Sau 4 năm, bộ mặt nông thôn Cà Mau có những đổi thay rõ nét, những con đường huyết mạch dần nên hình nên dáng, nối gần hơn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Có 73/82 xã có đường ô-tô về đến trung tâm xã, nâng tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn (GTNT) toàn tỉnh đạt trên 4.600 km.
Từ điểm xuất phát thấp so với nhiều địa phương, nông thôn Cà Mau những năm trước đây vẫn còn yếu kém về nhiều mặt, thậm chí nhiều xã sau khi rà soát không đạt tiêu chí nào. Nhưng đến năm 2014 không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, số xã đạt từ 9 tiêu chí trở lên chiếm phần đông. Ông Đoàn Văn Bình, Chánh Văn phòng, Phó Ban Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM), cho biết:
Sau 4 năm, bộ mặt nông thôn Cà Mau có những đổi thay rõ nét, những con đường huyết mạch dần nên hình nên dáng, nối gần hơn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Có 73/82 xã có đường ô-tô về đến trung tâm xã, nâng tổng số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn (GTNT) toàn tỉnh đạt trên 4.600 km. Giáo dục cũng theo đó từng bước phát triển, với 134/414 trường ở nông thôn đạt chuẩn quốc gia, chiếm 32,37%, 100% số xã được công nhận duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Ðiện lưới quốc gia len lỏi đến từng vùng nông thôn, thắp sáng cả những vùng sâu, với 96,5% hộ dân được sử dụng.
Tiêu chí lộ GTNT là 1 trong 3 tiêu chí được xác định khó, cần tập trung quyết liệt trong năm 2015. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,61%. Vấn đề chăm sóc sức khoẻ cũng được quan tâm hơn trước. Ðã có 82/82 xã có trạm y tế được xây dựng cơ bản. Trong đó, 77 trạm được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Có hơn 457.000 người được tham gia bảo hiểm y tế.
Ðiều đáng ghi nhận nhất, nổi bật nhất chính là sự đồng thuận của người dân trong tỉnh, tham gia tích cực vào chương trình, đặc biệt là tinh thần tự hiến đất xây dựng đường, trường, trạm.
Ngoài ra, qua 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu xây dựng NTM đã góp phần bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, biết chăm lo cho dân với thái độ ân cần, tạo sự gắn kết giữa dân và cán bộ. Từ đó, tâm tư, nguyện vọng của dân luôn được nắm bắt và đáp ứng kịp thời. Ðó cũng chính là mục đích của chương trình xây dựng NTM hướng đến.
- Những kết quả đạt được đã qua, nhất là việc công nhận 3 xã đạt chuẩn NTM đã dấy lên nhiều phong trào lớn trong dân về xây dựng NTM. Năm 2015, chương trình xây dựng NTM sẽ tập trung những hoạch định, chỉ tiêu gì, vấn đề trọng tâm nào? Theo đó, nguồn kinh phí được phân bổ ra sao, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Bình: 3 xã: Tắc Vân, Lý Văn Lâm và Tân Dân được công nhận đạt chuẩn NTM là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Ðây là niềm vui chung cho người dân trong tỉnh. Ðể duy trì và phát huy kết quả này, Cà Mau cần có những quyết tâm chính trị lớn hơn, đó là trong năm 2015 có từ 11 xã trở lên đạt chuẩn NTM, góp phần đạt 17% trở lên số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM. Ðây là năm quan trọng đòi hỏi các cấp, các ngành chung sức, quyết liệt để kết thúc giai đoạn 1.
Song song, Cà Mau phải phấn đấu có từ 30 xã đạt 12 tiêu chí trở lên để đạt bình quân chung 14 tiêu chí/xã. Ðây là những chỉ tiêu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ðể thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh cần tập trung nguồn lực, nguồn vốn có thể có từ các cấp. Trong đó, người dân phải giữ vai trò chính, quyết định cho sự thành công, bền vững của chương trình mục tiêu quốc gia này.
Kinh phí mà chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ riêng cho Văn phòng Ðiều phối NTM năm 2015 là 4,3 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 37 xã. Trong đó, có 20 xã nghèo, khó khăn và 17 xã trọng điểm với khoảng 53 tỷ đồng. Ðây là năm cuối của nhiều chương trình nên nguồn vốn phân bổ khá thấp. Tuy nhiên, sẽ cố gắng tận dụng vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án để đạt kết quả như kế hoạch.
- Theo ông, sẽ có những khó khăn, thay đổi gì trong tiến trình xây dựng NTM năm 2015?
Ông Đoàn Văn Bình: Rõ ràng, với nguồn vốn phân khai như vậy thì vấn đề khó khăn lớn nhất mà chương trình gặp phải chính là vốn để triển khai các mục tiêu, nhất là những tiêu chí cần nguồn vốn lớn như GTNT. Ðây cũng là tiêu chí mấu chốt, nếu xã nào giải quyết cơ bản vấn đề giao thông sẽ có khả năng đạt chuẩn. Ngoài ra, hành trình để đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học nông thôn cũng khá gian nan bởi đòi hỏi kinh phí khá lớn, mà bản thân mỗi đơn vị khó lòng tự xoay xở được. Bình quân mỗi trường đầu tư ít nhất từ 3-7 tỷ đồng, trong khi năm 2015 chỉ có 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Xây dựng cơ sở vật chất văn hoá ở ấp, xã cũng còn là bài toán khó. Bởi nguồn kinh phí này tỉnh không hỗ trợ, xây dựng các thiết chế do huyện, xã và Nhân dân cùng làm. Trong khi đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, quá nhiều tiêu chí đều đòi hỏi khai thác trong dân. Sự đóng góp trong dân cũng có giới hạn và ở mức độ nhất định.
Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương đang lấy ý kiến và sẽ thay đổi một số tiêu chí cho phù hợp với từng địa phương trong thời gian sớm nhất. Trong đó, Cà Mau có thể thay đổi một số quy định trong tiêu chí GTNT, cơ sở vật chất văn hoá, thu nhập…
Tương tự, tỉnh cũng đang tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, huyện, thành phố để hoàn thiện về bộ tiêu chí của mình. Chẳng hạn, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, mỗi xã nhất thiết phải có một trung tâm văn hoá hay không, có nhất thiết lộ nông thôn phải đúng chuẩn 3,5 m hay không, tiêu chí thu nhập đòi hỏi quá cao...
Với khí thế, quyết tâm những tháng đầu năm mới cùng với kinh nghiệm từ những cách làm hay đã qua, Cà Mau đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vận dụng những mô hình hiệu quả, quyết liệt trên từng tiêu chí để tạo đà cho xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Ðào Hồng thực hiện