ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 15:26:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tiếc nhớ những liệt sĩ văn công

Báo Cà Mau (CMO) "Ngày 27/7 năm nay thế nào cũng phải sắp xếp làm vài mâm cơm cúng cho mấy anh em nghen", NSƯT Huỳnh Hảnh dặn dò mỗi khi gặp các đồng nghiệp ngày cũ. Lâu rồi ngày giỗ tập thể này được ghép vào giỗ Tổ, nhưng năm nay các Nghệ sĩ Huỳnh Hảnh, Minh Đương, Lệ Minh, Ánh Xuân... lại bàn bạc nhau tổ chức đúng vào ngày đặc biệt để cùng nhau nhắc nhớ về 7 chiến sĩ, liệt sĩ Út Thiết, Tám Vui, Bảy Đảo, Út Trà, Ba Đờn Cò, Bảy An, Năm Châu đã nằm lại chiến trường.

Nhớ trận càn ở Xẻo Xu

"Các anh chị hy sinh lần nào cũng để lại mất mát rất lớn, nhưng tang tóc nhất của đoàn là trận càn ở Xẻo Xu...", cựu diễn viên Minh Ba bùi ngùi khi bắt đầu giở từng lớp ký ức về sự kiện buồn mà ông cùng tất cả anh em ở lại không thể nào quên.

Câu chuyện buồn này diễn ra trong những ngày tháng 10/1965. Khi đó, Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau (Văn công) được chia làm 2 đội nhỏ để biểu diễn tuyên truyền. Đội 1 với 15 diễn viên (5 nữ) được phân công nhiệm vụ biểu diễn phục vụ trận Tiểu đoàn U Minh 2 bao vây tuyến đồn Hoà Thành. Mọi công tác chuẩn bị, tập luyện chương trình đều được ráo riết thực hiện. Đêm 23/10, đoàn xuất phát bằng phương tiện xuồng chèo từ căn cứ kênh Ba Xuyên đến địa điểm phục vụ (mất ròng 1 đêm). Sau đó bố trí đóng lực lượng tại 4 nhà dân, tiếp tục trau chuốt các tiết mục cho đêm biểu diễn. 

Từ trái sang: NSƯT Minh Hoàng, NS Quốc Tín, NSƯT Lệ Minh, NSƯT Minh Đương, NS Hoàng Chiến bên bàn thờ 7 liệt sĩ của đoàn Văn công.

Qua hôm sau, 2 người anh lớn của đội bất ngờ bị bệnh, Nghệ sĩ Huỳnh Hảnh bị đau cổ họng nặng không thể hát được, diễn viên Năm Sư nổi nhọt ở đầu gối nên được anh em sắp xếp đưa về cứ điều trị. Trên đoạn đường về, xuồng chở diễn viên và xuồng của "đối phương" qua mặt nhau, đó là lính biệt kích Cà Mau phối hợp với đồn Hoà Thành đổ vào. Mọi người tuyệt nhiên không phát hiện bởi địch được nguỵ trang rất kỹ với một vẻ ngoài y hệt "dân cách mạng".

Địch cứ thản nhiên chèo xuồng tới cống Xã Đạt rồi đổ bộ chính xác các điểm nhà dân có văn công đóng. Lúc này tất cả anh em đoàn phần mệt vì hành quân, lại còn tập dượt nên ngủ rất say. Khoảng 4 giờ 30 phút sáng, diễn viên Minh Ba giật mình khi nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài. "Gió bấc đến đây xào xạc rung cây lá lá bay...", những tốp người vừa đi vừa ca bài nhạc cách mạng quen thuộc làm ông lầm tưởng "phe mình" nên tiếp tục thiếp đi. Chợt có tiếng kêu "chủ nhà ơi mở cửa", không gian im phăng phắc. Thêm tiếng kêu cửa nữa lặp lại lớn hơn. Ngay lập tức, cánh cửa bị đẩy vô, qua ánh sáng mờ mờ, diễn viên Minh Ba thấy có nhiều người tay cầm súng cạc bin tràn vào. Địch nhanh chóng tiến lại giường Tư Phương (Nhạc sĩ Thế Phương) lấy 2 cây bá đỏ (súng trường Mosin - do Bảy Hảnh và Năm Sư để lại trước khi về cứ). Tư Phương liều mạng tốc mùng ra đạp thẳng vào tốp lính đang đứng vây quanh và chạy ngược vào nhà sau. Ngay lúc đó, một loạt cạc bin bắn trúng cổ làm ông té sấp. Đứa con chủ nhà bị trúng đạn chết tại chỗ. Thấy Tư Phương bất tỉnh, một tên lính lấy đèn toạ đăng rọi sát mặt rồi lôi ra ngoài bờ mương, đồng thời tháo lấy 1 đồng hồ Phile, cây viết Pilot và 100 đồng bạc. Máu từ vết thương chảy xối xả.

