(CMO) Nhiều căn nhà lụp xụp, mưa tạt gió lùa được thay thế bằng những mái ấm khang trang, kinh phí thực hiện bằng sự đóng góp của nhiều người, mỗi người chỉ vài ngàn đồng. Ðó là những căn nhà mang tên "Mái ấm nông dân" và "Ngôi nhà khăn quàng đỏ" được các địa phương thực hiện hiệu quả, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn an cư lạc nghiệp, dựng xây cuộc sống trong niềm hân hoan và tràn đầy hy vọng.
Nghĩa tình nhà nông
Cuối tháng 7 rồi, gia đình ông Võ Văn Lộc (ấp Ðất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân) được dọn vào ở trong căn nhà mới, sau 2 tháng xây dựng. Ðối với vợ chồng ông Lộc, đó giống như một giấc mơ. Gia đình ông Lộc là hộ nghèo, ông bà nay đã ngoài 70 tuổi, thường xuyên đau ốm, nhà có mấy công vuông chỉ đủ trang trải ăn uống, thuốc thang. Các con ông Lộc đều đi lao động ngoài tỉnh, không mấy dư dả. Ðể cất căn nhà đàng hoàng như thế này thật không dễ dàng. Vậy nên mấy năm nay, ông bà đành sống trong căn nhà tạm bợ.
Căn nhà có tổng giá trị 160 triệu đồng, trong đó cán bộ, hội viên nông dân đóng góp 45 triệu đồng, Chi bộ ấp vận động hỗ trợ 2 triệu đồng, còn lại con cái, anh em trong nhà giúp đỡ. Không giấu được niềm xúc động, ông Lộc chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ từ cán bộ, hội viên nông dân và chi bộ ấp, thì không biết khi nào vợ chồng tôi mới có được chỗ ở lành lặn. Vài hôm nữa, tôi thả nuôi vụ tôm mới, chăn nuôi gà, vịt, kiếm thêm thu nhập, góp vào quỹ xây nhà, để nhiều hội viên khó khăn như tôi được an cư”.
Niềm vui của gia đình ông Lộc và những hộ được hỗ trợ Mái ấm nông dân càng khẳng định ý nghĩa của sự chung tay, góp sức. Ðể có nguồn kinh phí xây dựng “Mái ấm nông dân”, hội nông dân các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động cán bộ, hội viên đóng góp từ 2.000-10.000 đồng/người/năm, sau đó tập hợp lại, chọn hỗ trợ xây nhà cho trường hợp bức thiết nhất.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận, cho biết: “Xã có 1.380 hội viên, năm nay được giao chỉ tiêu vận động ít nhất 5 triệu đồng, tính ra mỗi hội viên đóng góp chưa tới 5.000 đồng là đủ nguồn để xây dựng 1 căn nhà cho hội viên nghèo”.
“Mái ấm nông dân” chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được xây dựng từ tình yêu thương, sẻ chia của những nhà nông chân chất, nghĩa tình. Anh Ðỗ Hoàng Ðiệp, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận có gia cảnh khó khăn, ít đất sản xuất, hàng ngày đi đánh bắt trên sông để lo 2 đứa con đi học, song anh luôn tích cực tham gia các phong trào. Với quỹ xây dựng “Mái ấm nông dân”, thay vì đóng vài ngàn, anh sẵn sàng góp 200.000 đồng.
Anh Ðiệp bộc bạch: “Trong sinh hoạt gia đình, tôi tiết kiệm chi tiêu để có nguồn đóng góp các loại quỹ của hội cũng như của địa phương. Tôi thấy việc hỗ trợ nhà cho nông dân là rất thiết thực, hy vọng mỗi hội viên có thể góp phần nhiều hơn, để ngày càng nhiều mái ấm được dựng lên”.
Kể từ khi phát động năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xét xây dựng 29 nhà Mái ấm nông dân, bình quân mỗi căn hỗ trợ trên 40 triệu đồng, từ nguồn vốn tiết kiệm quỹ hội, nguồn vận động từ cán bộ, hội viên nông dân và tổ chức, cá nhân.
Tiết kiệm giúp bạn xây nhà
Suốt 10 năm qua, Hội đồng Ðội huyện U Minh thực hiện hiệu quả chương trình “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, giúp đội viên nghèo, vượt khó học giỏi viết tiếp ước mơ trên ghế học đường. Nguồn đóng góp để dựng nên những mái ấm yêu thương ấy là từ những giáo viên Tổng phụ trách Ðội và thiếu nhi ở các trường trên địa bàn.
