ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-5-24 20:17:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thức thời… khá mấy hồi

Báo Cà Mau (CMO) Cũng dãi nắng dầm mưa, cũng đổ mồ hôi bên ruộng đồng nhưng lắm lúc việc canh tác không được như mong đợi. Không đầu hàng khó khăn, không cam chịu cuộc sống nghèo khổ, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời mạnh dạn chuyển đổi sản xuất và mang lại hiệu quả cao.

Mưa dầm từ sáng, nhưng anh Trịnh Hoài Thanh (ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) vẫn dầm mình dưới ruộng nhổ ngó sen để kịp đem ra chợ Cà Mau giao cho mối. Tính ra, hôm nay anh bán được khoảng 20 kg ngó sen.

Tiếp khách trong ngôi nhà mới, chị Lê Thị Ghi, vợ anh Thanh, bày tỏ: “Cũng nhờ sen mà cất được căn nhà này đó”. Chị kể, hồi giờ vùng này trồng lúa 1 năm 2 vụ. Nhưng thường chẳng thuận được hai, nhất là vụ đầu, cứ sạ lúa xong, cao được vài tấc, gặp mưa chụp xuống là thiệt hại. Vùng đất này trũng phèn, trồng lúa khó khăn, thu hoạch chẳng mấy khi dư, cuộc sống bẩn chật.

Nhận thấy những chỗ mương sâu, cây sen lên tự nhiên khá nhiều, nhổ thử ngó đem bán, được người tiêu dùng ưa chuộng, vậy là anh chị bàn tính chuyển hướng sang trồng sen. Ngoài 5 công đất nhà, anh chị còn thuê thêm chục công nữa để trồng sen.

Chị Ghi cho biết, mỗi ngày, anh chị bán từ 40-70 kg ngó sen là bình thường. Ngoài sen nhà, anh chị còn mua thêm của bà con để giao cho mối ở chợ TP Cà Mau. Ngó sen mấy năm nay giá khá cao và ổn định, từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Ngó sen - rau đồng dân dã được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp nông dân thoát khỏi nghèo khó.

Ngoài sen, bà con xứ này còn trồng rau mác, cũng mang về nguồn thu nhập khá. Người trồng rau mác nhiều ở ấp phải kể đến chị Bùi Kiều Nguyên. Thấy người tiêu dùng ưa chuộng các loại rau đồng dân dã, chị Nguyên bàn với chồng mạnh dạn chuyển phân nửa đất ruộng sang trồng rau mác đã 5 năm nay. Rau mác nhổ bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Vào mùa rau mác, cứ cách 1 ngày là chị Nguyên có thu nhập bạc triệu, ít thì cũng vài trăm ngàn đồng.

Không chỉ cho thu nhập khá cao mà trồng rau mác, trồng sen không khó khăn, ít tốn chi phí. Chị Nguyên cho biết, ruộng rau mác của nhà chị trồng 5 năm qua chẳng tốn chút phân nào. Chỉ cần vào mùa hạn cho máy vào cải tạo, phơi đất một thời gian thì đến mùa mưa, rau mác sẽ mọc rất nhiều.

Ngoài trồng rau mác, chị Nguyên còn giữ gìn, chăm sóc đàn cá đồng thiên nhiên trên ruộng. Dạo một vòng quanh ruộng rau mác nhà chị, đã thấy 4 bầy lòng ròng. Chị Nguyên cười nói: “Một bầy lòng ròng tính ra biết bao nhiêu con cá lóc. Mình phải bảo vệ, tới mùa hạn năm sau là thu hoạch, cũng được thêm chút tiền”.

Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Nguyễn Quốc Ðoàn thông tin: “Ấp Ðá Bạc là vùng trũng, canh tác lúa kém hiệu quả hơn so với nơi khác. Thời gian qua, một số bà con chuyển đổi sang trồng sen, rau mác... cho thu nhập khá cao. Hiện nay, xã đang lập kế hoạch xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái cộng đồng, cùng với Khu du lịch Hòn Ðá Bạc đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương”.

Ở ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải, có anh nông dân Cam Văn Toàn, từ sự năng động, sáng tạo đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bồn bồn mang về nguồn thu nhập khá.

Lúc đầu, anh Toàn chỉ trồng thử nghiệm 3 công bồn bồn, khi nhận thấy hiệu quả, anh chuyển hẳn 15 công đất ruộng sang trồng bồn bồn. Tính ra, năm nay đã là năm thứ 5 anh gắn bó với cây trồng “dễ tính” này. Ruộng bồn bồn của anh xanh tốt và cho thu nhập quanh năm. Những tháng mùa hạn, nắng chang chang, ruộng bồn bồn của anh vẫn “đi hàng” đều đều.

