(CMO) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, ở các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay. Trong đó, Hội LHPN huyện Trần Văn Thời nổi bật với cách tiết kiệm từ phế liệu, chất thải nhựa (hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, gây quỹ học bổng) và quyên góp thùng từ thiện giúp người nghèo.
Xuất phát từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào chống rác thải nhựa, năm 2018, Hội LHPN huyện Trần Văn Thời đã sáng tạo mô hình tiết kiệm từ phế liệu giúp phụ nữ khởi nghiệp.
Giá trị từ phế liệu
Ðịnh kỳ hàng tháng, hàng quý, hội viên ở chi, tổ hội mang phế liệu tập hợp lại, phân loại bán. Số tiền bán được, mỗi hội viên trích đóng vào quỹ phụ nữ khởi nghiệp 3.000 đồng/năm; còn lại sử dụng cho sinh hoạt hội, các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ hội viên…
Với cách tiết kiệm này, đến nay nguồn quỹ từ phế liệu được 235 triệu đồng, đã giúp 21 chị thực hiện mô hình khởi nghiệp như chăn nuôi, mua bán, nghề tóc, nghề may… Chị Huỳnh Hồng Thắm, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện, tính toán, với 21.000 hội viên tham gia, mỗi người chỉ đóng 3.000 đồng, thì mỗi năm được hơn 60 triệu đồng. Huyện hội xem xét tuỳ theo quy mô, nhu cầu của mô hình, để hỗ trợ từ 5-35 triệu đồng, cam kết sau 12 tháng hoàn lại để xoay vòng cho chị em khác mượn.
Khởi nghiệp từ tiệm may nhỏ tại nhà (ấp Công nghiệp A, xã Khánh Hưng), nhiều năm nay chị Nguyễn Mỹ Nhiên mong muốn có vốn mua thêm nhiều loại vải, để khách hàng đến chọn lựa và may cho tiện. Năm nay, được hỗ trợ 30 triệu đồng, chị Nhiên mua các loại vải áo bà ba, áo dài, đồ bộ… việc làm ăn càng phát triển. Chị Nhiên chia sẻ: “Nhà tôi có 5 công ruộng, canh tác không mấy hiệu quả, nhờ nguồn vốn khởi nghiệp, cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn. Trước đây tôi may mỗi tháng lãi chỉ khoảng 4 triệu đồng, nay tăng hơn 10 triệu đồng, còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động”.
Chị Huỳnh Hồng Thắm, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, đến thăm mô hình khởi nghiệp của chị Nguyễn Mỹ Nhiên. |
Trước đây nhiều chị em nghĩ rằng việc thu gom phế liệu mất thời gian trong khi tiền thu về chẳng đáng là bao, nên thường vứt bỏ cùng rác sinh hoạt. Từ khi thấy được hiệu quả của mô hình tiết kiệm phế liệu, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa giúp được nhiều người nên chị em ngày càng đồng thuận cao. Chị Phạm Thị Nhài, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Công nghiệp A, chia sẻ: “Tôi thấy việc tiết kiệm từ rác thải tái chế rất ý nghĩa, nên sinh hoạt hàng ngày, tôi đều phân loại, tích góp lại. Có khi thấy chai nhựa, thùng giấy người ta vứt ngoài đường, tôi cũng lượm mang về, mình bỏ chút công sức mà mang lại được nhiều lợi ích”.
Cũng từ nguồn tiết kiệm phế liệu, huyện hội xây dựng Quỹ học bổng 20/10, thu hút trên 18.000 hội viên tham gia. Mỗi người góp ít nhất 2.000 đồng/năm là có thể giúp hàng chục học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Từ năm 2017 đến nay, quỹ đã trao 765 suất học bổng.
Em Nguyễn Thuý An, lớp 8A, Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời, là một trong những trường hợp được nhận hỗ trợ. Cha của An bị bệnh nặng, mất sức lao động, mẹ mắc bệnh tim... Gia đình An thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, cuộc sống dựa vào trợ cấp xã hội. Nhờ nguồn quỹ học bổng 20/10, Thuý An được hỗ trợ từ lớp 6-8. Ngoài ra, Chi hội Phụ nữ khóm còn giúp em tiền mua sách, mua xe đạp để đến trường.