“Hàng năm mỗi giáo viên Tổng phụ trách Ðội (33 người) góp 50.000 đồng, thiếu nhi (9.700 em) góp 8.000 đồng, để hỗ trợ từ 1-2 căn nhà khăn quàng đỏ. Từ năm 2012 đến nay, huyện xây dựng được 17 căn, với mức 40 triệu đồng/căn; đồng thời huyện còn dành kinh phí trao xe đạp, sửa nhà, tặng học bổng…”, chị Quách Cẩm Tú, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội huyện U Minh, cho biết.
Suốt 10 năm qua, Hội đồng Ðội huyện U Minh thực hiện hiệu quả chương trình “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”. |
Ðể có kinh phí giúp bạn xây nhà và hỗ trợ vật dụng sinh hoạt, các liên đội linh hoạt thực hiện nhiều mô hình tiết kiệm, như trích phần tiền ăn sáng, quà vặt, tiền bán sách, báo cũ, chai nhựa hay quỹ heo đất.
Thầy Quách Trần Vĩnh Bảo, Tổng phụ trách Ðội Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Khánh Hội), cho biết: Hàng năm, liên đội của trường góp hơn 4 triệu đồng về Hội đồng Ðội huyện, để xét hỗ trợ nhà khăn quàng đỏ. Khi nghe gây quỹ giúp bạn vượt khó, các em đều xông xáo thực hiện các mô hình tiết kiệm. Trường có “Ngôi nhà 100 đồng”, hàng ngày học sinh uống nước, gom chai nhựa bỏ vào; mỗi lớp có 1 con heo đất, các em tiết kiệm tiêu xài bỏ ống. Hành động nhỏ nhưng đã giúp được nhiều bạn có nhà, có đồng phục mới, rồi sách vở, bàn học…
Em Trần Mỹ Nhiên, học sinh lớp 8, chia sẻ: “Hàng ngày đi học em đều tiết kiệm quà vặt, dành 1.000-2.000 đồng bỏ vào heo đất của lớp. Ở nhà, em cũng gom phế liệu bán lấy tiền bỏ ống heo, để đóng góp giúp bạn xây nhà. Những ngày cuối năm học, em cùng các bạn soạn sách, báo cũ bán gây quỹ… Em thấy những việc làm này thật ý nghĩa, mình tiết kiệm từ những việc nhỏ nhưng có thể giúp bạn có được căn nhà ấm cúng”.
Học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng thu gom sách, báo cũ, bán gây quỹ, giúp bạn xây nhà. |
Căn nhà khăn quàng đỏ đầu tiên của huyện được xây dựng năm 2012, đã tiếp thêm động lực để em Ðiệp Khắc Ðiệp (xã Khánh Hoà) phấn đấu bước vào giảng đường đại học. Khắc Ðiệp chia sẻ: “Lúc đó em đang học Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Nhờ sự hỗ trợ từ thầy cô, các bạn mà gia đình em có được căn nhà đàng hoàng, từng bước ổn định cuộc sống, giúp em an tâm học tập. Hiện em đang đợi kết quả vào Ðại học Sư phạm Ðịa lý”. Liên tiếp 12 năm, Ðiệp là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Ðiệp đoạt giải Nhì môn Toán cấp tỉnh. Rồi đây, Ðiệp sẽ về lại quê hương, đứng trên bục giảng, dạy học trò mình phải biết tiết kiệm, sẻ chia, để giúp nhiều bạn khó khăn cùng vươn lên, như chính bản thân Ðiệp từng nhận được.
“Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, “Mái ấm nông dân”, đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến từ người hỗ trợ và người nhận. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, tấm lòng sẻ chia. Trên hết ở mỗi người luôn nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm theo gương Bác, để tiết kiệm trở thành thói quen, được phát huy giá trị qua những hoạt động nghĩa tình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi thực hành tiết kiệm là quy luật đi lên của một đất nước. Theo Bác, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Vì thế, bài học tiết kiệm theo tư tưởng của Bác vẫn nguyên giá trị thời đại. Ai cũng có thể tiết kiệm và ai cũng nên tiết kiệm, để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Ðây cũng chính là hành động thiết thực để Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện thắng lợi Chỉ thị 05-CT/TW về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.
Mộng Thường