Anh Cam Văn Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải có cuộc sống khá nhờ trồng bồn bồn.

Anh bảo: “Hiện mỗi ngày tôi thu hoạch cả trăm ký bồn bồn. Chủ yếu là tiêu thụ cho mối lái ở Sông Ðốc 90%, số còn lại thì tiêu thụ ở xã Khánh Hải, Cà Mau, bán lẻ cho bà con, có khi gởi xe lên Bình Dương. Ðể có bồn bồn thu hoạch quanh năm, tôi lấy nước từ ngoài sông vào, xử lý và trữ trong ruộng suốt”.

Cái hay ở Chi hội trưởng Nông dân ấp Trùm Thuật B Cam Văn Toàn là, thay vì sử dụng phân hoá học như nhiều nông dân thường làm, thì anh dùng phân hữu cơ tự chế để bón cho ruộng bồn bồn nhà mình.

Anh Toàn chia sẻ: “Tôi thấy sử dụng phân, thuốc hoá học ảnh hưởng đến sức khoẻ người trồng và người tiêu dùng, nên tôi dùng phân hữu cơ được ủ từ phân dê, vỏ bồn bồn và nấm Tricoderm bón cho cây bồn bồn”.

3 năm nay, từ hồi cho cây bồn bồn “ăn sạch”, ruộng bồn bồn của anh cho năng suất cao hơn, bồn bồn cũng mập và ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng. “Nhờ mình có mối tiêu thụ mấy năm nay, giá cả lại ổn định (lúc mùa mưa rộ thì 24.000-26.000 đồng/kg, mùa hạn có khi lên 30.000 đồng/kg) nên mỗi tháng gia đình có thu nhập trên dưới 40 triệu đồng”, anh Toàn chia sẻ.

Ruộng bồn bồn không chỉ đem lại cuộc sống đủ đầy mà còn giúp anh Toàn thực hiện mong muốn bảo vệ nguồn lợi cá đồng. Anh Toàn bộc bạch: “Có được môi trường thuận lợi cho cá đồng sinh sống, tôi thả cá đồng thiên nhiên vào như cá lóc, cá thác lác. Một năm thu hoạch được 2 lần, vào tháng 4 và tháng 11 âm lịch, cũng được hơn 20 triệu đồng”.

Ngoài cần cù, chịu khó, nhiều nông dân đã thay đổi suy nghĩ, năng động trong cách làm, nhờ vậy mà không ít hộ đã vươn lên khấm khá./.

 

Ngọc Minh

 

Những nông dân năng động làm giàu

Toàn tỉnh hiện có 10 câu lạc bộ (CLB) nông dân tỷ phú, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Các CLB đã kết nối nhiều ngành nghề, liên kết trong sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả mô hình; là điểm sáng trong phong trào thi đua sản xuất ở địa phương.

Cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân

Trong năm 2023, nông dân huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao.

“Lên bờ, xuống ruộng”

Lúa lên bờ, hoa màu xuống ruộng; mô hình canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu, mà mọi người hay ví von là mô hình “lên bờ, xuống ruộng”, đã biến những mảnh đất hoang hoá thời kinh tế mới ngày nào của kênh So Ðũa, Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời trở nên trù phú, vạn người mê.

Khá giả nhờ sò huyết

Hiện nay, trên địa bàn xã Trần Thới (huyện Cái Nước) có 510 hộ nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm với hơn 1.000 ha. Trong bối cảnh giá tôm sụt giảm, con sò huyết trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân nơi đây vươn lên khá giả.

Làm giàu nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn TP Cà Mau phát triển nhanh.

Ða canh phù hợp cho thu nhập cao

Với 10 công đất canh tác, ông Lê Hoàng Liêm, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Ấp 14, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, thực hiện nhiều mô hình kết hợp, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Làm giàu ở quê mới

(CMO) Rời quê hương, lập nghiệp nơi đất khách quê người, với ý chí vượt khó vươn lên, ông Nguyễn Ðình Bộ (Ấp 5, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ða canh làm giàu

(CMO) Từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện U Minh, xuất hiện nhiều nông dân có cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế tại hộ gia đình. Gia đình anh Trương Văn Thơi và chị Phạm Thị Cẩm Tú, Ấp 9, xã Khánh Thuận, là một điển hình.

Ða dạng cách làm giàu

(CMO) Phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, phát triển tích cực. Các mô hình kinh tế hiệu quả dần được nhân rộng trong hội viên, qua đó góp phần cải thiện đời sống kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.

Ông Giàu làm giàu từ vườn nhãn

(CMO) Tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, có vườn nhãn hơn 20 năm tuổi đang cho trái sum suê và trở thành điểm tham quan du lịch lý tưởng cho du khách gần xa.