Ðầu nhiệm kỳ 2021-2026, HÐND tỉnh Cà Mau có 51 đại biểu, hiện nay còn 49 đại biểu (giảm 2 vị do chuyển công tác ngoài địa bàn tỉnh). Năm 2023, HÐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp HÐND, ban hành 83 nghị quyết, có 36 nghị quyết quy phạm pháp luật và 47 nghị quyết cá biệt (trong đó có 8 nghị quyết về công tác cán bộ); 16 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; 2 phiên giải trình về “tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh” và “việc thực hiện sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Bên cạnh đó, HÐND tỉnh còn cho ý kiến 62 vấn đề để UBND tỉnh kịp thời xử lý công việc trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp xúc cử tri (TXCT) tại 76 điểm ở các xã, phường, thị trấn. Có 7.453 cử tri đến dự, với 813 lượt cử tri tham gia phát biểu 1.349 vấn đề trên các lĩnh vực. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương từng bước giải quyết, được cử tri đồng tình, hài lòng...
Những kinh nghiệm hay
Chia sẻ với phóng viên Báo Cà Mau, bà Lê Thị Nhung, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở, xem xét những yêu cầu chính đáng để ban hành những nghị quyết phù hợp thực tiễn đặt ra là một trong những mục tiêu HÐND tỉnh hướng đến và thực hiện trong nhiều năm qua”.
Tuyến lộ ngang 3 m, dài 3 km thuộc Kênh 5, ấp Tân Hồng, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi vừa được nâng cấp, đưa vào sử dụng cuối năm 2023 theo phản ánh của cử tri.
Ông Trần Tấn Ngọc, 63 tuổi, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Những năm gần đây, hoạt động TXCT ngày càng đổi mới, chất lượng, hiệu quả. Cụ thể, chính quyền địa phương sẽ thông tin rộng rãi trong dân lịch TXCT để bà con nắm và tham gia, hoặc ấp tổ chức họp dân, chắt lọc những vấn đề quan tâm, bức thiết để kiến nghị đúng với thẩm quyền xử lý của đại biểu HÐND các cấp, như vậy vừa hạn chế mất thời gian, vừa mang lại hiệu quả cao tại các cuộc TXCT".
Cử tri còn cảm nhận được tình cảm, thái độ quan tâm, sự gần gũi của đại biểu HÐND các cấp, tạo cảm giác như được đồng cảm, chia sẻ, vì thế, bà con mạnh dạn bày tỏ tâm tư nguyện vọng tại các cuộc TXCT. Ðặc biệt có những đại biểu khéo léo, nhạy bén, xoa dịu được cảm xúc của người dân khi bức xúc. Sau đó, làm cầu nối với các cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời yêu cầu chính đáng, nên sự hài lòng, niềm tin của dân đối với đại biểu nhân lên rất nhiều.
Như ấp Tân An Ninh B, trong năm 2023 bà con mong mỏi nâng cấp lộ xuống cấp và bắc 2 cây cầu, cầu Kênh Lẩm và cầu Kênh Cùng để tiện cho học sinh và người dân đi lại. Ðến cuối năm 2023, đại biểu HÐND huyện đã kết nối vận động mạnh thường quân xây 2 cây cầu, thực hiện được lời hứa với dân, đồng thời kiến nghị các ngành chức năng đầu tư nâng cấp tuyến lộ, nay đã thông thương".
Cử tri ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương phấn khởi, mừng quê hương có cây cầu mới (cầu Kênh Lẩm), do đại biểu HĐND huyện kết nối mạnh thường quân xây dựng.
Ông Huỳnh Ngự Quyển, Trưởng ấp Tân An Ninh B, cho biết: “Thông qua các cuộc TXCT, cử tri kiến nghị tăng mức phí hỗ trợ hoạt động cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và ấp, khóm, bởi quy định tại Nghị quyết 25/2019/NQ-HÐND ngày 6/12/2019 của HÐND không còn phù hợp. Ðến tháng 10/2023, HÐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 23/2023/NQ-HÐND quy định chức danh và mức phụ cấp mới, điều này đã tạo sự phấn khởi và hài lòng đối với người hoạt động không chuyên trách, là động lực để lực lượng này ra sức cống hiến, tận tâm phục vụ Nhân dân, chung tay xây dựng quê hương”.
Bà Huỳnh Xuân Lý, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch HÐND huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HÐND huyện luôn quan tâm, phối hợp chặt chẽ với UBND, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các ngành, các cấp trong hoạt động. Trong hoạt động giám sát, khi thực hiện các nội dung giám sát, Thường trực HÐND, các ban của HÐND không lệ thuộc hoàn toàn vào thông tin do đối tượng chịu sự giám sát cung cấp mà chú trọng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là thông tin từ cơ sở, từ tổ chức Ðảng, đoàn thể.
