ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 15-4-25 10:45:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

KỶ NIỆM 84 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ, QUÂN VÀ DÂN TỈNH CÀ MAU (13/12/1940-13/12/2024)

Thư từ Vàm Lũng

Báo Cà Mau

Anh Khưu Ngọc Bảy(1) thân mến!

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ Cà Mau, nơi có Di tích Lịch sử Quốc gia cụm bến Vàm Lũng (2), đoạn cuối của Ðoàn tàu Không số một thời anh và đồng đội Ðoàn 962 anh hùng đã mưu trí, dũng cảm, chịu đựng hy sinh để bảo vệ bến và chuyển vũ khí ra chiến trường. Hầu hết các anh, chị ra đi trong những chuyến tàu tập kết ra Bắc 70 năm trước, trở về Nam chiến đấu bằng con đường Trường Sơn huyền thoại thì anh đã trở về bằng con tàu “không số”, đường Hồ Chí Minh trên biển để gắn bó với Vàm Lũng quê tôi. Như anh đã trải lòng “thuyền không có bến, thuyền biết đi đâu, về đâu”. Tận đáy lòng mình, tôi gửi đến anh lời tri ân, quý trọng và chúc anh ở tuổi 88 vẫn kiên cường với tuổi già như ngày nào anh đã trọn lòng với cụm bến.

Qua anh, tôi và rất nhiều người biết khá chi tiết về con đường Hồ Chí Minh trên biển, về Ðoàn 962 và cụm bến Vàm Lũng. Sau Ðồng Khởi năm 1960, cách mạng miền Nam tiến hành theo phương châm “hai chân ba mũi” (chính trị, vũ trang và binh vận), Trung ương Cục miền Nam chủ trương phát động tinh thần tự lực, tự cường, tiến công địch lấy súng địch, đánh địch, đẩy mạnh sản xuất vũ khí thô sơ, đồng thời tổ chức các con tàu vượt biển ra miền Bắc để mang vũ khí về miền Nam đánh giặc.

Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí Minh trên biển trong Khu Di tích Quốc gia Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Ảnh: THU THẢO

Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí Minh trên biển trong Khu Di tích Quốc gia Bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). Ảnh: THU THẢO

Từ các chuyến tàu khảo sát tháng 8/1961, trong đó có tàu “Cà Mau 2” của đồng chí Bông Văn Dĩa, đến chuyến báo cáo đề xuất của Khu 9 với Quân uỷ Trung ương, thì ba phương án gợi ý của Bộ Quốc phòng: Ðưa hàng lên các đảo trong vịnh Thái Lan, sau đó dùng các thuyền nhỏ tăng bo vào đất liền. Thả neo hàng ở vùng biển cạn rồi đưa tàu trục vớt vào bờ. Lấy ven biển tổ chức các cụm bến (thực chất là xây dựng các căn cứ tương đối hoàn chỉnh) để tiếp nhận tàu chở vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc vào.

Ðể có đủ cơ sở cho phương án 3, Khu uỷ Khu 9 cử đồng chí Bông Văn Dĩa, bổ sung Lê Thanh Lòng (Hai Thanh), Phan Văn Nhờ (Tư Mau), khảo sát các đảo và vùng biển cạn, số còn lại của tàu trinh sát cộng với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị HN75 khảo sát luồng lạch và thuỷ triều ven bờ.

Tháng 6/1962, Khu uỷ họp nghe bộ phận trinh sát và Ban Chỉ huy HN75 báo cáo tình hình và cho rằng phương án mở bến ven bờ có nhiều thuận lợi hơn. Các cửa sông: Bồ Ðề, Rạch Gốc, Vàm Lũng, Kiến Vàng, tàu có trọng tải 30 hoặc hơn 30 tấn sẽ vào được, chỗ đậu tàu và lên hàng các kho chứa, đường vận chuyển ra chiến trường đều thuận lợi.

Từ những phân tích, nhận định trên, Khu uỷ quyết định lấy phương án mở bến ven bờ, với những địa điểm sau: ven biển phía Nam sông Gành Hào xuống đến Kinh Năm Khai Long trên địa bàn 3 xã: Nguyễn Huân thuộc huyện Ðầm Dơi; Tân Ân, Viên An, thuộc huyện Duyên Hải (nay là huyện Ngọc Hiển).