Hội viên, phụ nữ huyện Trần Văn Thời biến phế liệu thành quỹ học bổng, hỗ trợ khởi nghiệp. |
Thùng từ thiện giữa chợ
Thùng từ thiện được đặt giữa chợ Chín Bộ (ấp Chủ Mía, xã Khánh Hải), tại quán ăn của chị Dương Bích Tuyền. Cứ bán 1 dĩa cơm, chị Tuyền bỏ vào thùng 1.000 đồng. Việc làm của chị được mọi người xung quanh chú ý, dò hỏi. Chị Tuyền bộc bạch: “Mình sống nghề buôn bán nhỏ, nên khó có số tiền lớn giúp người nghèo một lần. Nên mỗi ngày tôi bán được 50 dĩa cơm thì bỏ vào thùng 50.000 đồng, rồi kêu gọi các tiểu thương, người quen đi chợ, khách đến quán, quyên góp thêm để cùng làm việc tốt”.
Chị Tuyền là hội viên phụ nữ của Chi hội ấp Chủ Mía, xã Khánh Hải. Nhiều năm tích cực tham gia các mô hình tiết kiệm giúp nhau trong chi hội, song chị Tuyền thấy quanh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cần nguồn hỗ trợ, nên đề xuất đặt thùng từ thiện. Chi bộ ấp thống nhất giao chị Tuyền và chi hội phụ nữ quản lý từ năm 2020 đến nay.
Nhìn vào thùng từ thiện, bên cạnh những tờ tiền có mệnh giá nhỏ, có nhiều tờ 100.000 đồng, 200.000 đồng. Chị Tuyền kể, thỉnh thoảng có khách lạ đến ăn uống, thấy chị bỏ tiền vào, họ tò mò hỏi về cái thùng từ thiện này. Sau khi được chị Tuyền giải thích, họ không ngần ngại ủng hộ số tiền lớn. Nhờ thế nguồn quỹ tăng nhanh.
Số tiền này địa phương dùng để hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo, người gặp hoạn nạn, phát gạo cho người già cô đơn… động viên tinh thần, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Bà Lê Thị Mãn xúc động: “Mấy năm trước chồng tôi bị bệnh ung thư, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Ðịa phương đã trích quỹ thùng từ thiện hỗ trợ gia đình tôi hơn 7 triệu đồng để trang trải lúc nguy nan”.
Tạo được lòng tin ở người dân, thùng từ thiện không chỉ gây quỹ giúp đỡ cho những hoàn cảnh ngặt nghèo mà đây còn là nơi để mọi người phát huy tinh thần tương thân tương ái. Bà Nguyễn Thị Liên, 62 tuổi, chia sẻ: “Tôi thấy mô hình thùng từ thiện này rất hay và thiết thực. Hàng ngày tôi đi rửa chén mướn, để dành ít tiền lẻ rồi ghé qua bỏ vào thùng từ thiện, hy vọng góp chút tấm lòng giúp được hoàn cảnh nào đó khổ hơn mình”.
Qua 2 năm, quỹ thùng từ thiện được 20 triệu đồng, đã giúp đỡ 10 hoàn cảnh. Ông Phan Xuân Huyền, Bí thư Chi bộ ấp Chủ Mía, cho biết, việc bảo vệ và quản lý quỹ được thực hiện công khai, minh bạch. Mỗi lần mở thùng đều có sự chứng kiến của đại diện chính quyền và Nhân dân. Nhờ đó, đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng. Hiện một số ấp trên địa bàn cũng thực hiện mô hình này để gây quỹ vì người nghèo. Mong rằng, sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của người dân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn, để có nhiều hoàn cảnh khó khăn được sẻ chia kịp thời.
Từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi, từ những đồng tiền lẻ không đáng giá, nhưng khi biết cách tiết kiệm chúng có thể mang đến những giá trị không ngờ. Ðiều đó được minh chứng từ những mô hình sáng tạo của hội viên phụ nữ huyện Trần Văn Thời - tiết kiệm để giúp người, tiết kiệm để xây dựng quê hương./.
Mộng Thường
BÀI CUỐI: XÂY NHÀ BẰNG TIỀN... LẺ