(CMO) Ngoài sản xuất lúa - tôm thì nuôi tôm càng xanh và nuôi cua thương phẩm là 2 mô hình thế mạnh của huyện Thới Bình.
Trong những năm đầu thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định mô hình “con tôm ôm cây lúa” là mô hình canh tác chủ lực, là giải pháp hiệu quả cải thiện sinh kế cho nông dân, ngành nông nghiệp huyện Thới Bình đã tập trung nhiều nguồn lực, nổi bật là nguồn lực về khoa học - công nghệ để phát triển mô hình lúa - tôm, trong đó bao gồm mô hình lúa - tôm càng xanh.
Tôm càng xanh nuôi xen canh với lúa ít dịch bệnh, ít rủi ro hơn tôm sú, tôm thẻ, phù hợp với các nông hộ không có vốn đầu tư lớn.
Giai đoạn 2019-2022, huyện triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Nổi bật như: Dự án Phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình lúa - tôm càng xanh (phối hợp với Khoa Thuỷ sản - Ðại học Cần Thơ); Dự án Nâng cao năng suất nuôi tôm càng xanh toàn đực, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa (Phòng NN&PTNT thực hiện); mô hình nuôi tôm càng xanh (thuộc chương trình khuyến nông quốc gia hỗ trợ). Nội dung chủ yếu của các dự án sản xuất thử nghiệm chính là đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế và khả năng thích nghi khi đưa con tôm càng xanh vào xen canh trong ruộng lúa, với mật độ thả nuôi dao động từ 1-2 con/ m2 kết hợp bổ sung một số nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như: khoai mì, lúa mầm, cá phi…
Theo UBND huyện Thới Bình, kết quả dự án cho thấy, nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa có ưu điểm là ít dịch bệnh, ít rủi ro hơn tôm sú, tôm thẻ, phù hợp với các nông hộ có điều kiện kinh tế vừa phải, không có vốn đầu tư lớn.
Sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng 15-20 con/kg, năng suất tôm đạt từ 220-250 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân 30-40 triệu đồng/ha/năm, góp phần cải thiện thu nhập cho người nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Ngoài lợi thế về phát triển mô hình lúa - tôm, tôm sú, tôm càng xanh thì trên địa bàn huyện còn có tiềm năng để phát triển đối tượng cua biển”.
Khi xem xét về lịch thời vụ, nông dân Thới Bình thả nuôi cua quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào những tháng mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 5. Trung bình 2-5 lần thả giống/năm và thu hoạch theo phương thức thu tỉa thả bù, mật độ thả cua dao động từ 0,5-1 con/m2. Trong quá trình nuôi, ngoài thức ăn tự nhiên trong ruộng nuôi, người dân còn bổ sung cá tạp, các loài nhuyễn thể… nhằm giúp cua sinh trưởng và phát triển tốt.
Diện tích nuôi cua trên địa bàn huyện Thới Bình giai đoạn 2020-2022 dao động 30.000-35.000 ha, sản lượng từ 3.000-3.300 tấn, năng suất trung bình từ 95-100 kg/ha, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Giá cua thương phẩm những năm gần đây luôn ổn định, thu nhập từ mô hình nuôi cua trung bình 11-35 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Năm 2020, Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện Dự án nuôi cua biển thương phẩm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tại xã Tân Lộc Bắc. Kết quả dự án, năng suất cua nuôi bình quân đạt 542,7 kg/ha/vụ, vượt so với mục tiêu dự án (450 kg/ha/vụ), lợi nhuận bình quân đạt hơn 81 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo cho biết thêm: “So với các hộ nuôi cua quảng canh truyền thống tại địa phương thì hiệu quả kinh tế của dự án mang lại khá cao, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Hiện nay, việc mua bán cua chủ yếu qua thương lái, các vựa cua, nên chưa xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với sản phẩm này”.
Theo đánh giá của UBND huyện Thới Bình, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất của mô hình nuôi tôm càng xanh và nuôi cua tại địa phương phát triển tích cực. Tuy nhiên, do những mô hình này mới phát triển những năm gần đây nên trên địa bàn huyện chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đối với sản phẩm này. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu nuôi tôm càng xanh đủ điều kiện xuất khẩu, cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với sản phẩm cua./.
Văn Ðum