"Kết thúc các cuộc giám sát, Thường trực HÐND, các ban của HÐND ban hành báo cáo kết quả giám sát, có đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại, nguyên nhân, từ đó kiến nghị các đơn vị khắc phục kịp thời. Từ cách làm đến nơi đến chốn góp phần hoàn thành 17/17 chỉ tiêu nghị quyết HÐND huyện đề ra năm 2023, trong đó có 15 chỉ tiêu vượt...”, bà Lý thông tin thêm.
Ðưa nghị quyết vào cuộc sống
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của HÐND tỉnh hiện nay cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Một số hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo những quy định mới, ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Ðể khắc phục những hạn chế, thời gian qua, HÐND các cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định. HÐND tỉnh đã thống nhất ban hành Ðề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HÐND tỉnh Cà Mau”, khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 (kèm theo Nghị quyết 14/2023/NQ-HÐND ngày 7/7/2023 của HÐND tỉnh).
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở (cử tri ấp Kiến Vàng, xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển bày tỏ mong muốn sớm ban hành cơ chế quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp phù hợp, tạo điều kiện để bà con nâng cao đời sống).
Theo đó, ở phần nhiệm vụ và giải pháp của Ðề án có nhiều nội dung đổi mới hoạt động HÐND hiện nay và trong thời gian tới. Ðiển hình như, trong công tác chuẩn bị kỳ họp HÐND tỉnh, ngoài 2 kỳ họp thường lệ hằng năm theo luật định, mỗi năm sẽ tổ chức ít nhất 2 kỳ họp chuyên đề và họp khi cần thiết để quyết định công việc phát sinh đột xuất, quan trọng, cấp bách của địa phương. Chuẩn bị nội dung kỳ họp với tinh thần “từ sớm, từ xa”. Ðổi mới nội dung họp thường trực HÐND tỉnh, hằng năm, tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình và 1 phiên chất vấn; tập trung vào các vấn đề bức xúc, có tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội địa phương. Ðối tượng giải trình, chất vấn phải phù hợp; có sự tham dự đầy đủ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo việc giải trình, chất vấn được sâu sát, hiệu quả. Tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tiếp cận những tài liệu liên quan đến hoạt động HÐND, phục vụ cho công tác tuyên truyền. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ họp trực tuyến kết nối với các điểm cầu, góp phần tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị, tổ chức kỳ họp; thực hiện tốt chủ trương “kỳ họp không giấy”; công nghệ hoá các hoạt động tại kỳ họp qua phần mềm hỗ trợ hoạt động HÐND...
Ðặc biệt, ở nội dung TXCT, Ðề án nhấn mạnh đến vấn đề giảm số lượng thành phần cử tri là cán bộ, công chức tại cơ sở, tăng số lượng cử tri là người dân và đa dạng hoá thành phần khi mời tham dự các buổi TXCT. Mở rộng các hình thức TXCT. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cử tri đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của địa phương và đất nước; xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và thực hiện vai trò giám sát hoạt động của các vị đại biểu dân cử. Ðồng thời, cần bố trí cán bộ Mặt trận Tổ quốc dẫn chương trình là người có kỹ năng, linh hoạt, biết gợi mở, tạo không khí gần gũi giữa đại biểu và cử tri. Mỗi đại biểu HÐND tỉnh phải thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện, nâng cao kỹ năng TXCT, nắm chắc các quy định pháp luật và các chính sách của địa phương để kịp thời giải đáp đến cử tri.
Theo ông, bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của đại biểu HÐND tỉnh trong hoạt động TXCT, nhất là thực hiện vai trò là người tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; theo dõi ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề nghị đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải đáp, trả lời, giải quyết, theo dõi kết quả thực hiện của các đơn vị sau cuộc TXCT.
"Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc quy tụ lòng dân, nhất là Nhân dân lao động. Bởi, theo Người “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Do đó, việc nâng cao năng lực hoạt động của HÐND cũng chính là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự lãnh đạo của Ðảng đối với toàn xã hội, cũng như bảo đảm thực hiện cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Ðối với tỉnh Cà Mau, việc thực hiện Ðề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HÐND tỉnh, khoá X, giai đoạn 2021-2026 là yêu cầu thiết thực, nhằm ngày càng hoàn thiện thiết chế dân chủ, bảo đảm cho Nhân dân thực hiện được quyền lực của mình, hiệu quả hoạt động của HÐND được nâng chất”, bà Lê Thị Nhung nhấn mạnh./.
Loan Phương