"Con mắt nó còn nhấp nháy kìa, mày bắn thêm một phát nữa đi", một tên nói như ra lệnh.

Tràn ra nhà sau, phát hiện 2 diễn viên nữ là Tám Vui và Út Thiết, nghĩ chắc chắn có Nghệ sĩ Năm Chi ở đây bọn chúng liền ra tay sát hại dã man. Bởi giai đoạn này tên tuổi của bà nổi như cồn vì thường xuyên tham gia làm công tác binh vận tuyên truyền gần đồn bót. Tám Vui chết tại chỗ. Út Thiết còn thoi thóp kêu lên thảm thiết: Năm ơi, Năm ơi... Âm thanh yếu dần rồi tắt hẳn.

Khi địch ập vào nhà thứ 2, đồng chí Bảy Đảo (tiểu đội trưởng) khi nghe nổ súng, liền gan dạ nhào lại đá một tên lính thì bị bắn té sấp, hy sinh tại chỗ. Trong nhà mùi thuốc súng nồng nặc. Diễn viên Minh Ba mới 17 tuổi vội lanh trí chui xuống sàn, vạch vách lá cùng với diễn viên Thu Tám, Kiều Oanh đánh liều thoát vội ra ngoài, men theo đường mòn trốn máy bay rồi nấp ở lùm sậy rạp xuống gần đó.

"Thằng Việt cộng nhỏ chạy đâu mất tiêu rồi", bọn lính vẫn ráo riết đuổi theo sau.

Diễn viên Hai Lừng bị thương nhưng vẫn thoát được ra ngoài. Thu Tám, Kiều Oanh sau đó bị bắt sống.

"Mấy đĩ ngựa này có con nào ở Đoàn Văn công tỉnh không?". "Đây là mấy đứa con gái của tui", nhìn vẻ chất phác của bà chủ nhà nên đối phương tin và tha Kiều Oanh, Thu Tám. 

Trời dần về sáng, những diễn viên còn lại mạnh ai nấy trốn, có người nấp ở ô rô, trên sậy, ngoài bờ ruộng. Địch vẫn tới lui lùng sục, lấy danh sách ra điểm mặt lần lượt những cái tên Huỳnh Hảnh, Thu Tám, Minh Ba, Bảy Đảo, Năm Chi... Sau đó, bọn giặc bỏ bom vàm Xẻo Xu, đồng thời đổ quân xuống 1 tiểu đoàn hòng chặn đường rút lui của lực lượng văn công. 

Nấp ngoài bụi sậy đến 3 giờ chiều, khi bọn lính rút quân, diễn viên Minh Ba đánh liều chạy vào thì thấy Bảy Đảo nằm chết, đầu bị bắn vỡ sọ. Ông nhẹ nhàng cởi áo mặc cho người anh thân thiết, sau đó chạy qua nhà bên thì phát hiện thêm xác Út Thiết nằm chết trên giường, Tám Vui nằm dưới đất. Tất cả đều bị lột sạch hết quần áo và bị địch dùng lưỡi lê súng cạc bin rạch nát bầu vú, đâm vào ổ bụng trên dưới 30 nhát.

Ông và đồng đội chia nhau đi kiếm những người còn sót lại, đưa Nhạc sĩ Thế Phương bị thương nặng đến trạm y tế gần đó. Đồng thời, quay về đóng lại xuồng vừa bị giặc làm hư hỏng, tổ chức đưa các thi thể đến nghĩa trang. Mưa đêm lắc rắc, Minh Ba đào huyệt và trong lúc đợi các anh xin ván người dân về đóng hòm, phần vì mệt, ông nằm ngủ bên xác đồng đội của mình khi nào chẳng hay. 

"Sau trận thảm sát đó, đoàn tiếp tục nhận nhiệm vụ tuyên truyền, tất cả anh em tập lại tuồng ai cũng khóc, đặc biệt là thế vai người cũ. Tập mà nước mắt cứ tuôn rơi", NSƯT Huỳnh Hảnh bùi ngùi.

