(CMO) Sau nhiều giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, đến nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị giải ngân đến thời điểm này đang tăng vọt, nhất là trong tháng 9 tăng khá cao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Đăng Khoa phấn khởi cho biết.
Theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 25/9/2020, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công tỉnh đạt hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 64,2% kế hoạch vốn. So với tháng 8/2020, giá trị giải ngân trong tháng 9/2020 tăng thêm gần 401 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tập trung giải ngân 79% kế hoạch; vốn ngân sách huyện, thành phố cân đối và ngân sách tỉnh hỗ trợ giải ngân 77,9% kế hoạch; vốn xổ số kiến thiết giải ngân 53,5% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu và các khoản chi cụ thể giải ngân 61,4% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 38,6% kế hoạch; dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 giải ngân 98,4% kế hoạch; vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân 64,7% kế hoạch; vốn vay lại ngân sách địa phương giải ngân 100% kế hoạch.
Hiện nay, các dự án đầu tư công đang được các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm. (Ảnh chụp tại công trình lộ chống tràn ở xã Đông Hưng, huyện Cái Nước). |
Ông Trương Đăng Khoa đánh giá, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 được UBND tỉnh đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đặc biệt, sau ý kiến kết luận chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 8/2020 và chủ trương của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn năm 2018, 2019 sang năm 2020 đến hết ngày 31/12/2020 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Giá trị giải ngân trong tháng 9/2020 tăng thêm trên 400 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân từ 54,3% tăng lên 64,2%.
Theo đó, để đạt được kết quả này, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan chuyên môn quản lý vốn đầu tư công đã chủ động tổng hợp, đề xuất điều chỉnh vốn kịp thời. Cụ thể, trong tháng 7/2020 đã trình HĐND tỉnh ra quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 65 danh mục dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 35 danh mục dự án, với tổng kế hoạch vốn gần 127 tỷ đồng, đang tiếp tục trình HĐND tỉnh kỳ họp thứ 14 quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 35 danh mục dự án để bổ sung tăng kế hoạch vốn cho 29 danh mục dự án, với tổng kế hoạch vốn trên 102 tỷ đồng.
Các chủ đầu tư đã chủ động, tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (đối với các dự án chuyển tiếp), triển khai hoàn thiện các bước trình tự thủ tục hồ sơ để sớm khởi công dự án (đối với dự án khởi công mới năm 2020). Từ đó, góp phần tăng cao giá trị và tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 so với các năm trước (so với cùng kỳ năm 2019 tỷ lệ giải ngân đạt 46,6%).
Với nỗ lực đó, tính đến nay, trong tổng số 29 chủ đầu tư, chủ đầu tư Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân đạt 100%; 13 chủ đầu tư khác có tỷ lệ giải ngân đạt từ 70% đến <100%; 8 chủ đầu tư với tỷ lệ giải ngân đạt từ 50% đến <70%. Có 5 chủ đầu tư đã giải ngân nhưng tỷ lệ đạt <50%. Đặc biệt, có 2 chủ đầu tư đến thời điểm này chưa giải ngân, đó là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế tỉnh.
Lý giải điều này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Dự án ODA về đầu tư nâng cấp tuyến y tế cơ sở (thuộc Bộ Y tế), kế hoạch thực hiện trong năm 2020, vốn đối ứng của tỉnh là 6 tỷ đồng, nhưng đến nay Trung ương chưa phân khai vốn. Trước tình hình trên, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh chỉ xin bố trí 2 tỷ đồng (cắt 4 tỷ đồng) để thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, nguồn vốn xổ số kiến thiết mới phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 9. Do vậy, tới cuối năm 2020 mới mời thầu được, không thể nhanh hơn”.
Cà Mau đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện các công trình hạ tầng giao thông. Ảnh: Hồng Nhung.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua tổng hợp, hiện nay có 12 dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Có 22 dự án đang ở bước hoàn thiện thủ tục đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và các nội dung khác.
Ngoài ra, một số dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) còn vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư. Trong đó, Tiểu dự án 8 về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau (thuộc Dự án ICRSL) đang vướng mắc ở khâu cấp phép vốn ODA và vốn địa phương vay lại (đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính để tháo gỡ).
Hay Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau còn đang chờ Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế để ban hành sổ tay vận hành dự án hướng dẫn tỉnh thực hiện theo hiệp định. Còn dự án cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Cà Mau đang được điều chỉnh.
Đánh giá cao nỗ lực của các ngành, địa phương trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2020, nhất là trong tháng 9. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân mong muốn các đơn vị, chủ đầu tư, địa phương xúc tiến nhanh để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công 2020 đã đặt ra./.
Đào Hồng Nhung