Hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày một được hoàn thiện, đồng bộ. Ðiều này đã tạo nền tảng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch của tỉnh từng bước hình thành và phát triển; hàm lượng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản từng bước được nâng lên.
Lúa sạch, lúa an toàn là hướng phát triển đang được triển khai nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Huyện Cái Nước có 4 xã: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ tham gia mô hình sản xuất lúa - tôm, thuộc Tiểu vùng II, III Nam Cà Mau. Hai tiểu vùng này thời gian qua đã được đầu tư khép kín đồng bộ bởi hệ thống bờ bao và 26 cống. Ðã qua, đây được xem là nơi có điều kiện sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm gặp nhiều bất lợi, nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào lượng mưa.
Xác định được khó khăn trong quá trình triển khai sản xuất lúa trên đất nuôi tôm của huyện, ngay từ đầu năm, UBND huyện Cái Nước đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp dựa trên diễn biến của thời tiết, khí hậu.
Ông Huỳnh Hùng Em, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Nước, cho biết, ngay đầu vụ, huyện tiến hành tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con, yêu cầu bà con tuân thủ lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa. Trong quá trình sản xuất mùa vụ, huyện chủ động chỉ đạo các phòng chuyên môn khuyến cáo bà con cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh phù hợp theo từng thời điểm và diễn biến thời tiết.
Việc canh tác lúa của nông dân đang được khuyến cáo giảm dần các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc từ hoá chất, tăng cường các sản phẩm sinh học.
Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác, vụ lúa trên đất nuôi tôm của nông dân nơi đây đạt hiệu quả khá cao. Không chỉ diện tích vượt hơn 329 ha so với kế hoạch mà năng suất lúa và tôm đều được nâng lên. Cụ thể, năng suất lúa bình quân hơn 4,1 tấn/ha, năng suất tôm tăng từ 10-15% so với năm 2022.
Không chỉ vậy, nhằm tăng hiệu quả trong sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn phối hợp với các đơn vị và chính quyền xã Thạnh Phú xây dựng thương hiệu “Lúa sinh thái Cà Mau” tại ấp Trần Ðộ, với 49 hộ, trong đó có 37 hộ tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đã tạo ra hiệu ứng tốt đối với người dân trong vùng.
Không riêng Cái Nước, các sản phẩm lúa trên đất nuôi tôm của tỉnh đa phần là sản phẩm sạch. Hàm lượng khoa học công nghệ ở đây chính là việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt. Lúa, gạo và cả con tôm của những vùng sản xuất tôm - lúa có quá trình gieo cấy, chăm sóc, gặt hái hoàn toàn dựa theo tự nhiên, người dân hầu như rất ít sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, đã có hơn 577 ha được chứng nhận lúa hữu cơ, hơn 5.885 ha lúa an toàn và VietGAP, với 25 chuỗi liên kết giá trị.
Quy trình sản xuất xanh, sạch là giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu gắn liền với mô hình tôm - rừng từ rất lâu. Với việc tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt nuôi tôm - rừng bền vững có trách nhiệm, 19.025 ha đã đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế cao, như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP... Sản phẩm tôm từ mô hình tôm - rừng tạo nên sự khác biệt so với các loại khác trên thị trường.
Cùng với lúa sạch, gạo hữu cơ, tôm sinh thái... nông dân trên địa bàn tỉnh đang làm chủ hàng trăm nông sản khác có chất lượng cao. Trong đó tiêu biểu có thể kể đến là 156 sản phẩm của 74 chủ thể được công nhận OCOP, trong đó 32 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao. Mỗi nông sản như vậy đều chứa một hàm lượng khoa học - công nghệ nhất định, tạo nên giá trị gia tăng cho người dân.
Rau sạch là mô hình đã được triển khai nhiều năm qua trên địa bàn các xã vùng ven. (Ảnh chụp ở Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau).
Tôm càng xanh là một sản phẩm có thể kể đến. Từ việc phụ thuộc vào nguồn giống nhập tỉnh, vụ nuôi năm 2023 Cà Mau đã sản xuất và cung ứng hơn 3 triệu con giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel cho người dân. Không chỉ vậy, Trung tâm Khuyến nông đã chuyển giao quy trình nuôi tôm càng xanh cho tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực" tại 2 xã, Lạng Phong và Văn Phú, huyện Nho Quan, được đánh giá đạt hiệu quả khá cao, lợi nhuận trung bình khoảng 350 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài ra, các mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại trên toàn tỉnh hiện nay có thể kể đến là nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, lúa an toàn chất lượng cao, trồng rừng thâm canh, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, an toàn sinh học... Hiện Cà Mau có 6 doanh nghiệp và 2 trang trại nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ chọn lọc giống cây trồng, vật nuôi... từ đó năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản không ngừng được nâng lên.
Trên nền tảng những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại hạn chế thời gian qua, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, ngành đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn.
Có thể thấy, hàm lượng khoa học - công nghệ trong từng mặt hàng nông sản đang tăng dần. Tỷ lệ này tăng từ khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch, cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.
Song Nguyễn