Ðể mở bến, Khu uỷ ra nghị quyết về di dân, xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng và phương tiện vận chuyển, tổ chức trạm quan sát địch trên biển, theo dõi thuỷ triều cửa sông, nhất là với Vàm Lũng và Kiến Vàng. Kế hoạch mở bến được Trung ương chấp thuận. Ngày 26/7/1962, đồng chí Bông Văn Dĩa và thuỷ thủ con tàu trinh sát rời bến Vàm Lũng ra Bắc báo cáo phương án Khu uỷ đã chọn với Trung ương. Ngày 1/8/1962, tàu đến địa phận tỉnh Nam Ðịnh, chiều 5/8/1962, đồng chí Bông Văn Dĩa gặp và báo cáo với đồng chí Lê Duẩn và Quân uỷ Trung ương. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Lê Duẩn nói: “Ðồng chí chắc chắn tàu cỡ 30 tấn vào Vàm Lũng được không?”. “Thưa được”, đồng chí Dĩa đáp. “Nếu chắc chắn, sẽ giao đồng chí dẫn đường đi chuyến đầu tiên, đồng chí sang Bộ Tổng Tham mưu kẻ đường cho tàu vào Cà Mau”.

Cuối tháng 9/1962, việc nhận tàu và tổ chức lực lượng đã xong. Biên chế của tàu gồm 13 người, đồng chí Lê Văn Một (Ðoàn 759) làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa (Ðoàn Cà Mau) làm Bí thư Chi bộ, Chính trị viên. Các vị trí chủ chốt về mặt kỹ thuật như: máy trưởng, máy phó, đài trưởng VTÐ do Ðoàn 759 bổ sung, các thuỷ thủ còn lại được lựa chọn từ tàu “Cà Mau 2”, “Bến Tre 2”, “Trà Vinh 1”, “Bà Rịa 1”, con tàu lịch sử này mang tên “Phương Ðông 1”.

Ðêm 11/10/1962, sau khi nhận 30 tấn vũ khí, tàu nhổ neo rời bến Ðồ Sơn trước sự tiễn đưa lưu luyến của các đồng chí: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà và lãnh đạo, chỉ huy Ðoàn 759. Xuất phát được 2 ngày, máy tàu hỏng, phải thả trôi 1 đêm mới sửa được. Ðến 6 giờ ngày 19/10/1962, tàu vào Vàm Lũng an toàn, sau đó đưa về rạch Chùm Gộng lên hàng. Từ đây, tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển chính thức khai thông. Bến Vàm Lũng - điểm dừng chân xa nhất của những con tàu “không số” trở thành địa chỉ đỏ của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Chuyến tàu đầu tiên thành công và chỉ trong 2 tháng tiếp theo, các tàu “Phương Ðông 2, 3 và 4” lần lượt cập bến Vàm Lũng an toàn, 111 tấn vũ khí đã vào Cà Mau.

Ðêm 24/10/1962, tàu số 42 chở theo 60 tấn vũ khí cập bến Kiến Vàng an toàn.

Giữa năm 1969, địch tái chiếm Chi khu Năm Căn, thực hiện chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, nên khu vực cụm bến Vàm Lũng, Rạch Gốc, cửa Bồ Ðề bị lùng sục, Ðoàn 962 chuyển bến tiếp nhận từ Vàm Lũng đến vàm Hố Gùi và lấy khu vực rạch Cá Chốt làm bến đậu. Ngày 30/10/1969, tàu của thuyền trưởng Ðỗ Văn Bé vào bến an toàn. Tại đây, đến cuối năm 1970, ta còn nhận thêm 4 chuyến nữa.

Ngày 12/4/1971, tàu Nhật Lệ 69, sức chở 200 tấn, do thuyền trưởng Phan Xã chỉ huy trên đường vào Hố Gùi thì đụng địch, ta đánh trả và cuối cùng phải huỷ tàu. Trước đó, tàu của thuyền trưởng Ngọc vào Bến Tre cũng đụng địch ngoài khơi và phải phá huỷ tàu, nhất quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc. Sau thiệt hại 7 con tàu, cùng nhiều sĩ quan, thuỷ thủ hy sinh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị kết thúc vận chuyển đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hơn 7 năm mở bến ở cụm bến Cà Mau (Vàm Lũng, Hố Gùi, Rạch Gốc, Kiến Vàng), đã đón và tiếp nhận 76/124 tàu, với 6.613 tấn vũ khí vào bến và chuyển ra khắp chiến trường, 645 cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn 962 ngã xuống, hàng ngàn người bị thương tật, di chứng của chất độc da cam.

