Với sự chỉ đạo kỳ quyết và bằng các giải pháp phù hợp của chính quyền, các ngành chức năng, sự quyết tâm của doanh nghiệp, nông dân, ngư dân… đã làm nên con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản toàn tỉnh trong năm 2014. Điều đó tiếp tục khẳng định ngành kinh tế thuỷ sản ở Cà Mau còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn. Gần 1,3 tỷ USD là giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến, xuất khẩu thuỷ sản ở Cà Mau.
Với sự chỉ đạo kỳ quyết và bằng các giải pháp phù hợp của chính quyền, các ngành chức năng, sự quyết tâm của doanh nghiệp, nông dân, ngư dân… đã làm nên con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản toàn tỉnh trong năm 2014. Điều đó tiếp tục khẳng định ngành kinh tế thuỷ sản ở Cà Mau còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh hơn. Gần 1,3 tỷ USD là giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến, xuất khẩu thuỷ sản ở Cà Mau.
Cách đây 3 năm, gia đình ông Trần Văn Quý, ở ấp Phong Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi khởi đầu chỉ với 2 ao nuôi tôm chưa đầy 4.000 m2. Nhưng giờ đây, gia đình ông đã có trong tay 5 ao tôm công nghiệp, mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng. Ông Quý tự tin nhận xét: "Những năm gần đây tuy giá tôm có lúc biến động nhưng nhìn chung ở mức tương đối cao so với nhiều năm trước. Với giá này, nếu chịu khó và học hỏi thêm kỹ thuật mới thì đảm bảo người nuôi tôm có lãi".
Nở rộ phong trào nuôi tôm công nghiệp
Xuất khẩu thuỷ sản - tiềm năng phát triển mạnh ở Cà Mau. (Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú). Ảnh: HOÀNG VŨ |
Giá tôm được duy trì ở mức cao, cùng với đó nhiều hạng mục công trình phục vụ nuôi tôm được triển khai đã khích lệ người dân gia tăng diện tích ao nuôi. Là huyện có diện tích ao nuôi lớn nhất tỉnh, ông Đỗ Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết, vấn đề môi trường, dịch bệnh, chất lượng con giống ngày càng được kiểm soát tốt hơn. Cùng với đó, kinh nghiệm và việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất của người dân ngày một nhiều hơn đã giúp diện tích nuôi tôm công nghiệp hằng năm trên địa bàn huyện đều tăng. Không chỉ tăng về diện tích mà năng suất và chất lượng tôm cũng được tăng lên đáng kể.
Hiện nay, diện tích 2 loại hình nuôi chính là tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể. Diện tích tôm công nghiệp đạt trên 8.200 ha, tăng trên 2.200 ha so với năm 2013; tôm quảng canh cải tiến cũng vượt 0,3% kế hoạch khi đạt 60.200 ha; diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống khá ổn định.
Trong định hướng phát triển những năm tiếp theo, nuôi thuỷ sản (chủ yếu là con tôm) được xác định vẫn là ngành kinh tế chủ lực. Theo đó, để tiếp tục tạo sự đột phá cho nghề này, Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, nhằm khắc phục tình trạng thiếu tôm giống chất lượng vào cao điểm thả nuôi, tỉnh đã mời gọi và tạo điều kiện cho Tập đoàn Việt Úc đầu tư trại sản xuất giống với quy mô từ 7-8 tỷ con giống chất lượng trong năm 2015. Sản lượng này tương đương với 400 trại giống nhỏ lẻ hiện nay trên địa bàn và dự kiến tiếp tục nâng công suất lên gấp đôi trong thời gian tiếp theo.
Kỹ sư Lê Văn Sử còn cho biết thêm, tỉnh đang kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao, tập trung với quy mô lớn. Chỉ cần ổn định được diện tích tôm quảng canh cải tiến hiện có, nâng thêm khoảng 1.800 ha tôm công nghiệp và 100 ha tôm công nghiệp công nghệ cao thì sẽ tạo ra bước đột phá mới cho nghề nuôi tôm của tỉnh trong năm 2015.
Không ngừng hiện đại hoá
Sự bứt phá về kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm qua, ngoài sản lượng tôm nuôi tăng mạnh phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội tàu khai thác biển. Trong tổng sản lượng 480.000 tấn thuỷ sản của tỉnh có trên 165.000 tấn từ các hoạt động khai thác. Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, nhận định, mặc dù hoạt động khai thác thuỷ sản còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng vẫn tăng so với những năm trước. Sở dĩ nghề khai thác vẫn đạt hiệu quả trong điều kiện khó khăn là do ngư dân đầu tư, nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi và ứng dụng những tiến bộ khoa học để khai thác những loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, các dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghệ bảo quản sau khai thác cũng ngày được cải tiến nên giá trị hàng hoá của ngư dân được nâng lên.
Theo đó, sản lượng khai thác thuỷ sản vượt 4,1% so với kế hoạch và tăng 2,1% so với năm 2013. Hiện tỉnh đã phân giao chỉ tiêu cho các huyện ven biển nâng cấp và đóng mới 90 tàu khai thác xa bờ và 10 tàu dịch vụ hậu cần trên biển; cùng với đó là hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ven biển theo tinh thần Nghị quyết 67/2014/NQ-CP của Chính phủ. Đây sẽ tạo bước ngoặt mới không chỉ cho khai thác mà cả nuôi trồng thuỷ sản.
Năm 2014 được xem là năm trở lại đầy ấn tượng của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, mặc dù ngay đầu năm, thị trường xuất khẩu gặp nhiều biến động. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp phù hợp, ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản đã vượt lên khó khăn với kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 1,3 tỷ USD.
Nếu năm 2013, trong 33 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản chỉ có 5 doanh nghiệp làm ăn có lãi thì sang năm 2014 đã có 18 doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, Tập đoàn Minh Phú được xem là “cánh chim đầu đàn” của tỉnh và cả nước với doanh số xuất khẩu trên 500 triệu USD. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, khẳng định, doanh số xuất khẩu năm 2014 vượt kế hoạch kim ngạch cũng như kế hoạch lợi nhuận.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP), nhận định, tuy có vụ kiện bán phá giá tôm nhưng do nhu cầu tăng cao nên thị trường xuất khẩu hiện nay rất thuận lợi, nguồn nguyên liệu dồi dào… Đặc biệt, kể từ năm 2013, các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ chế biến hiện đại hơn nhằm tạo ra hàng giá trị gia tăng. Cụ thể, nếu năm 2013, hàng giá trị gia tăng chỉ chiếm 40% trong tổng số giá trị xuất khẩu thì sang năm 2014 đã lên 55%. Nếu không có sự cố gì lớn, sản lượng tôm nuôi cũng như kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong 2 năm qua đã thể hiện sự phát triển toàn diện của nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là những dự án đầu tư để phát triển bền vững vùng nuôi, công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến sẽ là bàn đạp để kinh tế thuỷ sản tiếp tục tạo ra bước đột phá mới trong những năm tiếp theo./.
Nguyễn Phú