.
Việc xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác còn khó khăn
Là địa phương có nhiều phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản, ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết, với thị trấn Sông Đốc có 915 tàu bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đến nay đã có 613 tàu được lắp đặt. Số còn lại do chủ tàu khai thác kém hiệu quả nên chưa thể lắp đặt, số đã ngưng hoạt động.
Liên quan đến việc vận hành thiết bị giám sát hành trình, ông Phú cho biết thêm, do còn mới nên trong quá trình vận hành gặp sự cố các chủ tàu không biết cách xử lý, khắc phục. Ngoài ra, giá thiết bị (25 – 45 triệu/1 thiết bị), phí hàng tháng (300 ngàn đồng/ tháng), cước cuộc gọi và nghe một phút là hơn 30.000 đồng là khá cao. Nhiều nhà cung cấp chưa đảm bảo chất lượng, khi có hư hỏng nhà cung cấp chậm khắc phục sửa chữa, thậm chí không xuống,.…
Trong vấn đề mất kết nối, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Cà Mau có 5 nhà mạng được phép cung cấp thiết bị. Tính đến ngày 23/9 có 245 tàu mất kết nối, trong đó lỗi chưa đóng phí có 105 tàu nên bị ngắt kết nối; lỗi do kỹ thuật 13 thiết bị, còn lại 156 thiết bị chưa xác định rõ nguyên nhân. Do chưa thể xác định được nguyên nhân nên để khắc phục và xử lý là vô cùng khó khăn.
Liên quan đến thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, trước tiên việc lắp đặt, quản lý, kiểm soát, xử lý tiến hành theo đúng các quy định đã được ban hành từ Trung ương đến địa phương. Song song với đó, các ngành, nhất là Sở NN&PTNT và Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất thêm một số giải pháp về kỹ thuật trong quản lý liên quan đến thiết bị giám sát hành trình.
Đối với các vấn đề liên quan khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo các ngành, các cấp và chính quyền địa phương nắm chặt lại các quy định trong quản lý tàu cá. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới nội dụng, phương pháp để có những tác dụng mới. Đối với việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động mới cho tàu cá cần phải được thắt chặt hơn nữa./.
Nguyễn Phú