Từ cụm bến Vàm Lũng nhận nhiều vũ khí hơn các bến khác, theo chỉ đạo của Trung ương Cục, Ðoàn 962 mở tuyến vận tải nội bộ, dọc ven biển để chuyển hàng lên Quân khu 7 và Mặt trận Nam Sài Gòn. Từ năm 1964-1966, ta đã chuyển lên Quân khu 7 được 1.400 tấn hàng, trong đó có 4 quả thuỷ lôi của Liên Xô, mỗi quả nặng 1.075 kg (2 trong 4 quả thuỷ lôi này, bộ đội Rừng Sác đã đánh chìm tàu Baton Rouge Victory của Mỹ trên sông Lòng Tàu).

Cũng từ cụm bến này, Ðoàn 962 tổ chức đội vận tải đường bộ để chuyển 315 tấn vũ khí cho 2 tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long.

Anh Bảy thân mến!

Nói là thư cho anh, nhưng tôi ghi lại quá nhiều bài viết của anh trong “Bến Ðợi”, điều mà anh từng trải. Không sao, bởi vì, tôi cố tình vịn vào đó để con, cháu tôi và bạn trang lứa biết ở Cà Mau có “Ðoàn tàu Không số” vào ra, có bộ đội Ðoàn 962, cụm bến Vàm Lũng với sự che chở của Nhân dân, với máu xương của đồng đội đã làm nên những chiến công vẻ vang của Quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Ở đó, hội tụ đầy đủ ý chí quật cường và trí sáng tạo Việt Nam, của giai đoạn lịch sử mà anh là nhân chứng.

Vàm Lũng nay có khác xưa, Tượng đài chiến thắng Vàm Lũng vẫn vươn cao. Một phần bên trong Tượng đài đó là 5 con tàu với chất nổ đã được đặt sẵn ở 2 đầu, phải kích nổ phá huỷ cùng với máu xương của hàng chục cán bộ, chiến sĩ trong cuộc chiến đấu không cân sức. Xương, thịt của họ đã hoà vào đại dương, trên bờ đắp những ngôi mộ bùn khắc khoải, nhớ thương.

“Nước triều lên, Vàm Lũng lại dâng đầy

Có con tàu chiều nay vĩnh viễn không về bến” (3)

Trong lớp bê tông và bậc đá hoa cương đó, còn có máu xương của tiểu đoàn cùng mang tên 962 đã quần nhau với địch hơn 400 ngày trong tết Mậu Thân 1968, là nơi thử thách lớn nhất đối với sức chịu đựng của con người.

Năm tháng đi qua, nắng và gió biển làm cho màu sắc của tượng đài bạc màu, những chuyến trở về của người lính già như anh cũng thưa dần. Trong thiêng liêng, tôi như nhận ra, ở đó có hơn 600 linh hồn các anh trở về để nhận những nén nhang của người đến viếng. Qua anh, tôi tự nhận mình là học trò đang học lịch sử quê mình, anh là người thầy chuẩn bị tiết dạy bằng sự trải nghiệm của người trong cuộc, từ 1 tập thể và 8 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Như anh đã nói, dù có khiêm tốn đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng phải khẳng định rằng: “Không có gì vinh quang hơn, vẻ vang hơn được làm người lính của con đường huyền thoại và lòng ta thanh thản biết bao nhiêu khi nghĩ rằng những huyền thoại đó đều mang dấu ấn của đồng đội và Nhân dân”.

(1) Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962.

(2) Bến Vàm Lũng nằm ở rạch Chùm Gộng, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.

(3) Thơ của Khưu Ngọc Bảy.

 

Nguyễn Thái Thuận

 

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.

Tri ân người mở cõi

Ðầu xuân năm nay tôi được dự lễ khánh thành khu mộ thân tộc ông bà Phạm Hữu Liêm - Lê Thị Liễu, tại ấp Bàu Vũng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước. Chung quanh khu nghĩa mộ có mấy công trình phụ nhưng ý nghĩa đáng để mọi người suy ngẫm. Ðó là hồ sen, tuy diện tích không lớn nhưng ông Liêm giải thích sen là “Quốc hoa” của dân tộc Việt Nam, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phía tay phải là một hồ khác để nuôi cá các loại, chim le le và vịt trời. Phía sau công trình là một bờ cây đước xanh rờn, cao lớn.