Nhớ một tình yêu đẹp

Trong những ngày "tay súng tay đàn" đầy hiểm nguy, gian khổ, không ít mối tình nảy nở thật đẹp. Trong 7 chiến sĩ nằm lại, diễn viên Út Trà là một trong những trường hợp như thế.

Út Trà xuất thân là chiến sĩ pháo binh, vì tài kéo vi-ô-long nên được rút về đoàn. Ông cảm mến Nghệ sĩ Ánh Xuân (vào đoàn trước đó không lâu) bởi giọng ca hay cùng nét đẹp thanh xuân khi ấy. Tình cảm hai người được giải bày trong quyển nhật ký chuyền tay qua lại. Khi những trang nhật ký ngày một dày, Út Trà đem đưa cho trưởng đoàn Mười Mây với mong muốn được tác hợp. Hai người sau đó được mời lên, soạn giả Mười Mây từ tốn giải thích: Thôi, hai đồng chí yêu nhau cũng được. Nhưng chuyện tình cảm riêng tư nên gác lại vì nhiệm vụ chung. Đợi đến khi hoà bình thì cưới nhau cũng không muộn. 

Rồi tình yêu đẹp cứ tiếp tục được nảy nở qua những lá thư tay. Hồi đó nhát lắm, thỉnh thoảng mới dám nhìn mặt nhau. Ánh Xuân len lén tặng người thương chiếc khăn tay. Lần gần nhau nhất là khi hai người ngồi chung bộ ván ngựa lấy cớ xếp quần áo để nói chuyện. Có lần hai người đóng chung vở Tình riêng nghĩa cả, Ánh Xuân đóng vai Tâm, Út Trà đóng vai sếp bót. Trong vở có cảnh Tâm gạt tay sếp bót nói: "Muốn bắt thì bắt tôi đây nè!", vậy đó mà đóng hoài không được vì gượng gạo, rồi năn nỉ lãnh đạo cho đổi vai.

Lần cuối cùng chia tay trước khi hai đội lên đường công tác, Út Trà tới từ giã: "Em đi nghe anh Út Tâm ơi!", nhưng Ánh Xuân biết, lời từ giã đó là dành cho chính mình. Không ngờ trên đường cùng đồng đội hành quân lên Kênh Hãn với đoàn vận tải gạo thì bị đầm già phát hiện, phóng pháo. Diễn viên Út Trà nằm lại với tình yêu đẹp. Đó là ngày mùng 4 tết năm 1970.

Nghệ sĩ Ánh Xuân nghẹn ngào: "Hồi đó đi hát nghèo lắm, tôi chỉ có 2 bộ đồ, nấu cơm xong phải quạt lửa than phơi ngay. Chuyến đi đó anh về nhà nhờ bà chị mua dùm 2 bộ đồ cho người yêu, định hành quân về sẽ tặng nhưng chưa kịp mua thì hy sinh. Phải chi năm 68 yêu nhau mà hoà bình thì có lẽ bây giờ đã hạnh phúc rồi".

Như có linh cảm trước sự ra đi, trong thùng sắt đồ đạc của Út Trà có tờ giấy với dòng chữ: "Các đồng chí! Trong chiến đấu nếu tôi có hy sinh hoặc giặc bắt, các đồng chí nên giao toàn bộ đồ đạc cho gia đình tôi...". Điều xúc động nhất là khi lục lại có nhiều quyển nhật ký cất kỹ viết rất nhiều về người thương. Để rồi sau bao năm, tình cảm của bà dành cho một Út Trà cứ vẹn nguyên, tấm di ảnh được đặt trang trọng nhất trong ngôi nhà và trong trái tim bà.

"Đêm đám giỗ anh, em lén ra thăm mộ anh rồi em khóc. Anh có cùng em tâm sự chuyện vui buồn, khói hương bay quanh bia mộ. Trời đã vào xuân mà em nghe như mùa đông giá lạnh. Mùng 4 xuân về, trăng lạnh bỏ trời không, chiếc khăn hồng ngày trước em thêu dòng chữ mến tặng anh chắc anh còn lưu giữ. Em muốn khóc thật nhiều cho vơi bớt mối tình đầu để ru anh vào giấc ngủ ngàn thu...", câu vọng cổ trong bài "Tiếng vọng ngày xưa" của tác giả Xuân Thơm được Nghệ sĩ Ánh Xuân ca lại trong nỗi niềm luyến nhớ./.

Trần Hoàng Phúc

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.